A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đào tạo văn hóa trong trường nghề: Vẫn còn ‘vênh’ nhau

14:15 | 23/10/2020

Nhiều trường cao đẳng (CĐ) nghề mong muốn được dạy học văn hóa cho học sinh (HS) tốt nghiệp THCS vào học trung cấp (TC)

 Nhưng quy định của Bộ GDĐT không cho phép các trường tự đào tạo chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT (7 môn) mà phải liên kết với trung tâm GDTX để thực hiện.

 

Còn trở ngại…

Bộ LĐTBXH vừa có công văn gửi Bộ GDĐT đề nghị cho phép các trường TC, CĐ đủ điều kiện được dạy văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học TC.

Công văn của Bộ LĐTBXH cũng nêu rõ nội dung đề nghị Bộ GDĐT chỉ đạo các trung tâm giáo dục thường xuyên phối hợp với các trường TC, CĐ giảng dạy văn hóa THPT đối với các trường không có đủ điều kiện tổ chức dạy văn hóa THPT cho HS tại trường.

Theo các chuyên gia, trách nhiệm chủ yếu trường dạy nghề chỉ đào tạo nghề cho các em chứ không chịu trách nhiệm về việc cấp bằng THPT, nên các trường nghề phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để đáp ứng nhu cầu.

Điều này cũng là một trở ngại lớn cho các phụ huynh muốn đăng ký cho con em mình theo học nghề nhưng lại lo con mất cơ hội liên thông lên học CĐ, ĐH sau này.

Trên thực tế, hệ đào tạo 9+ được đánh giá là cởi trói cho các trường nghề nhưng riêng việc đào tạo văn hóa cho các đối tượng HS này vẫn còn là một câu chuyện cần bàn.

Cụ thể, nếu các em muốn học lên trình độ cao hơn, thì đăng kí 4 môn với TC lên CĐ và 7 môn nếu muốn thi tốt nghiệp THPT.

Nhưng việc đào tạo văn hóa cho có một hạn chế được nhiều trường kiến nghị từ lâu là HS phải di chuyển địa điểm học rất nhiều, sáng học ở trường nghề, chiều học ở trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc ngược lại… nên rất mất thời gian, công sức của các em.

Trong khi đó, nhiều trường CĐ nghề sẵn sàng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có đủ để đảm bảo giảng dạy văn hóa cho HS của trường mình mà không cần phải liên kết với cơ sở giáo dục khác.

Ông Đỗ Văn Giang- Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho biết, “nút thắt” lớn nhất hiện nay chính là việc Bộ GDĐT chưa đưa ra được các văn bản để công nhận, chứng nhận được khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho các đối tượng có nhu cầu học liên thông.

Đồng thời, quyền hạn dạy, công nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa cần mở rộng đến các cơ sở GDNN đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định của Bộ GDĐT là được dạy và công nhận phần này, chứ không thể để HS học một chương trình ở 2 nơi như hiện nay (trường nghề dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên dạy văn hóa).

Không tách rời học văn hóa với học nghề

Lâu nay vẫn tồn tại một suy nghĩ đó là HS không đủ khả năng theo học văn hóa mới đi học nghề. Trên thực tế, một bộ phận HS cũng có nhận thức chưa đầy đủ về việc đăng ký học các trường nghề để “né” học văn hóa.

Tuy nhiên, các phụ huynh thì luôn băn khoăn về việc học nghề nhưng cũng cần phải học văn hóa song song để có những hướng đi khác, nếu như sau này con thay đổi ý thích, muốn học cao hơn hoặc chuyển đổi nghề nghiệp cũng không bị “chặn” vì không có bằng tốt nghiệp THPT.

Ông Trần Anh Tuấn, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho rằng hệ thống thị trường lao động vận hành với rất nhiều cấp bậc như sơ cấp, TC, CĐ, đại học, trên đại học.

Và bậc nào cũng phải bắt đầu bằng nền móng văn hóa. Hiểu học nghề là không học văn hóa là cách hiểu chưa đúng.

Theo phân tích của PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, việc đào tạo văn hóa dù do trường nghề trực tiếp giảng dạy hay liên kết với trung tâm GDTX thì cũng cần phải đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng như quy định của Bộ GDĐT.

Điều này sẽ được đánh giá qua kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia hàng năm nên không lo trường nghề đào tạo “có vấn đề” hay không.

“Tất nhiên, Bộ GDĐT cũng như Bộ LĐTBXH vẫn cần thanh kiểm tra thường xuyên những cơ sở đào tạo nếu được cấp phép dạy học văn hóa để tránh đến khi thi tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ quá thấp sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người học”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhận định.

Được biết hiện Bộ LĐTBXH đang xây dựng thông tư về chương trình khung đảm bảo kết hợp hài hòa giữa học văn hóa và học nghề.

Nội dung công văn nói trên của Bộ LĐTBXH trái ngược với công văn ngày 31/7/2020 của Bộ GDĐT gửi Sở GDĐT các địa phương hướng dẫn dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với dạy nghề.

Theo hướng dẫn này, đối với người học do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển vào học TC nghề có nguyện vọng học chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT để dự thi tốt nghiệp THPT thì các đơn vị này phối hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên để tổ chức dạy.

Việc dạy chương trình này do các trung tâm giáo dục thường xuyên đảm nhiệm. Để thuận lợi cho người học, hai bên có thể thống nhất địa điểm dạy học tại trung tâm GDTX hoặc cơ sở GDNN trên cơ sở đảm bảo phòng học, thực hành, thí nghiệm theo quy định. Sổ sách, học bạ do trung tâm giáo dục thường xuyên quản lý.

THU HƯƠNG

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/dao-tao-van-hoa-trong-truong-nghe-vancon-venh-nhau-521324.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ