A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xu hướng đào tạo tích hợp: Thúc đẩy đam mê của người học

14:20 | 03/01/2020

Chương trình đào tạo song bằng, đào tạo tích hợp rất phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam hiện mới có một số trường đại học (ĐH) triển khai hình thức đào tạo tích hợp.

Mới đây, tại hội nghị thường niên vừa được tổ chức dịp cuối năm 2019, ĐHQG TP HCM cho biết, trong năm 2020 sẽ chính thức tuyển sinh chương trình tích hợp ĐH - thạc sĩ.

Chương trình đào tạo tích hợp đại học - thạc sĩ là phù hợp với xu thế chung của quốc tế. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Cải thiện nguồn tuyển đầu vào

Đào tạo tích hợp cử nhân - thạc sĩ là mô hình thiết kế dành cho những sinh viên xuất sắc có định hướng trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực. Với hình thức học tập này, nhờ tính ưu việt của đào tạo tín chỉ sinh viên sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí hơn các mô hình tuyển sinh thông thường, vì được học liền mạch. Cụ thể, chỉ trong khoảng 4,5 - 5,5 năm, người học có thể nhận được cả bằng ĐH và thạc sĩ theo chương trình mới thay vì cần khoảng 3,5 - 5 năm bậc ĐH và 1,5 - 2 năm bậc cao học như trước đây. Vì mang lại lợi ích lớn cho sinh viên, đào tạo tích hợp cử nhân - thạc sĩ là mô hình khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia ở châu Âu, Hoa Kỳ, Australia…

Trước đó, từ năm 2016, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được Bộ GDĐT thí điểm cho phép xét tuyển (không thi tuyển) đào tạo chương trình tích hợp ĐH - thạc sĩ cho đối tượng sinh viên năm 3, năm 4 có học lực khá giỏi. Theo đó, mỗi học kỳ, người học đăng ký 12 tín chỉ của chương trình đào tạo thạc sĩ và như vậy, sau 3 học kỳ người học tích lũy được 36 tín chỉ của chương trình thạc sĩ (chiếm 60% số tín chỉ của chương trình đào tạo thạc sĩ).

Theo thống kê hiện nay, số lượng học viên cao học chương trình đào tạo thạc sĩ của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có đến 60% là học viên từ chương trình tích hợp cử nhân - thạc sĩ. Trong bối cảnh tuyển sinh sau ĐH đang khó khăn vì số lượng thí sinh sụt giảm, đào tạo tích hợp cử nhân - thạc sĩ hứa hẹn giúp cải thiện nguồn tuyển đầu vào đáng kể cho nhà trường. Không chỉ đơn giản là giải pháp giúp cải thiện nguồn tuyển sau ĐH, đào tạo tích hợp cử nhân - thạc sĩ còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH của các trường, bổ sung đội ngũ chuyên gia cho thị trường lao động.

PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định, chương trình đào tạo tích hợp ĐH - thạc sĩ là phù hợp với xu thế chung của quốc tế. Đây chính là tính ưu việt của đào tạo tín chỉ. Với cách tuyển sinh của chương trình, những người học là những người giỏi thật sự và cách học này sẽ giúp họ phát triển đam mê theo hướng nghiên cứu, trở thành những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành.

Phải đạt chuẩn kiểm định quốc tế

Theo kế hoạch của ĐHQG TPHCM, trong năm 2020 trường sẽ chính thức tuyển sinh chương trình tích hợp ĐH - thạc sĩ. Đại diện nhà trường cho hay, người dự tuyển là sinh viên năm 3, 4 có điểm trung bình tích lũy đạt loại khá trở lên (7,0 theo thang điểm 10) và đang theo học ngành phù hợp với ngành đào tạo.

Lợi ích là rất rõ, tuy nhiên, không phải cứ sinh viên có nhu cầu, có đủ điều kiện là trường ĐH nào cũng có thể ngay lập tức đào tạo theo mô hình này. Tại ĐHQG TPHCM, các trường được đào tạo chương trình này yêu cầu là phải đạt được kiểm định quốc tế ở cấp chương trình hoặc cấp trường với ngành học được triển khai đào tạo. Các chương trình đào tạo được xem xét triển khai khi đã đạt được các chuẩn kiểm định đang còn thời hạn của AUN - QA (chuẩn kiểm định của mạng lưới các Trường ĐH Đông Nam Á), ABET (Hội đồng kiểm định các ngành kỹ thuật và công nghệ Hoa Kỳ), CTI (Ủy ban Văn bằng kỹ sư Pháp), FIBAA (Quỹ kiểm định các chương trình quản trị kinh doanh quốc tế - Thụy Sĩ), ACBSP (Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh - Hoa Kỳ)...

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, chương trình đào tạo tích hợp ĐH - thạc sĩ đã được chuẩn bị rất kỹ và hi vọng sẽ thu hút được người học khi triển khai. Đây là giải pháp thúc đẩy đào tạo sau ĐH nói chung và nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH của ĐHQG TP HCM nói riêng.

Trước đó, từ năm 1999, chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao (chương trình PFIEV) cũng đã được triển khai tại 4 trường ĐH gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), với sự cộng tác của 8 trường ĐH của Pháp. Sinh viên năm cuối có thể đăng ký học bổ sung một số môn học trong chương trình thạc sĩ để nhận thêm bằng thạc sĩ.
Theo các chuyên gia giáo dục, chương trình đào tạo song bằng, đào tạo tích hợp rất phổ biến trên thế giới. Hoa Kỳ, Australia và các nước châu Âu đã triển khai chương trình liên thông, tích hợp trình độ ĐH lên thạc sĩ rộng rãi tại hầu hết các trường ĐH, tập trung chủ yếu ở các ngành khoa học máy tính, giáo dục, khoa học xã hội, kinh doanh...

Dung Hòa

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ