A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tổ chức thi chỉ để lấy kết quả tốt nghiệp

14:36 | 10/06/2020

Năm nay, Bộ GD- ĐT không tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia như mọi năm mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cho học sinh lớp 12.

Bộ GD- ĐT đang tỏ ra lúng túng về cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Việc tổ chức coi thi, chấm thi giao cho địa phương, đề thi giảm mức độ khó nhằm phục vụ mục đích tốt nghiệp cho các thí sinh.

Thế nhưng, đến thời điểm này thì đa số trường đại học không tổ chức kỳ thi riêng mà sẽ lấy kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh. Vì thế, kỳ thi năm nay vẫn là kỳ thi “2 trong 1” nhưng nó có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn các kỳ thi trước đây.

Nhiều trường đại học lớn sẽ lấy kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh

Sau kỳ nghỉ dịch bệnh, nhiều ý kiến cho rằng năm nay Bộ GD- ĐT không cần tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia mà giao việc tốt nghiệp cho các địa phương, còn tuyển sinh đại học cho các trường đại học tự chủ.

Hoặc, Bộ tổ chức kỳ thi cho những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng còn những thí sinh không có nguyện vọng học đại học thì cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp –nếu hoàn thành nội dung và đảm bảo điểm số, hạnh kiểm.

Nhưng, Bộ GD- ĐT đã không làm vậy mà tổ chức kỳ thi chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp theo Luật Giáo dục sửa đổi.

Theo phương án của Bộ thì kỳ thi nhằm mục đích xét tốt nghiệp Trung học phổ thông cho học sinh lớp 12. Nhưng, có lẽ các trường đại học bất ngờ, bị động bởi thời gian cận kề nên phần lớn không tổ chức thi tuyển riêng mà lấy kết quả thi tốt nghiệp hoặc kết quả học bạ để tuyển sinh.

Điều đáng bàn là kỳ thi năm nay các trường đại học không còn tham gia coi thi, chấm thi như mọi năm nữa mà giao toàn bộ cho các địa phương đảm trách. Các Sở GD- ĐT sẽ đảm nhận tất cả các khâu này nên có nhiều ý kiến cho rằng liệu kỳ thi tới đây có đảm bảo được công bằng về quyền lợi cho các thí sinh trên cả nước?

Liệu có xảy ra tình trạng nương tay, nới tay trong coi thi và chấm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hay không? Nếu có, chất lượng đầu vào của các trường đại học sẽ khó được đảm bảo và đương nhiên là sẽ có nhiều khập khiễng trong tuyển sinh giữa các thí sinh ở các địa phương khác nhau.

Vì thế, khâu coi thi, chấm thi của các Sở GD- ĐT tới đây phải thật sự nghiêm túc, khách quan thì mới đảm bảo được chất lượng đầu vào cho các trường đại học.

Bộ và các Sở phải sát sao, chỉ đạo quyết liệt

Với tình hình dịch bệnh như năm nay, việc các trường đại học không tổ chức kỳ thi riêng cũng là một cách giảm tải cho thí sinh. Nhất là việc thay đổi đột ngột của Bộ GD- ĐT cũng khiến nhiều trường đại học khó có những kế hoạch khả quan nhất cho tuyển sinh năm học tới đây.

Tuy nhiên, dù vẫn tin tưởng vào công tác coi thi, chấm thi của các địa phương nhưng sự việc tiêu cực ở mùa thi năm 2018 cũng khiến cho nhiều người còn băn khoăn khi Bộ tổ chức kỳ thi chỉ với mục đích xét tốt nghiệp mà các trường đại học lại lấy kết quả này để tuyển sinh.

Thực tế, tổ chức kỳ thi thì việc quan trọng nhất là khâu coi thi và chấm thi bởi 2 khâu này tiềm ẩn tiêu cực nhiều hơn cả. Vì đó là nơi trực tiếp làm bài của thí sinh và chấm bài cho thí sinh. Chỉ cần giám thị “nương” một chút là trong phòng thi cũng sẽ phát sinh tiêu cực bởi học sinh đa phần đã biết nhau.

Trong chấm thi cũng vậy, sự chặt tay, lỏng tay của Hội đồng chấm thi (môn Ngữ văn) phụ thuộc rất nhiều vào tổ trưởng chấm thi môn này. Thanh tra, giám sát của Bộ, Ủy ban nhân dân, Sở thì cũng chỉ ở hành lang, vòng ngoài nên nếu như có tiêu cực cũng không dễ phát hiện ra.

Một số đề xuất cấp bách trước kỳ thi

Thứ nhất, đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia tới đây thì Bộ GD- ĐT cũng cần có độ phân hóa tốt hơn đề minh họa vừa qua để học sinh có thể phân hóa được kết quả nhằm thuận lợi cho việc tuyển sinh của các trường đại học.

Thứ hai, khâu coi thi thì các Hội đồng coi thi phải hoàn toàn là những người từ huyện (thị) khác đảm nhận. Đặc biệt là tránh tình trạng “đón tiếp nhiệt tình” từ đơn vị sở tại.

Thứ ba, đối với các môn thi trắc nghiệm Bộ nên kết hợp với Sở GD- ĐT chấm thi sẽ đảm bảo khách quan và công bằng hơn nhằm đề phòng tất cả tiêu cực (có thể) xảy ra.

Thứ tư, khâu chấm thi phải được camera giám sát toàn bộ các công đoạn của Hội đồng chấm thi.

Từ nay đến thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông là trên 2 tháng nữa- dù không nhiều những cũng đủ để Bộ điều chỉnh, bổ sung một số chi tiết trong kế hoạch của kỳ thi năm nay phù hợp hơn.

Dù biết rằng kỳ thi năm nay rất khó khăn bởi dịch bệnh, thời gian học tập, thay đổi mục đích kỳ thi… nhưng xã hội luôn mong chờ Bộ GD- ĐT và các địa phương sẽ tổ chức kỳ thi được tốt nhất, đảm bảo được quyền lợi cho tất cả các thí sinh trên cả nước.

 

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ