A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Năm học mới ở vùng khó

08:41 | 05/09/2019

Hôm nay (5/9) cả nước khai giảng năm học mới 2019-2020. Nhưng mưa lũ những ngày qua khiến kế hoạch khai giảng năm học mới ở một số địa phương phải thay đổi hoặc không thể thực hiện được.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công điện gửi các đơn vị trực thuộc tại các tỉnh, thành phố khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Tây Nguyên về việc phòng chống mưa bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, khắc phục khó khăn bước vào năm học mới.

Điểm trường mới của Sa Ná (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa)- nơi bị lũ dữ do hoàn lưu bão số 3 (ngày 3/8) cuốn phăng, đã được xây dựng lại sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới. Ảnh: Nguyễn Chung.

Thanh Hóa: Vùng lũ chuẩn bị tươm tất trước ngày khai giảng

Cơn lũ hồi đầu tháng 8 vừa qua đã gây ra cho người dân các huyện miền núi Thanh Hóa những thiệt hại to lớn, đặc biệt là với ngành giáo dục. Cùng với bản làng, hàng chục điểm trường bị xóa sổ, khó khăn thêm chồng chất trước thềm năm học mới.

Tại huyện miền núi Quan Sơn, cơn lũ đi qua để lại nhiều mất mát, đau thương không thể đo đếm. Đặc biệt, ở Sa Ná, xã Na Mèo lũ gây thảm hại vô cùng khủng khiếp. Điểm Trường Tiểu học Son, nơi học tập của 71 học sinh đến từ 2 bản Son và Sa Ná, bị xóa sổ hoàn toàn. Toàn bộ cơ sở vật chất gồm 4 phòng học xây cấp 4, trang thiết bị dạy học, đồ dùng cá nhân của giáo viên, nhà vệ sinh của giáo viên đều bị tàn phá.

Ngay sau khi lũ rút, các cán bộ, chiến sĩ vũ trang, lực lượng thanh niên tình nguyện tiếp tục bám địa bàn cùng nhà thầu, các thầy, cô giáo nỗ lực thi công móng, khung nhà sắt, lắp ghép các cấu kiện nhằm sớm hoàn thành khu trường học cho học sinh học tập. UBND huyện đã khẩn trương chỉ đạo, tập trung xây dựng điểm trường tiểu học và mầm non mới trong khu tái định cư, thuộc đồi Pom Ngồ, bản Sa Ná, cách điểm trường cũ khoảng 1 km cho kịp với mùa khai giảng năm học mới 2019-2020.

Thầy giáo Chung Trường Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo cho biết: Trường có nhiều điểm lẻ ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn như Cha Khót, Ché Lầu, Xộp Huối và Son - Sa Ná. Riêng điểm Trường Tiểu học Son- Sa Ná vừa bị lũ tàn phá ngày 3/8, khoảng 71 học sinh sẽ phải học tạm trong phòng học lắp ghép trong thời gian chờ đợi trường mới được xây. “Sau trận lũ, nhiều em học sinh và ngay cả giáo viên mất nhà cửa, mất người thân. Ai cũng đều có nỗi đau riêng, nhưng chúng tôi luôn động viên các thầy cô và học trò của mình vực dậy tinh thần để sẵn sàng cho năm học mới. Đến thời điểm hiện tại, thầy cô và các em học sinh đều đã sẵn sàng cho ngày tựu trường”- thầy Thành chia sẻ.

Ông Vũ Văn Đạt- Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: Đến chiều ngày 4/9, công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới trên địa bàn toàn huyện, đặc biệt là vùng bị lũ tàn phá đã được hoàn tất. Tại các điểm trường lẻ bị lũ xóa sổ, phòng học, bàn ghế… đã được sửa sang và dựng mới. Riêng tại bản Sa Ná, sau khi tổ chức lễ khai giảng ở trường chính, thầy cô và các em học sinh sẽ quay về điểm trường lẻ để học tập bình thường. Đồng thời, lãnh đạo huyện sẽ xuống điểm trường tại Sa Ná để động viên, tặng quà cho thầy cô, các em học sinh bước vào năm học mới.

Tại huyện Mường Lát, mưa lũ hồi đầu tháng 8 vừa qua cũng đã phá hủy Trường Tiểu học Pù Nhi, xã Pù Nhi. Các thầy cô giáo nhà trường đã tập trung tu sửa bàn ghế cho học sinh và giáo viên, tận dụng số bàn ghế có thể dùng tạm được để đảm bảo điều kiện cho học sinh học tập.

Một trường tiểu học ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) bị nước ngập hết sân trường.

Ông Mai Xuân Giang -Trưởng Phòng GDĐT huyện Mường Lát cho biết: Trận mưa lũ đầu tháng 8 vừa qua, tại huyện có 9 trường học bị thiệt hại nặng (gồm 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường THCS), trong đó bàn ghế học sinh bị hư hỏng nhiều, không thể sử dụng được. Hiện toàn huyện còn thiếu tới 470 bộ bàn ghế học sinh, trong đó Trường Tiểu học Mường Chanh thiếu 70 bộ, Trường Tiểu học Pù Nhi thiếu 70 bộ, Trường Tiểu học Quang Chiểu 2 thiếu 30 bộ, Trường Tiểu học Trung Lý 1 thiếu 30 bộ…

Do thiếu bàn ghế nên có 940 em học sinh của huyện Mường Lát phải ngồi ghép khi bước vào năm học mới 2019-2020. Để đảm bảo chất lượng dạy học, giáo viên và các em học sinh nơi đây rất mong được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm để các trường có đủ bàn ghế cho học sinh học tập khi bước vào năm học mới. “Khó khăn tại Mường Lát còn nhiều lắm nhưng bằng sự nỗ lực của thầy cô và các em học sinh, Mường Lát vẫn sẽ có một lễ khai giảng năm học mới tươm tất!”- ông Giang nói.

Hà Tĩnh: Hàng vạn học sinh không được khai giảng năm học mới

3 ngày qua (từ 2 đến 4/9), trên địa bàn Hà Tĩnh mưa như trút, không chỉ vùng núi như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang mà ngay cả TP Hà Tĩnh và các huyện đồng bằng Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà… cũng ngập trong nước trời. Hàng chục trường học bị ngập trong nước lũ, đặc biệt là ở huyện Hương Khê.

Ông Trần Đình Hùng-Trưởng phòng Giáo dục huyện Hương Khê cho biết, đến chiều 4/9, huyện Hương Khê có 13 trường bị ngập, 40/61 trường trên địa bàn huyện bị mưa lũ chia cắt, cô lập. Hiện nay UBND huyện Hương Khê đã chỉ đạo Phòng GDĐT hoãn khai giảng trong ngày 5/9 để đảm bảo an toàn và sẽ tổ chức khai giảng vào thời điểm thích hợp khi thời tiết ổn định.

Tại huyện miền núi Vũ Quang, mưa lũ khiến một số trường bị ngập nước, có khả năng không tổ chức khai giảng được. Theo dự kiến, có khoảng 10 ngôi trường, tương đương với 2.000 học sinh không thể đi khai giảng được.

Còn ở TP Hà Tĩnh, mưa lớn xảy ra nhiều giờ liền trong ngày 4/9 khiến nhiều đường phố ở TP loại II này không thể lưu thông. Trưởng phòng GDĐT TP Hà Tĩnh Trần Thị Thủy Nga cho biết, về kế hoạch khai giảng vào ngày 5/9, đơn vị đã gửi công văn đến tất cả các trường học trên địa bàn và yêu cầu các trường chủ động làm lễ khai giảng. Nếu thời tiết thuận lợi, không mưa, các trường tổ chức lễ khai giảng như thường lệ. Nếu trời mưa, các trường tự sắp xếp tổ chức khai giảng trong khuôn viên hội trường, mái che hoặc thư viện. “Chúng tôi yêu cầu tất cả các trường phải có lễ khai giảng để các em học sinh nhận thức khai giảng thực sự là ngày hội của các em” – Trưởng phòng GD&ĐT TP Hà Tĩnh cho biết thêm.

Các em học sinh ở Sa Ná (Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa) ôn lại kiến thức trước ngày khai giảng trong khu nhà tạm trước khi chuyển sang nhà mới.

Giám đốc Sở GDĐT Hà Tĩnh Trần Trung Dũng cho hay, với thời tiết như hiện nay, lễ khai giảng ở các trường sẽ phải hoãn lại để đảm bảo an toàn cho học sinh, đặc biệt là học sinh bậc mầm non. “Trường hợp các trường không thể tổ chức lễ khai giảng thì đành phải chịu” - Giám đốc Sở GDĐT Hà Tĩnh nói.

Chiều 4/9, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã ban hành công điện khẩn về triển khai thực hiện một số nội dung tăng cường các biện pháp phòng, chống mưa lũ, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại. Theo đó, các huyện miền núi hoãn tổ chức khai giảng năm học mới vào ngày 5/9, các huyện đồng bằng nếu đảm bảo an toàn thì tổ chức khai giảng năm học mới theo lịch đã bố trí.

Nghệ An: Đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên

Tương tự như Hà Tĩnh, trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ trên địa bàn, Sở GDĐT Nghệ An đã chỉ đạo Hiệu trưởng các trường có thể xem xét lùi ngày khai giảng để đảm bảo an toàn cho học sinh, các cán bộ, giáo viên.

Theo đó, ngày 3/9, Sở đã ký văn bản gửi đến các phòng GDĐT các thành, thị, các đơn vị trực thuộc Sở về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới trước ngày khai giảng năm học mới 2019-2020.

Theo văn bản số 1621/SGD&ĐT-VP của Sở GDĐT Nghệ An cho biết, để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do mưa lũ từ áp thấp nhiệt đới gây ra, Giám đốc Sở GĐĐT yêu cầu các phòng GDĐT, các đơn vị trực thuộc tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, tình hình mưa lũ, đảm bảo thông tin kịp thời, đầy đủ; chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại địa phương, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra.

“Đến thời điểm hiện tại chúng tôi đang theo dõi tình trạng ngập ở một số điểm trường Thanh Chương và Nam Đàn. Nếu các trường không tổ chức khai giảng được như đúng kế hoạch thì có thể lùi thời gian khai giảng để đảm bảo an toàn cho các em học sinh và thầy cô giáo”- ông Thành cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các trường phải lên phương án vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả, chuẩn bị điều kiện, cơ sở vật chất trường lớp… sau khi mưa lũ kết thúc.

sau khi mưa lũ kết thúc.

Cho phép lùi ngày khai giảng nếu thiếu an toàn tại các địa phương ảnh hưởng mưa lũ

Bộ trưởng Bộ GDĐT đã có công điện gửi các sở, trường ĐH, CĐ, trung cấp sư phạm và các đơn vị trực thuộc tại các tỉnh, thành phố khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Tây Nguyên về việc phòng chống mưa bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.

Công điện nêu rõ, theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ, hiện nay trên Biển Đông xuất hiện tổ hợp bất lợi gồm 2 áp thấp nhiệt đới cùng gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh gây sóng to, gió lớn cho toàn bộ vùng Biển Đông. Ngoài ra từ ngày 2-6/9, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi được cảnh báo có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt, Tây Nguyên từ 200-300mm/đợt.

Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở GDĐT tại các tỉnh, thành phố khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên khẩn trương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, tình hình mưa lũ, đảm bảo thông tin kịp thời, đầy đủ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra; kiểm tra tình trạng các công trình trường, lớp học, lên phương án bảo đảm an toàn cơ sở vất chất, thiết bị dạy học, tài liệu thư viện, hồ sơ, giấy tờ…

PV

Nguyễn Chung - Hạnh Nguyên - Điền Bắc

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ