A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phân luồng học sinh sau THCS: Nhiều lúng túng

08:07 | 28/12/2019

Thực tế cho thấy, không phải học sinh nào hoặc cha mẹ nào cũng hào hứng với việc cho con đi học nghề sau bậc THCS. Trong quan niệm của nhiều người, học xong lớp 9 còn quá nhỏ tuổi để vào đời, lập nghiệp…

Tìm hiểu tuyển sinh trường nghề.

Đào tạo theo mô hình 9+

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,2 triệu học sinh (HS) tốt nghiệp THCS, các em được định hướng vào 4 luồng chính gồm: Học tiếp lên THPT; học lên trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX); trực tiếp đi làm kiếm sống. Phần lớn các tỉnh, thành đều có HS học tiếp lên THPT với tỷ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80%…, việc chọn luồng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chỉ là giải pháp của rất ít HS.

Nhằm góp phần thực hiện chính sách phân luồng sau THCS, thu hút học sinh lớp 9 vào học nghề, thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã triển khai, cho phép các trường mở rộng mô hình đào tạo 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS. Các năm trước đó, mô hình đào tạo 9+ chỉ được thí điểm ở một số trường, nhưng năm học 2019- 2020, việc tuyển sinh trình độ CĐ nghề chính thức bổ sung 2 đối tượng gồm: Học sinh tốt nghiệp THCS nhưng có nguyện vọng học liên thông lên trình độ CĐ (phải học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GDĐT và có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp); người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp và có bằng tốt nghiệp THPT, hoặc đã học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GDĐT.

Theo chương trình đào tạo mô hình 9+, HS hết lớp 9 THCS được học chương trình kéo dài từ 3-5 năm tùy ngành nghề để nhận bằng CĐ, cử nhân thực hành, kỹ sư thực hành. 9+ là mô hình đào tạo song hành học nghề và học văn hóa sau khi HS tốt nghiệp lớp 9 và có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo. Mô hình này đã triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới. Điển hình là tại Đức với mô hình đào tạo kép và tại Nhật Bản với mô hình đào tạo KOSEN, đào tạo cho người học tốt nghiệp tương đương THCS ở Việt Nam rất thành công, đem lại giá trị về nguồn nhân lực đáp ứng nền kinh tế của đất nước.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân:  Nếu các em được định hướng tốt, theo học trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp THCS, xã hội sẽ có thêm lực lượng lao động có tay nghề tốt đã qua đào tạo.

Hiện nhiều trường CĐ nghề tại Hà Nội đang triển khai tuyển sinh và đào tạo mô hình 9+. Dẫu thế, thông tin về mô hình đào tạo này vẫn chưa được phủ sóng rộng rãi, khiến nhiều phụ huynh chưa biết đến.

Nan giải bài toán phân luồng

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN Việt Nam, trong hơn 15 năm qua, tính trung bình mỗi năm có trên 480.000 học sinh tốt nghiệp THCS mà không vào học các trường THPT. Khoảng trên dưới 100.000 em trong số đó vào học ở các trung tâm GDTX và dưới 90.000 em vào học ở các cơ sở GDNN. Số còn lại, hoặc tham gia lao động phổ thông hoặc không làm gì. Đây là một sự lãng phí về nguồn lực do không đuợc đào tạo kỹ năng lao động và có thể đem lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Ông Vinh cũng cho rằng thời gian qua, dù đã được chú trọng nhưng kết quả phân luồng HS sau THCS vẫn chưa được như mong muốn. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có cả nguyên nhân về nhận thức xã hội, chất lượng GDNN chưa cao, cách làm trên bình diện vĩ mô cả nước cũng như địa phương còn nhiều lúng túng. Chúng ta có cơ chế cho HS tốt nghiệp THCS vào học nghề miễn phí, nhưng chưa đủ để tạo ra động lực thu hút người vào học nghề. Đặc biệt, doanh nghiệp lẽ ra có vai trò rất lớn trong công tác phân luồng HS thì dường như đứng ngoài cuộc để mặc cho ngành giáo dục và lao động xoay xở.

Để đạt được các mục tiêu trong Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” (ban hành kèm theo Quyết định số 522, phấn đầu đến 2025 ít nhất 40% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cho rằng, cần có giải pháp gỡ các “nút thắt” trong vấn đề phân luồng cũng như liên thông các bậc học hiện nay. Việc đưa phân luồng vào luật là hết sức cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển sinh và đào tạo của các bậc học sau phổ thông, trong đó có GDNN.

Những quy định mới trong tuyển sinh đào tạo nghề đang góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh có nhu cầu đăng ký vào học GDNN. Nhưng để làm tốt công tác phân luồng, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, cần phải có giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường học; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông. Cụ thể hơn là phải quy hoạch lại cơ sở giáo dục đào tạo, đánh giá số học sinh tốt nghiệp THCS và THPT hoặc bỏ học ở THCS để có giải pháp hợp lý về phương diện quản lý nhà nước; kết hợp với hệ thống đánh giá năng lực HS chuẩn xác, từ đó đưa ra khuyến cáo. Đặc biệt, hệ thống GDNN phải thật sự chất lượng, việc liên thông giữa các bậc học phải được thông thoáng, cùng với đó là huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo với nhà trường.

Nhìn nhận về những tồn tại của việc hướng nghiệp sau THCS, đánh giá về hiệu quả đào tạo nghề, nhiều chuyên gia đồng quan điểm: Lâu nay chúng ta vẫn nặng về phần “cung” mà chưa chú trọng phần “cầu”. Trước mắt để việc phân luồng học sinh đạt hiệu quả cao hơn, cần tăng cường thông tin định hướng xã hội; nâng cao chất lượng công tác dự báo, hướng nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Linh Nga

http://daidoanket.vn/giao-duc/phan-luong-hoc-sinh-sau-thcs-nhieu-lung-tung-tintuc455722

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ