A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phân luồng giáo dục sau THCS: Người học vẫn dè dặt

08:18 | 11/05/2019

Sở GDĐT Hà Nội cho biết, năm học 2019-2020, thành phố Hà Nội tuyển sinh gần 8.000 chỉ tiêu học sinh vào học lớp 10 hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) tại các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp (GDNN) quận, huyện, thị xã.

Đối tượng dự tuyển vào lớp 10 hệ GDTX là học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc hộ khẩu tạm trú tại Hà Nội.

Như vậy, trong trường hợp học sinh không đủ điều kiện hoặc không có nguyện vọng theo học lớp 10 tại các trường THPT công lập, THPT ngoài công lập, trường THPT công lập tự chủ tài chính, các em có thể đăng ký nguyện vọng dự tuyển lớp 10 tại các trung tâm GDTX - GDNN quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội.

Các trung tâm giáo dục GDTX - GDNN này áp dụng thống nhất một phương thức tuyển sinh lớp 10 là xét tuyển theo học bạ cấp THCS của học sinh. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở 4 năm học cấp THCS sẽ được quy ra điểm cụ thể, tối đa cho mỗi năm học là 10 điểm (dành cho học sinh có hạnh kiểm tốt và học lực giỏi). 

Học sinh có nguyện vọng dự tuyển lớp 10 hệ giáo dục thường xuyên làm thủ tục xác nhận nhập học trực tiếp tại các trung tâm từ ngày 20 đến ngày 22/6/2019. Sở GDĐT Hà Nội không áp dụng quy định xác nhận nhập học trực tuyến đối với học sinh có nguyện vọng dự tuyển lớp 10 hệ GDTX.

Thông tin này đặt trong bối cảnh kỳ thi vào lớp 10 THPT sắp diễn ra - không nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh bởi thực tế, việc chọn luồng GDTX chỉ là giải pháp của rất ít học sinh.

Theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, phần lớn các tỉnh/thành đều có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT với tỉ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80%. Thống kê ở Hà Nội là 75%, TPHCM 77%,... Điều này làm ảnh hưởng đến cơ cấu đào tạo của lực lượng lao động. Học tiếp lên THPT vẫn là luồng chủ yếu mà học sinh THCS hướng tới, mặc dù có nhiều em học sinh do hoàn cảnh khó khăn hoặc bị hạn chế về năng lực đã bỏ học khi chưa hoàn thành THPT.

Nguyên nhân đã được TS Vũ Đình Chuẩn-Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT chỉ ra là do nhận thức của học sinh, gia đình học sinh và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt, vẫn còn thiếu những cơ chế chính sách đủ mạnh để nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp và khuyến khích học sinh tham gia học nghề.

Bài toán hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đã được ngành giáo dục, các địa phương, nhà trường quan tâm thực hiện nhưng vẫn chưa đạt được chuyển biến mạnh mẽ, thậm chí còn quá xa với đích đã vạch ra. Ngay trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã được công bố, vấn đề phân luồng cũng mới dừng lại ở giai đoạn giáo dục sau THCS, học sinh được phân luồng và được lựa chọn môn học theo sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp. 

Thu Hương

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ