A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm tăng: Có bất thường?

08:04 | 14/05/2019

Theo thông tin Bộ GD-ĐT vừa công bố, tổng chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm năm 2019 tăng hơn 30% so với năm 2018. Điều này đang khiến dư luận đặt câu hỏi về lộ trình giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm mà Bộ đưa ra đã thực hiện đến đâu?

Trong khi hàng ngàn cử nhân sư phạm thất nghiệp, giáo viên hợp đồng lâu năm cũng có nguy cơ mất việc thì việc đào tạo một lượng lớn chỉ tiêu sư phạm có hợp lý? 

Có nhiều băn khoăn về việc tăng chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm năm 2019.

Nghịch lý tuyển sinh

Nhìn vào bức tranh tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, số thí sinh dự thi THPT quốc gia giảm gần 40.000 so với năm 2018, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) cũng giảm 5,14% thì chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH lại tăng gần 7,6%. Riêng chỉ tiêu sư phạm là 46.285, tăng hơn 30%.

Thông tin từ trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), năm nay trường tuyển 1.500 chỉ tiêu ĐH chính quy cho 16 ngành, trong đó 900 chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2019 và 600 chỉ tiêu xét tuyển theo học bạ THPT.  

Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHồ Chí Minh cũng tăng chỉ tiêu ngành sư phạm mầm non so với năm 2018, vì nhu cầu ngành này tại thành phố ngày càng tăng, tới 400 chỉ tiêu trong khi các ngành còn lại vẫn giữ như năm 2018, ở mức từ 30 chỉ tiêu/ngành. 

Trong khi đó, trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho rằng việc giao chỉ tiêu căn cứ vào năng lực đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo. Trên thực tế, năm 2019 năng lực của các trường tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, Bộ GDĐT quy định các cơ sở đào tạo còn  chưa hoàn thành việc kiểm định chất lượng sẽ bị khống chế chỉ tiêu. Vì thế có những trường năng lực đào tạo nâng lên nhưng vẫn không được tăng chỉ tiêu do chưa kiểm định. Năm 2019, có trên 120 trường đã kiểm định, vì vậy những trường trong số này có năng lực đảm bảo chất lượng tăng, sẽ được tăng chỉ tiêu.

Riêng chỉ tiêu sư phạm tăng, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết Bộ vừa yêu cầu các địa phương phải rà soát và báo cáo về nhu cầu giáo viên đáp ứng nhu cầu thực tế từ năm 2018-2025. Theo đó, năm 2019, nhu cầu về giáo viên tăng so với năm 2018, vì thế việc xác định chỉ tiêu sư phạm cũng tăng. Nhưng nếu đặt trong lộ trình giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm đã được thực hiện những năm gần đây, việc tăng chỉ tiêu năm nay có hợp lý? 

Đau đầu bài toán việc làm

Cũng tại thời điểm này năm 2018, đại diện Bộ GDĐT đã có lý giải về việc tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 của khối ngành sư phạm là khoảng 35.000, giảm gần 40% so với con số 54.000 chỉ tiêu của năm 2017. Theo đó, căn cứ để xác định chỉ tiêu năm 2018 dựa vào tổng nhu cầu của địa phương được tính là tổng số của số sinh viên dự kiến tuyển mới, số sinh viên dự kiến tốt nghiệp và số sinh viên sư phạm ra thất nghiệp trong những năm qua. Đồng thời, kết hợp yếu tố vùng miền, việc định hướng dịch chuyển cơ cấu giáo viên mầm non, giáo dục tiểu học ở các trình độ theo dự thảo luật giáo dục. 

Đối với chỉ tiêu của từng trường cụ thể, căn cứ để xác định chỉ tiêu dựa vào các yếu tố: Nhu cầu giáo viên của địa phương, vùng miền; năng lực đào tạo do trường kê khai theo hướng dẫn tại Thông tư 06 ban hành tháng 2 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, CĐ các ngành đào tạo giáo viên; trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, những năm gần đây, trước áp lực của dư luận xã hội và thực tế yêu cầu về tuyển dụng giáo viên từ các địa phương, Bộ GDĐT đã thực hiện cắt giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm theo lộ trình. Mục đích chính của việc giảm chỉ tiêu nhằm giảm quy mô đào tạo, tạo điều kiện tốt hơn để các trường tổ chức đào tạo đối với sinh viên sư phạm nhằm tăng chất lượng đào tạo ngành sư phạm, giảm dần tỷ lệ sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm phù hợp định hướng, lộ trình quy hoạch mạng lưới các trường có ngành đào tạo đào tạo giáo viên.

Soi chiếu vào quy mô tuyển sinh của các trường năm nay, câu hỏi đặt ra là ai đảm bảo sau khi lứa sinh viên này tốt nghiệp ra trường sẽ không thất nghiệp? 

Theo phân tích của một chuyên gia giáo dục, mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh của các trường căn cứ vào báo cáo của các địa phương về nhu cầu nhân lực cho những năm tới nhưng liệu đây đã là con số thống kê đầy đủ những giáo viên hiện có của các nhà trường đang nằm trong diện biên chế hay hợp đồng dài hạn mà chưa tính đến giáo viên hợp đồng ngắn hạn? Đó là chưa kể rất nhiều sinh viên sư phạm thất nghiệp đang làm trái ngành, trái nghề ở các khu công nghiệp, các công ty và lao động phổ thông khác… Con số thực mà ảo này khiến vị chuyên gia lo lắng những năm tới, nguồn nhân lực của ngành sư phạm vẫn tái diễn tình trang cung vượt cầu, gây lãng phí lớn cho xã hội, ngân sách nhà nước và thiệt thòi cho chính người học. 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, dù đã tăng khoảng 46.000 chỉ tiêu, tuy nhiên vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu của các địa phương. Đó là chưa kể việc bù đắp chỉ tiêu cho một số trường có tỷ lệ sàng lọc đầu ra đáng kể. 

Thu Hương

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ