A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Minh bạch trong làm sách

10:02 | 24/10/2020

Cho dù Bộ GDĐT đã chỉ đạo có biện pháp khắc phục những sai sót về SGK lớp 1 chương trình GDPT mới, song mối quan tâm đến việc chỉnh sửa SGK, cũng như việc rút kinh nghiệm cho những bộ sách tiếp theo ra sao vẫn đang là mối quan tâm của dư luận.

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang- Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, việc xuất bản, áp dụng giảng dạy bộ SGK lớp 1 có một số bất cập gây áp lực cho cả học sinh và phụ huynh, đặc biệt về khối lượng kiến thức và sự lãng phí khi không thể tái sử dụng. Cụ thể, số đầu sách cho mỗi bộ sách quá nhiều (với 23 đầu sách), khối lượng kiến thức nhiều, nhất là một số kiến thức xa rời thực tiễn và chưa phù hợp với độ tuổi; nhiều phụ huynh nghèo, nhất là gia đình vùng nông thôn, miền núi gặp nhiều khó khăn trong việc mua sách do chi phí khá cao; sự thích nghi của giáo viên và học sinh với chương trình mới còn nhiều hạn chế. Bộ GDĐT phải tổ chức đánh giá nghiêm túc, khoa học, khách quan và có giải pháp khắc phục những hạn chế trên để làm cơ sở cho việc triển khai biên soạn, thẩm định, xuất bản và áp dụng các bộ SGK các lớp, cấp học khác.

Không phải chờ cho đến kỳ họp Quốc hội lần này, từ trước đó cử tri đã bày tỏ sự bức xúc trước thông tin hơn 16 triệu USD được thiết kế vay Ngân hàng thế giới (WB) để biên soạn 1 bộ SGK nhưng sau đó Bộ GDĐT báo cáo không thực hiện được. Dư luận đặt băn khoăn số tiền này được sử dụng để làm gì? Bởi cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có 5 bộ SGK lớp 1 được Bộ tổ chức thẩm định và phê duyệt, việc biên soạn bộ SGK riêng của Bộ là không cần thiết, gây lãng phí lớn, làm ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục...

Theo lý giải của Bộ GDĐT, hiện nay Bộ không tiếp tục biên soạn một bộ SGK, do đó, muốn nhận được hỗ trợ kinh phí thì phải tái cấu trúc, tái phân bổ nguồn kinh phí đó. Bộ GDĐT sẽ phải tính toán sẽ sử dụng vào việc gì cho phù hợp trong việc triển khai chương trình mới. Do vậy, khoản kinh phí này vẫn trong tài khoản của WB.

Đại diện Bộ GDĐT khi trao đổi với báo chí về vấn đề này đã cho biết: Số tiền 16 triệu USD thực chất là đang trên kế hoạch thiết kế, nhưng khi thực hiện các đầu việc thấy hợp lý, khả thi thì mới được WB giải ngân. Chứ không phải là Bộ GDĐT đã được nhận số tiền 16 triệu USD và không làm SGK thì thừa ra làm việc khác. Tất cả mọi việc thực hiện theo mục tiêu của Dự án và sự giám sát chi tiêu của Bộ Tài chính và WB.

Như vậy, việc biên soạn SGK tới đây sẽ tiếp tục theo tinh thần xã hội hóa. Từ kinh nghiệm của bộ sách lớp 1 Cánh Diều, bài học quan trọng nhất rút ra là thẩm định SGK cần phải làm bài bản, minh bạch hơn. Tránh tình trạng như năm nay, bản thảo được bảo mật nên ngoài các tác giả và hội đồng thẩm định thì không ai biết nội dung SGK thế nào. Đến khi in ấn xong rồi, SGK cũng không được phát hành sớm tại nhà sách như các năm trước nên phụ huynh muốn mua cũng không có. Các chuyên gia cũng phải rất khó khăn mới có được sách để tham khảo và lựa chọn. Đặc biệt về phía các tác giả, quy trình tổ chức biên soạn SGK cần phải khoa học và nghiêm túc hơn nữa. Nếu không, những sai sót đáng tiếc sẽ là không tránh khỏi. 

MINH QUANG
Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/minh-bach-trong-lam-sach-521473.html
 

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ