A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giáo viên mong SGK mới bớt hàn lâm

14:35 | 25/10/2019

Vấn đề sách giáo khoa (SGK) tiểu học quá nặng cả về nội dung và số lượng môn học không phải là "bài ca mới". Nhưng từ khi ban hành năm 2000 đến nay, sau rất nhiều lần tái bản, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Học sinh lớp 1 tại TP HCM chuẩn bị sách vở cho năm học mới

Hiện nay, trung bình mỗi lớp tiểu học có 5 môn chính: toán, tiếng Việt, khoa học, lịch sử, địa lý; 4 môn phụ: mỹ thuật, kỹ thuật, thể dục, âm nhạc và 2 môn tự chọn: tin học, Anh văn. Trong khi đó, mỗi tiết học dài 35 phút song yêu cầu về nội dung lại tích hợp quá nhiều các kiến thức như bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng, giáo dục kỹ năng sống... dẫn đến việc học sinh bắt buộc học tủ, học vẹt để trả bài khi kiểm tra trên lớp.

Một giáo viên (GV) dẫn chứng bộ SGK lớp 4 hiện nay, sau 19 năm đưa vào sử dụng, lượng kiến thức ngày càng nhiều nhưng lại không sâu và cụ thể. Cùng với đó, ngữ liệu của một số môn học không còn phù hợp với thời đại. Các mẫu giấy tờ in sẵn trong môn tiếng Việt không còn đúng với mẫu hiện hành, số lượng bài thơ, văn hay còn ít nên trẻ bị hạn chế phần nào việc cảm thụ văn học.

Chương trình tin học lớp 1 và 2 quá nhiều bất cập, không thực tế, từ tiếng Anh quá nhiều. Trong khi đó, trình độ ngoại ngữ của 2 khối lớp này không đủ đáp ứng vì nhiều em còn chưa đọc thông viết thạo. "Chương trình học yêu cầu học sinh lớp 4, lớp 5 làm dự án là quá xa vời, quá hàn lâm. Mong rằng sách mới sẽ tập trung nhiều hơn vào phần tập đánh văn bản để giúp các em làm quen và học tiếng Việt tốt hơn" - một GV môn tin học Trường Tiểu học Phú Lâm (quận 6, TP HCM) đề nghị.

Cô Cao Kim Ngân, GV chủ nhiệm lớp 4 Trường Tiểu học Him Lam (quận 6, TP HCM), cho biết GV tiểu học dạy tất cả các môn chính và phụ trong lớp là điều quá tải vì mỗi môn đều phải chuẩn bị giáo trình, giáo cụ để lên lớp cũng như việc chấm điểm, sửa bài cho một số lượng lớn các môn học của 40-50 học sinh. Bên cạnh đó, GV còn tham gia các hoạt động, kiêm nhiệm chức vụ khác của trường nên mất rất nhiều thời gian.

Mặc dù vậy, mục tiêu và nhiệm vụ chính của GV vẫn là truyền tải nội dung bài học trong SGK đến học sinh, do vậy với SGK hiện nay, GV phải cố gắng gấp đôi, gấp ba trong việc chuẩn bị bài học, dụng cụ dạy học, các hình thức cũng như phương tiện khác nhau để thu hút trẻ theo dõi bài. Bên cạnh đó, áp lực về thành tích, chỉ tiêu năm học cũng đè nặng lên vai người thầy.

Cô Nguyễn Thị Công Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), cho rằng lượng kiến thức của SGK hiện nay đưa ra những bài học cụ thể cùng những quy định như là "pháp lệnh", yêu cầu GV phải thực hiện hết những nội dung trong sách. Tuy có một số công văn quyết định để điều chỉnh nội dung dạy học nhưng chương trình quá nặng nên GV không đủ thời gian để chuyển tải kiến thức thành thực tế cho học sinh trải nghiệm. Định hướng tổ chức chương trình dạy học hiện hành bắt buộc GV phải dạy đúng khuôn khổ, đúng quy trình. "Dự giờ thì chỉ đánh giá GV chứ không đánh giá hoạt động học tập của học sinh. Phải truyền tải hết kiến thức, nội dung trong tiết học, nếu thiếu GV sẽ bị đánh giá không tốt... Đây chính là sợi dây vô hình thắt chặt sự sáng tạo của GV và áp lực giáo dục nặng nề hơn" - cô Chính chia sẻ.

Các GV tha thiết mong muốn bộ SGK mới sẽ sâu sát thực tiễn dạy và học hiện nay và giải quyết được nhưng bất cập của chương trình và SGK hiện hành.

Nguyễn Thuận

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ