A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đề xuất ngành giáo dục tự chủ tài chính và nhân sự

16:07 | 26/04/2019

Góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), ông Nguyễn Xuân Khang - Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, giáo dục là ngành nghề đặc thù.

Vì vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Khang đề xuất cần có những điều khoản của Luật Giáo dục sửa đổi quy định ngành giáo dục được chủ động về nhân sự và tài chính. 

Giáo dục là một ngành nghề đặc thù, cần có cơ chế tự chủ cả về tài chính và nhân sự. Ảnh minh họa.

Xót xa giáo viên hợp đồng

Liên quan đến câu chuyện của gần 300 giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn - Hà Nội đang đứng trước nguy cơ mất việc, ông Nguyễn Xuân Khang cho biết, khi đọc thông tin về lương của những giáo viên hợp đồng như thế ở trong hệ thống công lập, trước tiên là ông ngạc nhiên, sau nữa là rơi nước mắt. Không thể hình dung một giáo viên công tác 15-20 năm làm việc trong ngành giáo dục mà nhận khoản lương như vậy. 

Ông Khang lấy ví dụ về công lao động đơn giản hơn là giám thị quan sát để đảm bảo an toàn trật tự vui chơi cho học sinh, phòng ngừa rủi ro đến với các em thôi, ở Trường Marie Curie tối thiểu là 6 triệu đồng. Đó là mức lương thấp nhất của nhân viên trong trường. Tất nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng nếu chỉ tính riêng việc giáo viên đó đã đi dạy tới hơn 15 năm mà vẫn nhận khoản lương tối thiểu của người lao động thì thật kinh ngạc!

“Tất nhiên trên diện rộng, không thể bù đắp được vì mức lương tối thiểu đã được tính toán kỹ nhưng ở mức như vậy với giáo viên trực tiếp đứng lớp thì đúng là tôi không còn biết bình luận gì nữa. Chính người đó sống cũng không đủ được thì sao nuôi nổi con cái, phụ giúp cha mẹ hai bên, làm sao có thể tâm huyết với nghề...” - ông Khang nói. 

Chia sẻ thêm, ông Khang cho rằng những giáo viên đó họ chấp nhận mức lương đó cộng với nuôi hy vọng để vào biên chế nhà nước. Điều đó không có gì là sai nhưng họ chờ 1 năm, 2 năm và đến 15 năm, họ vẫn tiếp tục chờ. Phải chăng danh nghĩa giáo viên ở trong đời sống hiện nay được tôn trọng nên họ tự hào, sống vì tinh thần nhiều hơn là vật chất?

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nếu như những giáo viên này thi tuyển vào trường tư thục thì sẽ không phải thấp thỏm lo âu như vậy, ông Nguyễn Xuân Khang cho rằng khác với các trường công lập tuyển dụng giáo viên theo tiêu chí của Sở Nội vụ, Bộ Nội vụ... Trường Marie Curie quan tâm đến 2 vấn đề chuyên môn và nghiệp vụ. 

“Chẳng hạn với giáo viên Sử, chúng tôi không quan tâm đến năng lực tiếng Anh hay tiếng Pháp,… vì khi các bạn được đào tạo trong trường ĐH, CĐ nhưng nếu không dùng liên tục thì trong vài 3 năm cũng sẽ mai một đi. Nếu tuyển dụng yêu cầu bằng tin học và ngoại ngữ, rất có thể họ lại phải đi “mua” bằng nên tất nảy sinh ra bằng giả. Tôi tuyển giáo viên không xem những chứng chỉ ấy đâu. Họ được đào tạo trong trường sư phạm ra để dạy cấp 1, 2, hay 3 thì bằng của họ đã được cơ sở giáo dục hợp pháp đó khẳng định rồi. Chỉ là cách dùng người ra sao. Chẳng hạn giáo viên dạy Sử, phải dạy cái gì, làm sao để học sinh hiểu, giáo dục học sinh để làm người nhân văn, nhân ái thông qua các bài học lịch sử... Đó mới là cái cần. Yêu cầu chính của giáo viên bộ môn không phải là ngoại ngữ và tin học mà là chuyên môn khác. Đối với nghiệp vụ, tôi quan tâm là làm thầy thì bài giảng có dễ hiểu không, đối xử công bằng với học sinh không, nhân cách có xứng đáng để đứng trên bục giảng hay không”- ông Nguyễn Xuân Khang chia sẻ. 

Đề xuất cơ chế đặc thù

Chính vì những bất cập trong vấn đề lương và tuyển dụng như vậy, ông Nguyễn Xuân Khang đề xuất Luật Giáo dục sửa đổi sắp tới có những điều khoản quy định ngành giáo dục được chủ động về nhân sự và tài chính. Cụ thể, Bộ Nội vụ chỉ áp có chừng này học sinh, chỉ tiêu của ngành là ngần này giáo viên. Còn tuyển ra sao, tuyển ai là chuyện của ngành giáo dục. Tương tự, với tài chính, ngân sách quốc gia quy định một khoản bao nhiêu thì ngành giáo dục tự cân đối chi tiêu trong khoản đó. Nếu có được hai điều cơ bản này thì chắc chắn ngành giáo dục sẽ tuyển được giáo viên giỏi.  

Đồng thời, những vấn đề như bạo lực học đường, như thực phẩm bẩn trong trường học… sẽ được đẩy lùi. Ông Khang phân tích, người nào cũng có 2 mặt, mặt tốt và mặt xấu. Mỗi môi trường có điều kiện cạnh tranh để tồn tại và phát triển riêng. Chẳng hạn ở trường tư, họ phải bằng mọi cách phô mặt tốt lên, ém bằng mọi cách mặt xấu đi nên mặt xấu không có đất để nảy nở. Không riêng gì bạo lực học đường, mà khi các trường đua nhau để phô mặt tốt trong học tập, giảng dạy, chăm sóc học sinh, kể cả ứng xử với cha mẹ thì sẽ tự nó triệt tiêu tiêu cực. 

Lấy ví dụ về việc không lấy phiếu tín nhiệm với giáo viên, ông Khang cho biết nhiều năm nay, Trường Marie Curie cứ cuối học kỳ, với lớp nhỏ 1, 2, 3, cha mẹ học sinh được làm phiếu test tâm lý, trong đó có câu hỏi “Ông/bà hãy cho ý kiến về giáo viên chủ nhiệm lớp, phó chủ nhiệm lớp, giáo viên dạy tiếng Anh trong nước, giáo viên dạy tiếng Anh người nước ngoài” với 3 mức rất tín nhiệm, tín nhiệm và không tín nhiệm. Phụ huynh chỉ tích vào thôi, làm sao lộ được danh tính. Nếu giáo viên không ổn hay đòi hỏi cha mẹ học sinh phải này kia thì họ sẽ tích vào ô không tín nhiệm. Nếu nhiều người đánh giá như vậy, khoảng 1/3 phụ huynh học sinh không tín nhiệm thì làm sao giáo viên đó trụ được? 

“Khi đó, không cần cấm dạy thêm học thêm, không cần đề ra các quy định này kia thì giáo viên vẫn tự giác không vi phạm. Chỉ cần làm động thái test tâm lý phụ huynh như vậy là sẽ cho ra kết quả chính xác” – ông Khang khẳng định. 

Đối với học sinh lớp lớn từ 4-5 trở lên, học sinh trực tiếp tích vào ô đó vì các em đã có chính kiến. Một điều nữa là những phiếu khảo sát này đã làm là làm thật, để học sinh và phụ huynh thấy ý kiến của mình được ghi nhận chứ không phải làm cho có thì chính giáo viên sẽ phải làm thật, làm tốt… 

Thu Hương (ghi)

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ