A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khát khao “con chữ”

14:50 | 27/08/2019

Có dịp đến các cụm dân cư của đồng bào Mông ở xã Đắk R’măng (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), chúng tôi đã chứng kiến những nỗi vất vả của người dân nơi đây, nhất là trẻ em trong hành trình đi tìm “con chữ”.

Phải để con kiếm “cái chữ”

Theo thầy Vũ Tiến Tiệp, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Vừ A Dính (Đắk Som), ngoài khu vực tuyển sinh thuộc địa bàn xã, trường tiếp nhận thêm học sinh thuộc các cụm 8, 9, 10, 12 của xã Đắk R’măng vì khoảng cách đến trường gần hơn. Tuy nhiên, để đến được trường, học sinh cũng rất vất vả do đường xa, đi lại trắc trở. 

Ngày 20/8 tập trung nhưng phụ huynh đưa trẻ đến trường trước đó 1 ngày

Men ngược con đường hàng ngày đến trường của học sinh thuộc các cụm dân cư người Mông, chúng tôi thật sự xúc động vì nỗi vất vả, nhọc nhằn mà các em thường xuyên phải trải qua. Chiếc xe cày đưa chúng tôi đi khoảng 3 km thì bắt gặp một nhóm 6 em nhỏ, em nào cũng mang theo những bao, túi lỉnh kỉnh quần áo, chăn màn, nệm chiếu, nồi, chén bát… Những em nhỏ hơn tay mang theo chổi, dù che, nước uống sử dụng dọc đường… Tất cả các em đều đầu trần chân đất. Dừng lại bắt chuyện thì gần như chỉ có hai em lớn hiểu được tiếng phổ thông.

Em Sùng Seo Dư năm nay lên 7 tuổi mới theo anh chị đi học lớp 1. Khuôn mặt đỏ ửng, mồ hôi nhễ nhại, em phải bước thật nhanh mới theo kịp các anh chị lớp trên.

Trẻ mang theo hành lý để ở lại và về nhà ngày cuối tuần

Cứ đi một đoạn đường, chúng tôi lại gặp một nhóm học sinh vui vẻ, tiếng cười nói như phá tan cái vắng lặng, hun hút của núi rừng. Anh Giàng Seo Phố ở cụm 9, xã Đắk R’măng cho biết: “Từ nhà đến trường khoảng 10 km nên tôi dẫn các cháu đi trước 1 ngày để ngày mai các cháu kịp giờ tập trung. Các cháu đi chưa quen cũng phải mất cả buổi mới đến nơi. Tôi không có điều kiện đưa đón nên buộc phải cho các cháu ở lại và hàng tuần cho mỗi cháu 50.000 đồng để trang trải ăn uống. Để các cháu ở lại, gia đình cũng lo lắm vì có khi đi học 1 buổi, 1 buổi la cà, rồi nghiện game, nhưng chẳng biết làm sao vì phải để con kiếm “cái chữ””.

Đi học từ 4 giờ sáng

Quãng đường đến trường xa và khó khăn nhưng không phải em nào cũng có điều kiện để ở lại. Phần lớn những học sinh vẫn đi bộ về nhà trong ngày. Gia đình anh Giàng A Sình ở cụm 9 có bốn người con. Đúng 4 giờ sáng, anh Sình gọi tất cả các con dậy ăn sáng để kịp đến trường. Trước đó, vợ anh đã kịp dậy chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Con trai út của anh Sình năm nay vào lớp 1 chưa quen dậy sớm ăn để đi học nên vừa ăn vừa ngái ngủ trong tiếng dồn thúc của mẹ.

Nhiều trẻ đi học trong ngày phải dậy từ 4 giờ sáng

Khoảng 5 giờ kém, ba cậu con trai của anh Sình cùng lên đường cùng với các bạn nhỏ đến trường. Tiếng gọi nhau ý ới của các bạn nhỏ làm cho buổi ban mai nhộn nhịp hẳn lên. Cứ thế, các em vượt hết từng chặng, lên dốc xuống đèo, men theo con đường mòn trên đỉnh núi để đến khoảng 7 giờ 30 phút tất cả mới tới trường.

Anh Sình cho biết: “Mấy năm nay đường đi lại đỡ hơn nên các cháu đỡ vất vả hơn nhiều rồi. Trước đây, các cháu phải dậy từ 2-3 giờ sáng đi học và có khi sau 9 giờ đêm mới về. Bây giờ các cháu có thể đi muộn hơn nhưng cũng phải dậy từ 4-5 giờ sáng và 7-8 giờ tối mới về đến nhà. Có những lúc mưa to, các cháu về muộn phải mang đèn và nhờ người đi tìm, đón các cháu. Có cháu dậy không kịp ăn sáng thì tranh thủ mua bánh mì, xôi ăn tại trường. Mặc dù vất vả, nhưng đối với các cháu như thế đã là may mắn vì dù sao vẫn được đến trường”.

 

“Vì nhà xa nên trước đây em phải dậy chuẩn bị đi học từ 2-3 giờ sáng. Bây giờ, có nhiều con cùng đi học, nên bố mẹ thuê nhà cho mấy anh chị em ở. Các em nhỏ mới được đi học nên gần như không biết tiếng phổ thông. Thường các em phải học đến lớp 3 mới nói thành thạo và hiểu được tiếng phổ thông. Em phải ở cùng để lo cơm nước, trông coi các em nhỏ, cứ một tuần về nhà một lần. Nếu trời mưa thì em ở lại vì đường đi rất nguy hiểm”.

Em Giàng A Quý, năm nay lên lớp 9

Theo thống kê sơ bộ của Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Đắk Glong, trong các cụm dân cư người Mông có khoảng 1.000 trẻ trong độ tuổi đến trường. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 600 trẻ được đến trường và còn có khoảng 100 trẻ thất học, mù chữ.

Những gia đình có điều kiện sẽ đưa đón con đi học bằng xe máy

Đến từng nhà vận động

Theo thầy Vũ Tiến Tiệp, vì đường đi lại khó khăn nên gần như rất ít trẻ ở các cụm dân cư đồng bào Mông được đi học mẫu giáo. Để các em không bị thiệt thòi, trường đã tăng cường công tác tuyển sinh, nhất là vận động trẻ lớp 1 đúng độ tuổi. Ngay sau khi kết thúc năm học trước, trường đã lên kế hoạch tuyển sinh. Vì địa bàn xa, trên 90% học sinh là dân tộc thiểu số nên trường phải phối hợp chặt chẽ với các trưởng thôn, cụm trưởng để thông báo, nhắc nhở phụ huynh cho học sinh ra lớp đúng độ tuổi.

Ban giám hiệu Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Vừ A Dính đến tận cụm dân cư vận động trẻ đến trường

Cùng với đó, ban giám hiệu, giáo viên hễ có thời gian cũng đến từng nhà vận động, tìm hiểu để nắm bắt tình hình, điều kiện của học sinh mình. Đặc điểm của đồng bào Mông là cứ đến ngày khai giảng hay tựu trường thì phụ huynh mới đưa con đến lớp. Vì vậy, thay vì tuyển sinh như những địa phương khác, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Vừ A Dính lại tổ chức tập trung học sinh nhiều lần trước ngày tựu trường để phụ huynh đưa con đến trường đăng ký nhập học. Từ đầu tháng 8 đến nay, trường đã tổ chức được 3 lần. Sau mỗi lần tập trung, trường rà soát lại những em chưa được nhập học để tiếp tục phối hợp với các trưởng thôn, cụm trưởng thông báo, vận động phụ huynh đưa con đến trường.

Phụ huynh đưa trẻ đi nhập học trước ngày tựu trường

Theo thống kê, hiện tại, trường đã tuyển sinh cơ bản gần đủ số lượng theo điều tra. Năm học 2019-2020, trường dự kiến có khoảng 1.266 học sinh các khối lớp, trong đó lớp 1 dự kiến có trên 310 học sinh. Đây là một trong những trường có số lượng học sinh nhiều nhất tỉnh. Việc tuyển sinh vốn đã khó khăn, việc tổ chức dạy học sao cho bảo đảm chất lượng đề ra cũng đang là nỗi lo lớn của nhà trường.

Trong ngày tập trung, phụ huynh mang theo hồ sơ nhập học cho con

Giúp học sinh nhớ tên mình

Theo thống kê của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Vừ A Dính, hiện nay trường có khoảng trên 30 em trong độ tuổi vào lớp 1 không được học qua các lớp mầm non, phần lớn các em ở các cụm dân cư thuộc xã Đắk R’măng. Vì vậy, việc trường tập trung học sinh nhiều lần trước ngày tựu trường ngoài mục đích tuyển sinh còn để tổ chức các hoạt động cho trẻ làm quen với trường lớp, thầy cô, bạn bè.

Tiếng trống trường vang lên trong hè, nhưng không phải khai giảng mà để tập trung học sinh để tuyển sinh

Trong lần tập trung gần đây nhất vào ngày 20/8, sân trường nhộn nhịp như ngày khai giảng. Nhiều phụ huynh mang theo giấy tờ cần thiết để nhập học cho con. Sau khi nghe tiếng trống trường của thầy hiệu trưởng, tất cả các lớp đều tập trung để gặp gỡ cô giáo chủ nhiệm. Trong buổi gặp mặt, cô giáo điểm danh tên học sinh theo danh sách mình được phân công. Tham gia buổi tập trung của lớp 1 do cô Nông Thị Do làm chủ nhiệm mới thấy hết nỗi vất vả của giáo viên nơi đây.

Lớp cô Do có 34 em, cô điểm danh đến lần thứ 5 vẫn thấy vắng bốn em, nhưng lạ là trong lớp vẫn dư một em. Cô đành phải cho học sinh đứng qua một bên lớp rồi đọc rà soát từng em để kiểm tra lại thì vẫn thừa ra một em. Cô đến gần nhẹ nhàng hỏi thì biết học sinh này không biết tên mình nên khi cô điểm danh chỉ ngồi im. Cả lớp và phụ huynh cười ồ lên nhưng khuôn mặt cô giáo thì đượm buồn.

Giáo viên phải dẫn học sinh mới vào tận lớp giúp các em làm quen

Cô Do tâm sự: “Những trường hợp này gần như năm nào cũng có. Ở nhà các em được gọi bằng tên khác, nhưng đi học lại lấy tên trong giấy khai sinh nên các cháu không biết, cũng không hiểu cô giáo nói gì nên cứ ngồi yên. Khi điểm danh, tôi phải đọc đi đọc lại mấy lần mới có tiếng trả lời xác nhận của học sinh. Để giúp các em nhớ tên mình, sau khi điểm danh một lượt phải đến nhắc đi nhắc lại tên cho từng em một, cho các em đọc tên mình, lâu lâu lại hỏi lại để các em nhớ tên mình. Trong mỗi lớp có khoảng 4-5 em hiểu và nói rõ tiếng Việt đã là rất may mắn. Mỗi khi nhận lớp, tôi phải quan sát để phân loại học sinh, có cách giúp phù hợp đối với từng em. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải tăng cường giao tiếp nhẹ nhàng với từng em để các em chịu nói chuyện với mình”.

Theo Hiệu trưởng Vũ Tiến Tiệp, hiện nay, trường có gần 60 em lưu ban và khoảng 30 em chưa được qua lớp mầm non nên giáo viên khối lớp 1 rất vất vả. Ngoài tổ chức các buổi tập trung trước ngày khai giảng, trong các tuần đầu năm, giáo viên giúp các em biết những điều đơn giản như: cách ngồi đúng, vệ sinh cá nhân và lớp học, cách chào hỏi thầy cô, trả lời… Giáo viên sắp xếp những học sinh có thể hiểu tiếng Việt ngồi bên cạnh một số em lưu ban để có thể giúp phiên dịch trong quá trình giao tiếp, giảng bài. Ngoài ra, trường phải tổ chức nhiều các hoạt động giúp học sinh hòa nhập thông qua các trò chơi dân gian, các trò đố vui, văn nghệ…

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ