A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bát nháo chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

08:12 | 23/05/2019

Tình trạng làm đẹp hồ sơ với tấm bằng tin học, ngoại ngữ được cấp một cách dễ dãi, không đúng năng lực thực sự đã được phản ánh nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vì sao vẫn chưa thể giải quyết triệt để?

Học giả, thi thật

Bộ GDĐT vừa chính thức công bố các đơn vị được tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ và tin học. Theo đó, cả nước có 8 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Có 176 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin, chủ yếu là các trường đại học (ĐH) và Sở GDĐT các tỉnh. Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng công bố mẫu các chứng chỉ để học viên tìm hiểu, tránh bị giả mạo…

Không kể đến các “trung tâm ma”, lừa đảo để cấp chứng chỉ giả thì ngày nay, không ít các trung tâm bị vạch trần về tình trạng bát nháo trong việc tổ chức thi vào cấp chứng chỉ. Cụ thể, trung tâm có tổ chức thi thật, học viên có nhu cầu đăng ký và đóng tiền, đến ngày hẹn thì đi thi. Nhưng quang cảnh hỗn loại trong phòng thi khi người hỏi bài, người tranh giành nhau tờ đáp án để chép bài, giám thị chỉ bài, thậm chí làm hộ thí sinh cho nhanh… hoặc thí sinh để trắng bài làm để trung tâm sau đó tự điền khiến không ít người đặt câu hỏi: thi thật, bằng thật nhưng còn hơn cả gian dối? 

Cụm từ “tiền chống trượt” trở nên phổ biến không chỉ trong giới sinh viên mà cả những người có nhu cầu thi lấy chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. 
Cuối năm 2018, tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội rộ lên vụ việc thu tiền tỉ từ sinh viên để chống trượt môn ngoại ngữ. Với mức phí 1,9 triệu đồng/người, sinh viên sẽ được giáo viên ngoại ngữ dạy thuộc lòng một bộ đề thi cho sẵn, đến khi thi chỉ cần “diễn lại” là sẽ chắc chắn qua. Trong khi đó, những người không đóng tiền này sẽ được thi riêng một phòng và đề thi được cho là khó hơn nhiều nên sinh viên có năng lực tiếng Anh tốt cũng khó mà qua được. 

Đây là kỳ thi riêng do Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tổ chức và chứng chỉ này chỉ có giá trị để… ra trường do quy định của Bộ GDĐT là sinh viên muốn ra trường phải đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 tương đương 450 điểm TOEIC. Từ một chủ trương đúng đắn của Bộ GDĐT nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên nói riêng và nâng cao chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động đã trở thành cơ hội để những chiêu trò gian dối có “đất sống”. 

Tương tự như vậy, trong các bộ hồ sơ thi công chức, viên chức và cả các hồ sơ xin việc thông thường hiện nay đều có phần khai thông tin trình độ ngoại ngữ và tin học. Muốn “đẹp hồ sơ”, muốn hồ sơ qua được vòng loại thì nhất định cần phải điền vào mục này và có chứng chỉ đi kèm. Có thể nói, đây là “mảnh đất màu mỡ” để những tấm bằng thật mà giả có cơ hội được xuất hiện. Có cung ắt có cầu, khi một bộ phận có nhu cầu về các loại chứng chỉ này thì chắc chắn sẽ xuất hiện những trung tâm cấp bằng, chỉ cần người đi thi đăng ký “gói chống trượt”.

Khi nào hết gian dối?

Gian dối về bằng cấp không phải là câu chuyện mới được phát hiện mà lâu nay đã trở thành vấn nạn bị lên án gay gắt nhưng vì sao vẫn công khai tồn tại? 

Nhìn từ kỳ thi vào lớp 10 ở Đà Nẵng, khi thành phố có thông báo về việc sẽ miễn thi môn Ngoại ngữ và được quy đổi thành điểm 9-10 cho kỳ thi vào lớp 10 năm học 2019-2020, nhiều phụ huynh và học sinh đã tìm đến các trung tâm ngoại ngữ học và thi được chứng chỉ. Không biết trình độ, năng lực ngoại ngữ của các em có được nâng lên qua các lớp học này không nhưng thống kê của Sở GDĐT thành phố cho thấy, trong hơn 2.300 em có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thì 40% học lực môn ngoại ngữ lớp 9 chỉ trung bình và khá; gần 30 em học yếu. Các trường top trên lại ít học sinh có chứng chỉ quốc tế hơn trường xếp cuối bảng. Những mâu thuẫn đến nghịch lý này khiến cho Đà Nẵng phải bỏ môn thi ngoại ngữ trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay vì lo không công bằng cho học sinh, dễ dẫn đến khiếu kiện sau này. 

Đã đến lúc ngành giáo dục và các cơ quan hữu quan cần vào cuộc mạnh mẽ để trả lại công bằng cho những người có năng lực. Không chỉ là thanh kiểm tra theo định kỳ hay đột xuất mà cần có một cuộc kiểm tra nghiêm túc và toàn diện để trả lời công luận, vì đâu những gian dối này vẫn còn đất sống?     

Thu Hương

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ