A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Làm thêm dịp hè - cơ hội trải nghiệm cho sinh viên

13:54 | 14/08/2019

Vào dịp nghỉ hè, không về thăm gia đình như các bạn, nhiều sinh viên đã chọn đi làm thêm để vừa có thu nhập, trang trải cuộc sống vừa tích lũy thêm kinh nghiệm, trang bị những kỹ năng mềm cần thiết cho bản thân.

Tùy vào năng lực, sở trường, hoàn cảnh hoặc điều kiện mà mỗi sinh viên có thể tìm kiếm việc làm thêm phù hợp như: gia sư, nhân viên tiếp thị, bán hàng, phục vụ tại các quán ăn, nhà hàng... Dịp hè năm nay, bạn Trần Yến Linh (sinh viên ngành Giáo dục chính trị, Trường Đại học Tây Nguyên) quyết định không về thăm nhà ở Gia Lai mà ở lại TP. Buôn Ma Thuột tìm việc làm thêm. Nhờ bạn giới thiệu, Yến đã xin được công việc bán vé tại khu vui chơi Alê (đường Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột).

Yến cho biết: “Em đi làm từ đầu tháng 5. Công việc cũng không quá vất vả. Ngoài việc bán vé cho khách, em còn hướng dẫn cho trẻ chơi các trò chơi và phục vụ cà phê cho khách. Em chỉ làm thêm ca tối. Việc làm thêm này không chỉ giúp em có tiền để học thêm tiếng Anh ban ngày mà còn giúp em năng động hơn, tự tin trong giao tiếp”.

Cùng hoàn cảnh gia đình ở xa và khó khăn, dịp hè năm nay H’Thảo Niê (sinh viên ngành Dược, Trường Đại học Buôn Ma Thuột) tranh thủ về Đắk Nông thăm nhà hai ngày rồi đi tìm việc làm thêm. Hiện H’Thảo đang làm phục vụ tại một nhà hàng ở TP. Buôn Ma Thuột. Công việc khá vất vả vì phải đi lại bưng bê đồ ăn phục vụ khách nhưng H’Thảo rất thích vì được trau dồi thêm kinh nghiệm, biết ứng xử trong các tình huống lại vừa có thu nhập để trang trải chi phí cho năm học mới.

Sinh viên làm thêm tại quán cà phê Green Coffee (TP. Buôn Ma Thuột).

Với tính cách thích di chuyển, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, bạn Trần Hạnh Trang (sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk) lại chọn công việc phù hợp với sở thích của mình là đi “ship” hàng. Trang cho hay, công việc cũng khá vất vả vì phải đi nhiều nơi, phải thông thuộc địa bàn để giao hàng cho khách, đôi khi khách không nhận hàng lại phải mang về cửa hàng, hay khách cho sai địa chỉ nên phải liên hệ lại… Tuy nhiên, nhờ có công việc mà Trang tận dụng được thời gian rảnh kiếm thêm thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt và một phần học phí trong năm học; lại còn rèn luyện được tính kiên trì, nhẫn nại.

Còn bạn Nguyễn Văn Khải (sinh viên năm thứ hai ngành Kinh tế, Trường Đại học Tây Nguyên) đã trải qua nhiều công việc làm thêm: lúc đi bán sim điện thoại, khi phục vụ ở nhà hàng... Khải tâm sự: “Mỗi công việc mang lại cho em niềm hứng thú riêng, nhưng đều giúp em tự tin, năng động, biết cách ứng xử”.

Nhiều sinh viên ngành Sư phạm đã tìm đến các trung tâm gia sư hoặc nhờ người “mai mối”, liên hệ để có việc làm phù hợp với ngành học. Bạn Trần Thị Yến (sinh viên năm thứ tư ngành Sư phạm Anh văn) may mắn tìm được “mối” gia sư trong thành phố thông qua mạng xã hội Facebook. Yến chia sẻ: “Dù tiền công làm thêm không nhiều (khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng) nhưng nghề gia sư đã giúp em trau dồi kiến thức chuyên môn, tích lũy thêm kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm để phục vụ cho nghề nghiệp sau này”.

Bạn Đỗ Thạc Hoành (sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tây Nguyên) cũng rất may mắn khi được nhận vào làm nhân viên kinh doanh cho hãng ô tô Huyndai Đắk Lắk. Hoành bộc bạch: “Em đã làm công việc này được hai năm rồi. Ngoài am hiểu về máy móc, công nghệ thì công việc này còn cần sự khéo léo, khả năng giao tiếp, nắm bắt thị trường, thị hiếu của khách hàng… Vì vậy, công việc đã giúp em tích lũy rất nhiều kinh nghiệm cho công việc kinh doanh sau này. Hơn nữa, ngoài tiền lương hằng tháng, em còn có thêm thu nhập từ “hoa hồng” khi tư vấn và bán xe cho khách”.

Sinh viên làm thêm tại một quán nem nướng trên đường Lý Thường Kiệt (TP. Buôn Ma Thuột)

Anh Vũ Nhật Phương, Phó Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: “Đi làm thêm là nhu cầu chính đáng của mỗi sinh viên vì vừa giúp các bạn có thêm thu nhập vừa trang bị được kỹ năng sống, chuẩn bị hành trang trước khi ra trường. Hằng năm, Hội Sinh viên nhà trường vẫn thường phối hợp với các doanh nghiệp, công ty để tổ chức các buổi tư vấn, hỗ trợ và giới thiệu việc làm cho hàng trăm sinh viên, giúp các em tự tin và có động cơ phấn đấu trong học tập hơn”.

Hà Văn

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ