A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tuyển sinh đại học 2019: '3 công khai' để giám sát tuyển sinh

08:27 | 03/08/2019

Mặc dù Bộ GDĐT yêu cầu các trường thực hiện “3 công khai” - cam kết chất lượng giáo dục, điều kiện đảm bảo chất lượng, thu chi tài chính để thí sinh nắm rõ trước khi đăng ký vào trường,...

... nhưng trên thực tế, không phải trường nào cũng thực hiện đầy đủ yêu cầu.

.

Tuyển sinh ĐH 2019 sẽ giám sát tuyển sinh bằng “3 công khai”. Ảnh: Quang Vinh.

Cần thiết minh bạch thông tin 

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những trường thực hiện việc công khai đầy đủ thông tin trong đề án tuyển sinh năm 2019 gồm phương án xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển, thông tin chỉ tiêu tuyển sinh 2 năm liền kề, học phí, cơ sở vật chất… Cụ thể, nhà trường có một website tuyển sinh riêng với các thông tin chi tiết về từng ngành học, mức học phí, học bổng… tại địa chỉ https://ts.hust.edu.vn.

Thí sinh Phan Ngọc Anh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, em đã đăng ký vào ngành Kỹ thuật ô tô của trường trong đợt đăng ký xét tuyển năm 2019 và đang đợi kết quả. Trước đó, để tham khảo thông tin về ngành học này, em đã theo dõi thông tin tuyển sinh của nhà trường và được cán bộ tuyển sinh tư vấn tìm hiểu kỹ hơn tại website của Viện Cơ khí Động lực (ĐH Bách khoa Hà Nội) nên càng hiểu rõ và yêu thích, quyết tâm đăng ký ngành học này.

Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng dễ dàng tìm thấy thông tin chi tiết mình quan tâm về trường, về ngành học thông qua website của nhà trường. Tình trạng cung cấp thông tin không đầy đủ, hoặc cung cấp nhưng để ở nhiều chỗ khác nhau gây khó khăn cho việc tham khảo thông tin từ phía người học của một số trường là thực tế đang diễn ra ở mùa tuyển sinh năm nay. Đơn cử như trên website của ĐH Kinh tế TP HCM, trường chỉ thông tin các nội dung như phương thức xét tuyển, chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển…, còn thông tin kết quả tuyển sinh năm 2017, 2018 đều không có. Về mức học phí cho hệ đại trà và hệ chất lượng cao, dù trường công bố rõ lộ trình tăng từ năm 2020 đến 2023 cho từng tín chỉ, từng năm, nhưng không hề thông tin chương trình học có bao nhiêu tín chỉ.

Hay như Đề án tuyển sinh ĐH chính quy 2019 của Trường ĐH Công nghệ TP HCM cũng thiếu nhiều thông tin về học phí, tỷ lệ việc làm sau khi ra trường, đội ngũ giảng viên… Mặc dù nhà trường có thực hiện tư vấn qua điện thoại hoặc có thể đến trường để tìm hiểu thông tin sẽ được cán bộ tuyển sinh giải đáp cụ thể nhưng không phải thí sinh và gia đình nào cũng có điều kiện đến trường để nghe tư vấn. Vì vậy, rất khó khăn cho người học khi muốn tìm hiểu về nhà trường, ngành học.

Tình trạng phổ biến hiện nay đó là khi tìm hiểu về các trường, thí sinh khá mù mờ về vấn đề học phí tính theo số tín chỉ mà sinh viên sẽ học bởi đa số các trường công bố tính học phí theo học kỳ, theo năm trong khi việc đào tạo hiện nay là theo tín chỉ nên khó hình dung mức học phí cụ thể để so sánh khi thí sinh cân não chọn trường, chọn ngành.

Thực hiện kiểm định chất lượng

Theo quy định của Bộ GDĐT, các trường ĐH phải công khai đầy đủ thông tin trong đề án tuyển sinh năm 2019 gồm phương án xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển, thông tin chỉ tiêu tuyển sinh 2 năm liền kề, học phí, cơ sở vật chất. Đặc biệt, thời gian gần đây Bộ GDĐT liên tục nhấn mạnh yêu cầu các trường thực hiện “3 công khai” - cam kết chất lượng giáo dục (chương trình đào tạo, số lượng sinh viên thực tế…), điều kiện đảm bảo chất lượng (đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất), thu chi tài chính (học phí cụ thể, học bổng, các nguồn thu khác) - để thí sinh nắm rõ trước khi đăng ký vào trường.

Thậm chí, đầu tháng 7 vừa qua, Bộ GDĐT đã gửi công văn tới các cơ sở giáo dục ĐH các trường CĐ, trường trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên trong đó nêu hiện tượng một số trường kê khai không đúng danh sách giảng viên cơ hữu, công bố điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển vào ngành sức khoẻ không đúng Quy chế tuyển sinh, công bố kết quả xét tuyển, trúng tuyển trước khi học sinh trung học phổ thông được xét tốt nghiệp...

Bộ GDĐT yêu cầu các trường khẩn trương thực hiện việc báo cáo danh sách giảng viên cơ hữu với các thông tin chuẩn theo yêu cầu của Bộ GDĐT; thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh theo đúng các quy định hiện hành về xác định chỉ tiêu và theo đúng đề án tuyển sinh đã công bố…

Như vậy, có thể thấy dù năm nào trong các văn bản hướng dẫn công tác tuyển sinh Bộ GDĐT cũng yêu cầu các trường phải công khai nhưng việc thực hiện của một số trường vẫn chưa hoàn toàn nghiêm túc.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT), việc công khai thể hiện giữa việc nói và làm của các cơ sở đào tạo với xã hội, với người học. Với xu thế tự chủ, việc công khai và minh bạch thông tin lại càng quan trọng. Kiểu “công khai nửa vời” như hiện nay đi ngược lại với chủ trương đổi mới và cho thấy sự buông lỏng quản lý nhà nước của ngành chức năng.

Trên thực tế, việc Bộ GDĐT ban hành văn bản yêu cầu các trường phải công khai thông tin tuyển sinh nhưng lại chưa nêu cụ thể hướng xử lý các trường vi phạm nên chưa đủ sức răn đe. Đồng thời, theo các chuyên gia cần công khai các trường vi phạm “3 công khai” để xã hội và người học giám sát còn việc chỉ ra chung chung “một số trường” sẽ không có cơ sở để theo dõi, kiểm tra.

Tới đây, khi yêu cầu kiểm định chất lượng được đặt ra với tất cả các trường thì yếu tố công khai minh bạch là không thể thiếu. Từ đó, kỳ vọng “nói đi đôi với làm” sẽ được các trường nghiêm túc thực hiện để người học và xã hội nắm bắt được các thông tin quan trọng về ngành học, về nhà trường để cân nhắc lựa chọn phù hợp.

Thu Hương

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ