A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk "chật vật" tuyển sinh

08:57 | 02/10/2019

Mặc dù điểm chuẩn tất cả các ngành sư phạm của Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk chỉ bằng điểm sàn quy định (16 điểm) của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng đến nay nhà trường chỉ mới tuyển được 120/375 chỉ tiêu.

Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk đang đào tạo 17 mã ngành Sư phạm. Kỳ tuyển sinh năm 2019, trường xét tuyển dựa theo kết quả thi THPT quốc gia. Kết quả trúng tuyển đợt 1, nhiều ngành sư phạm chỉ có vài thí sinh trúng tuyển như: sư phạm Toán 1 thí sinh; ngữ văn 3 thí sinh; địa lý 2 thí sinh. Các ngành sư phạm Sinh học, Thể chất có từ 20 - 50 chỉ tiêu tuyển sinh nhưng không có thí sinh nào trúng tuyển.

Sau đợt tuyển bổ sung, nhà trường chỉ mở được 3 lớp ở những ngành có khoảng vài chục thí sinh trúng tuyển là Giáo dục Tiểu học (36 sinh viên), Mầm non (57 sinh viên) và Sư phạm tiếng Anh (25 sinh viên). Những ngành quá ít người trúng tuyển, không đủ mở lớp buộc nhà trường phải làm công tác động viên các em chuyển hồ sơ đăng ký vào các ngành có số lượng thí sinh đăng ký đông hơn, đủ chỉ tiêu để mở lớp .

Một buổi học của lớp Sư phạm tiếng Anh K45.

Một buổi học của lớp Sư phạm tiếng Anh K45.

Hiện trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk có 132 cán bộ, giảng viên, trong số 101 giảng viên thì có 3 giảng viên trình độ Tiến sĩ, 76 giảng viên trình độ Thạc sĩ và 7 nghiên cứu sinh. Vài năm gần đây quy mô đào tạo giảm nên việc phân công giảng dạy để đáp ứng được định mức lao động cho giảng viên cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như tại Khoa Khoa học tự nhiên, do 2 năm liền không mở được lớp mới nên năm học 2019 – 2020, khoa có 23 giảng viên nhưng chỉ đào tạo được 17 sinh viên lớp Sư phạm Toán năm cuối. Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn đào tạo chưa đến 50 sinh viên năm cuối...

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk cho biết, nhà trường đã thực hiện rất nhiều giải pháp để tăng số lượng người học như: xuống trực tiếp các trường THPT trên địa bàn và tỉnh Đắk Nông để tuyển sinh; nắm bắt địa chỉ, số điện thoại của học sinh để tư vấn… nhưng vẫn không mấy hiệu quả. Hai năm gần đây nguồn tuyển sinh của trường rất hạn chế và theo chiều hướng giảm dần, không bảo đảm chỉ tiêu.

 

“Nếu như trước đây Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk đào tạo 17 mã ngành sư phạm với tổng số khoảng 2.000 sinh viên chính quy thì hiện nay nhà trường chỉ đang thực hiện đào tạo 10 mã ngành với khoảng 650 sinh viên”.

 
 Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Hiệu Trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk

Nguyên nhân của tình trạng này là do các ngành cao đẳng sư phạm có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16 điểm nên “kén” thí sinh. Với số điểm này, các em có thể đỗ vào nhiều trường đại học tầm trung nên chỉ em nào thực sự yêu thích nghề sư phạm mới đăng ký xét tuyển vào cao đẳng. Cùng với đó, sinh viên ngành sư phạm ra trường khó tìm được việc làm, thu nhập thấp nên cũng đã ảnh hưởng ít nhiều tới định hướng, tâm lý người học.

Để giảng viên yên tâm công tác, bảo đảm thu nhập, đồng thời tránh lãng phí cơ sở vật chất hiện có, nhà trường đã thực hiện thêm các phương án khác như: bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ cho các giáo viên, cán bộ quản lý trên địa bàn; đào tạo chuyên môn cho giáo viên theo hình thức vừa làm vừa học; tạo điều kiện để giảng viên đi dạy thỉnh giảng với các cơ sở giáo dục khác; tăng cường liên kết đào tạo với Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Phú Yên…

Kết thúc đợt tuyển sinh bổ sung, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, việc siết chặt đầu vào để nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành sư phạm là chủ trương đúng đắn, phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách đãi ngộ hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp thì mới thu hút được người giỏi theo học; cần tính toán kỹ nguồn đầu vào của ngành sư phạm, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực giáo viên trong thời gian tới. Đồng thời cần đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm để nhà trường trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm.

Như Quỳnh

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ