A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thanh tra dạy thêm, học thêm: Người dân cùng giám sát

08:39 | 03/10/2019

Bộ GDĐT vừa có văn bản gửi Chánh Thanh tra các sở GDĐT về việc triển khai công tác thanh tra đầu năm học 2019-2020.

Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra đầu năm học 2019-2020 sẽ được tập trung vào các vấn đề như: sai phạm trong tổ chức dạy thêm, học thêm; thu - chi đầu năm học; hồ sơ, sổ sách trong nhà trường...

Biếm họa cho thấy việc dạy thêm, học thêm diễn biến rất phức tạp.

Báo cáo về Bộ GDĐT trước 30/10

Năm học 2019-2020 đã khai giảng được hơn 1 tháng, việc học tập của cả thầy và trò trên cả nước đã dần bước vào ổn định, nề nếp. Để chấn chỉnh cũng như ngăn ngừa các sai phạm có thể xảy ra, công tác thanh kiểm tra được Bộ GDĐT đặc biệt coi trọng. Mới đây, Chánh Thanh tra Bộ GDĐT đã yêu cầu Chánh Thanh tra các sở GDĐT tham mưu Giám đốc sở GDĐT triển khai công tác thanh tra năm học phù hợp với thực tế của địa phương.

Trước mắt, cần tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm trong việc tổ chức dạy thêm, học thêm, thu - chi đầu năm học; hồ sơ, sổ sách trong nhà trường; việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn trường học và các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm.

Đối với công tác thu - chi dịp đầu năm học mới, việc thanh tra phải bám sát Công văn số 1052/2019 của Bộ GDĐT, về việc thực hiện chỉ đạo điều hành giá và thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GDĐT trong năm học 2019-2020.

Đồng thời, các sở GDĐT phải công khai đường dây nóng và cử cán bộ thường trực tiếp nhận thông tin phản ánh tiêu cực tại địa phương, tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Kết quả thanh tra, kiểm tra đầu năm học 2019-2020 phải được báo cáo tới Bộ GDĐT trước ngày 30/10.

Trên thực tế, vấn đề dạy thêm học thêm lâu nay là nỗi bức xúc của nhiều phụ huynh học sinh khi việc học tập vào giờ chính khóa trên lớp của các con đã chiếm gần hết thời gian trong tuần, nhất là học sinh tiểu học. Nhưng một số thầy cô, thậm chí nhà trường vẫn gợi ý có mở lớp học thêm tại nhà, tại trường, phụ huynh có thể đăng ký để cô kèm cặp thêm cho con tiến bộ. Từ chối không được mà đi học thì quá tải đối với học sinh nên các bậc phụ huynh rất băn khoăn. Riêng học sinh, nếu làm một cuộc điều tra dân chủ thì chắc chắn không có mấy em sẽ điền phiếu tự nguyện đăng ký đi học thêm ngoài giờ làm gì.

Chính vì vậy, một số địa phương đã có công văn gửi trưởng phòng các phòng giáo dục và đào tạo quận huyện, hiệu trưởng các trường THPT nội dung về quy định dạy thêm và học thêm trên trên địa bàn.

Đơn cử như  Sở GDĐT Hà Nội ra văn bản quy định dạy thêm học thêm phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, không dạy thêm học thêm đối với học sinh tiểu học; hoạt động dạy thêm, học thêm không áp dụng cho học sinh lớp 6, lớp 10 mới tuyển sinh trong khoảng thời gian trước khi khai giảng năm học mới.

Nội dung dạy thêm phải cụ thể hoá trong hồ sơ xin cấp phép dạy thêm, học thêm bao gồm: Phân phối chương trình dạy thêm có nội dung chi tiết cùng xét duyệt của lãnh đạo nhà trường;

Giáo án dạy thêm của giáo viên; Sổ theo dõi tiến trình, nhận xét về chất lượng bài dạy của giáo viên và kết quả tiếp thu kiến thức của học sinh trong suốt quá trình học.

Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các trường, giáo viên dạy thêm không xếp thời khoá biểu học thêm vào buổi học chính khoá hoặc giờ học tự chọn. Số giờ học thêm trong ngày không vượt quá số giờ học chính khoá và không vượt quá 5 buổi/ tuần.

Ngoài ra, Hà Nội cũng quy định rõ, không được tổ chức thi, kiểm tra học sinh đầu năm để xếp lớp học thêm. Giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào nguyện vọng học thêm của học sinh theo từng môn học và kết quả xếp loại học lực cuối năm hoặc cuối kỳ để xếp nhóm báo cáo hiệu trưởng bố trí, sắp xếp các lớp học thêm đảm bảo học sinh trong cùng một lớp có học lực tương đương nhau.

Lấp lỗ hổng về hành lang pháp lý

Hiện nay việc dạy thêm được cấp phép theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, từ ngày 26/8/2019 Bộ GDĐT ban hành Quyết định về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Theo đó, hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức dạy thêm, học thêm và hồ sơ, trình tự cấp phép dạy thêm đã bị bãi bỏ. Hiện chỉ có việc cấp phép dạy thêm trong nhà trường là theo đúng quy định, còn các hoạt động dạy thêm, học thêm bên ngoài nhà trường hiện nay đều chưa được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành. Bộ GDĐT và các cơ quan quản lý cấp sở, phòng để khẩn trương bổ sung, thay thế các quy định mới để công tác thanh tra được khách quan, chính xác, đúng pháp luật.

Về phía nhà trường và giáo viên cũng nhìn vào đó để điều chỉnh việc dạy thêm, học thêm đúng quy định và xã hội, phụ huynh công khai giám sát các hoạt động này. Để công tác thanh tra tránh hình thức, các chuyên gia đề xuất việc kiểm tra đột xuất không báo trước các cơ sở tổ chức dạy thêm với sự tham gia của các cấp, ban ngành liên quan, tổ dân phố nơi lớp dạy thêm đóng trên địa bàn.

Có thể áp dụng việc công khai danh sách các trường và giáo viên tham gia dạy thêm trong nhà trường lên cổng thông tin điện tử của Sở GDĐT như một số địa phương quy định…

Trên thực tế công tác thanh tra dạy thêm, học thêm còn bao gồm cả việc thanh tra công tác thu chi, tiền dạy thêm, học thêm tuân thủ theo Quyết định 22, thực hiện thanh quyết toán tiền học thêm theo đúng quy định hiện hành. Mức chi và tỉ lệ phân bổ chi phải được thông qua Hội đồng giáo dục trường và được quy định cụ thể trong Quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của đơn vị.

Ngoài ra, cần đề cao vai trò của các nhà trường trong việc giám sát hoạt động dạy thêm của cán bộ, giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; công khai danh sách giáo viên, học sinh tham gia dạy thêm, học thêm trong nhà trường lên website của đơn vị.

Theo ông Lê Ngọc Quang- Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2019-2020 Hà Nội sẽ tập trung rà soát tình hình, bám sát nhiệm vụ năm học để xây dựng kế hoạch thanh tra trọng tâm, trọng điểm; kịp thời thanh tra, kiểm tra những vấn đề nóng, phức tạp, vấn đề dư luận quan tâm. Đồng thời, Sở GDĐT Hà Nội tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra tạo chuyển biến rõ nét về tổ chức và hoạt động thanh tra, góp phần bảo đảm kỷ cương, kỷ luật, nâng cao chất lượng giáo dục.

Thu Hương

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ