A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Học nghề - tại sao không?

10:07 | 10/10/2020

Theo các trường nghề, thực tế cho thấy nhu cầu tuyển dụng người học CĐ, học nghề rất lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của nhiều trường đào tạo chất lượng.

Thông tin từ Ban tổ chức cho biết, Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11- năm 2020 đang diễn ra có 32 nghề chính thức tham dự là: Công nghệ ô tô; Chăm sóc sắc đẹp; Bảo trì máy CNC; Nấu ăn; Lắp đặt điện; Điện tử; Công nghệ thời trang; Thiết kế đồ họa; Thiết kế các kiểu tóc; Tự động hóa công nghiệp; Lắp cáp mạng thông tin; Kết nối vạn vật - IOT; Ốp lát tường và sàn; Lắp đặt đường ống nước; Xây gạch; Mộc mỹ nghệ; Mộc dân dụng; Sơn ô tô; Phay CNC; Tiện CNC; Dịch vụ lễ tân; Chăm sóc sức khỏe và xã hội. Nghề tổ chức thi trình diễn gồm 3 nghề: Hệ thống chuyển tiếp nhanh; Thiết kế thời trang kỹ thuật số và làm bánh mỳ…

Phay CNC và Tiện CNC là 2 trong số 7 nghề mới lần đầu tiên tham gia so tài tại Kỳ thi này. Năm nay, ở nghề Tiện CNC có 9 thí sinh, nghề Phay CNC có 8 thí sinh tham gia dự thi.

Theo các chuyên gia, hiện nay trong hầu hết các lĩnh vực tự động hóa nói chung và ngành công nghiệp cơ khí nói riêng phần lớn 90% đều có sự trợ giúp của máy phay CNC nhằm mục đích đảm bảo độ chính xác, tối ưu thời gian gia công, tăng năng suất sản phẩm.

Nhu cầu tuyển dụng nhân lực nghề Phay CNC ngày một tăng, vì vậy đây được đánh giá là một nghề có tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

Tương tự như nghề Phay, nghề Tiện CNC, một số ngành nghề khác như Chăm sóc sắc đẹp, Dịch vụ nhà hàng, Công nghệ thời trang…ngày càng có nhiều cơ hội để tìm kiếm việc làm, giúp người học ra trường có việc làm ngay, thậm chí có mức thu nhập tương đối tốt, có thể sống khỏe với nghề mình đã chọn.

Bức tranh tuyển sinh ĐH năm 2020 đã cho thấy, nhiều thí sinh có điểm cao nhưng vẫn rớt nguyện vọng mơ ước. Trong khi theo tư vấn của chuyên gia tuyển sinh, vẫn còn nhiều cơ hội mở ra ở phía trước như chờ đợi các trường tuyển bổ sung chỉ tiêu, hoặc các em cũng có thể rẽ ngang sang học nghề mà vẫn có cơ hội học liên thông lên ĐH, không nhất thiết phải vào ĐH bằng mọi giá, trong khi đầu ra chưa có gì hứa hẹn chắc chắn.

Dẫu thế, tâm lý vào ĐH vẫn còn khá nặng nề cả ở phía phụ huynh và người học. Họ cho biết học nghề chỉ là con đường lựa chọn cuối cùng khi không còn ngã rẽ nào khác.

Theo các trường nghề, thực tế cho thấy nhu cầu tuyển dụng người học CĐ, học nghề rất lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của nhiều trường đào tạo chất lượng. Ông Lê Lâm- Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn cho biết: Không ít thí sinh ngại học CĐ vì có vẻ không “oách”, khó tìm việc làm và phải làm việc cực hơn ĐH.

Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng lao động bậc CĐ rất cao. Đa số các trường đều mời doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, đào tạo và đánh giá một số học phần thực hành, hướng dẫn sinh viên thực tập nên người học hầu như được tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.

Đó là chưa kể một số trường ký cam kết đảm bảo việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. Thời gian học ngắn hơn ĐH, chi phí đầu tư ít hơn, đi làm sớm hơn…

Thông tin từ Trường CĐ Quốc tế TP HCM cho hay, trường ký cam kết đảm bảo việc làm với một số ngành, tuy nhiên tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp vẫn là 100%, trong đó có nhiều sinh viên được tuyển dụng trước khi tốt nghiệp.

Một số ngành có mức lương khởi điểm 8 - 9 triệu đồng, ngành xây dựng cao hơn. Riêng ngành công nghệ thông tin có mức lương khởi điểm gần 20 triệu đồng/tháng.

Chính vì vậy, người học cần phải xác định hướng vào đời ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Còn các trường nghề cũng cần đảm bảo chắc chắn về đầu ra, liên kết với doanh nghiệp/nhà tuyển dụng để rộng mở cơ hội việc làm cho người học.

LINH NGA
Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/hoc-nghe--tai-sao-khong-519827.html
 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ