A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giáo viên có cần lấy chứng chỉ nghề ?

08:10 | 23/06/2020

Nhiều giáo viên cho rằng quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là nặng về hình thức, không thiết thực, tốn kém

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành dự thảo thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên các cấp ở hệ công lập để lấy ý kiến rộng rãi.

Quy định không phù hợp

Theo dự thảo, chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp gồm: giáo viên hạng III; giáo viên hạng II; giáo viên hạng I. Mã số cho từng hạng giáo viên do Bộ Nội vụ cấp. Đối với giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 72 Luật Giáo dục 2019 (bao gồm giáo viên thuộc đối tượng thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo và giáo viên không thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn được đào tạo) thì giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng IV - mã số do Bộ Nội vụ cấp.

Mỗi hạng giáo viên đều có quy định cụ thể về nhiệm vụ; tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, ở tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, giáo viên đều yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên của các hạng.

Liên quan đến quy định phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mới được thăng hạng giáo viên, cô Nguyễn Thị Hường, giáo viên một trường THCS đóng tại quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) cho rằng đó là quy định bất hợp lý cần được bãi bỏ. Cô Hường dẫn Thông tư số 12/2012/TT-BNV quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức. Theo đó, định nghĩa chức danh nghề nghiệp là tên gọi thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp; được sử dụng làm căn cứ để thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

"Với nghề giáo, chức danh nghề nghiệp thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong giảng dạy. Năng lực này trên thực tế đã được thể hiện rõ trong các văn bằng đại học sư phạm và hiệu quả công tác hằng năm của các thầy cô được thể hiện trong các đánh giá của tổ chuyên môn, của nhà trường. Vì thế, việc yêu cầu tất cả giáo viên phải có thêm chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là không phù hợp" - cô Hường phân tích.

Yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp dù họ được đào tạo chuyên môn sư phạm và đã đi dạy nhiều năm, là không hợp lýẢnh: YẾN ANH

Gây tốn kém, mệt mỏi

Nhiều giáo viên khác cho rằng quy định phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp quá nặng về hình thức bởi lẽ rất nhiều giáo viên đã đi dạy nhiều năm, những kiến thức khi học bồi dưỡng đã được học trong các trường sư phạm trong nhiều năm trời, nhưng giờ lại phải học lại chỉ trong vài ba ngày. Với những giáo viên trẻ mới ra trường, ngoài bằng cấp, họ đã có đầy đủ các chứng chỉ cần thiết như tiếng Anh, tin học… Đây là những điều kiện cần và đủ để dạy học tốt thì tại sao còn yêu cầu họ có thêm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?

Thầy Trần Văn Hùng, một giáo viên dạy THCS của một trường đóng tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho rằng thật sự không cần thiết phải học các lớp lấy chứng chỉ nói trên. Thầy Hùng cho biết khi tham gia học các lớp lấy chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp nhà giáo, giáo viên sẽ được học 3 nội dung chính: kiến thức về chính trị, về quản lý nhà nước và những kiến thức chung có 4 chuyên đề; kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp và cuối cùng là tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch. "Rõ ràng những nội dung được bồi dưỡng vẫn chỉ là những kiến thức mà giáo viên đã được học trong trường sư phạm cũng như nhiều lớp tập huấn khác. Nội dung học không mới thì tại sao đi dạy bao năm vẫn cần cái chứng chỉ mà chỉ học vài ngày, vừa tốn tiền vừa tốn thời gian của chúng tôi?" - thầy Hùng thắc mắc.

Trong khi đó, theo thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TP HCM), dự thảo thông tư chưa rõ ràng khi yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp nhưng không quy định nguồn kinh phí khi đi học do bên nào chi trả. "Một số đơn vị cấp kinh phí cho giáo viên, nhưng đa số giáo viên phải tự bỏ kinh phí. Mỗi giáo viên từ 3-3,5 triệu đồng" - thầy Sơn nói. Nhưng điều vô lý nhất, theo thầy Sơn là những nội dung khi học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp không thiết thực, không áp dụng được trong quá trình dạy học. "Giáo viên đi dạy cả tuần đến cuối tuần phải đi học cả ngày thứ bảy và chủ nhật khiến nhiều người rất mệt mỏi" - thầy Sơn nói thẳng. 

Bị "ra rìa" nếu không có chứng chỉ?

Một giáo viên dạy tiểu học ở một trường tại quận 4, TP HCM, cho biết thời gian qua, có một số đơn vị không yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nhưng khi tổ chức xét tăng lương, thăng hạng thì không xét cho những trường hợp không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. "Như vậy khác nào bắt mọi giáo viên phải đi học để lấy các chứng chỉ này" - giáo viên này bức xúc.

YẾN ANH - ĐẶNG TRINH

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/giao-vien-co-can-lay-chung-chi-nghe--20200622215327826.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ