A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhân lên hạnh phúc giản dị của nghề giáo

09:47 | 18/11/2020

Nghề dạy học là một trong những nghề cao quý nhất. Hình ảnh những thầy, cô giáo hết lòng vì học trò, tâm huyết với nghề luôn được người dân quý mến, xã hội tôn vinh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy - những người mở trí, khai tâm cho con người. Sự cống hiến của thầy cô giáo là thầm lặng nhưng vẻ vang.

Trong những năm qua, các thế hệ nhà giáo Đắk Lắk luôn phát huy truyền thống quý báu của thế hệ cha anh đi trước giữ vững niềm tin, khối đại đoàn kết, vượt lên khó khăn, phấn đấu đưa ngành giáo dục một tỉnh miền núi sánh bước cùng ngành giáo dục các tỉnh, thành trong cả nước.

Phẩm chất, năng lực của các thầy cô giáo một lần nữa được trui rèn, khẳng định trong năm học 2019 - 2020 - năm học đặc biệt trong lịch sử giáo dục Việt Nam do dịch bệnh Covid-19. Các em học sinh, sinh viên được nghỉ học dài ngày, kéo theo những thử thách trong việc thay đổi cách dạy - học. “Lửa thử vàng”, trong “cái rủi” ảnh hưởng của dịch bệnh đã sinh ra nhiều “cái may” làm thước đo thách thức với ngành giáo dục đòi hỏi mỗi cán bộ quản lý, giáo viên cần có cách ứng xử linh hoạt, sáng tạo để thực hiện tốt chỉ đạo “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học” của Bộ GD-ĐT.

Học sinh giới thiệu Dự án Khoa học tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2019. Ảnh: Thành Tâm

Toàn tỉnh hiện có 1.025 trường, với 469.969 học sinh từ mầm non đến THPT; có 36.204 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn về trình độ là 99,95%, trong đó có 64,44% cán bộ, giáo viên đạt trình độ trên chuẩn.

Với nỗ lực, phấn đấu của thầy và trò, ngành giáo dục tỉnh đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu nhiệm vụ năm học vừa qua, với 491 trường học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia; chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, số lượng học sinh đỗ đại học cao hơn năm trước; giáo dục mũi nhọn vẫn giữ vững vị trí đứng đầu trong 10 tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, nhiều học sinh của tỉnh tham gia các cuộc thi, kỳ thi đạt thành tích cao trong cả nước như: Thủ khoa Kỳ thi tốt nghiệp THPT, giải Nhì chung kết Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20, giải Ba cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật toàn quốc...

Năm học 2020 - 2021 có tính chất “bản lề”, là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 và là năm tích cực chuẩn bị mọi mặt để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh lớp 2, lớp 6 (bắt đầu từ năm học 2021 - 2022); đồng thời cũng là năm học phải thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa thực hiện nhiệm vụ dạy - học trong điều kiện còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những khó khăn khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặc dù đã được lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành quan tâm đầu tư trong những năm gần đây nhưng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin... chưa thể đáp ứng yêu cầu đổi mới; đội ngũ giáo viên, nhất là đối với ngành học mầm non còn thiếu; nguồn kinh phí ở các địa phương dành cho giáo dục còn hạn hẹp...

Để giải quyết những khó khăn trên, ngành GD-ĐT đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 51-CT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới trên địa bàn tỉnh; tiếp đó tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2019 - 2025 nhằm chuẩn bị đủ các điều kiện để đến năm học 2024 - 2025 tất cả các cấp học phổ thông trên địa bàn tỉnh hoàn thành thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới có hiệu quả.

Cô và trò Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia

Kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), ngày vui của hàng chục nghìn nhà giáo trên địa bàn tỉnh, những nghĩa cử, ân tình của phụ huynh, học sinh giúp các nhà giáo thêm yêu nghề, tâm huyết với nghề để từng ngày, từng ngày miệt mài, say sưa với bục giảng, tiếp tục ươm mầm tương lai. Mỗi nhà giáo bằng những cách khác nhau đã và đang tham gia vào quá trình đổi mới giáo dục bằng sự tận tâm, tận lực, trách nhiệm và tâm huyết; là tấm gương sáng về đạo đức và tự học, có năng lực cảm hóa để giúp học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, có hành vi đúng đắn, biết cách ứng xử.

Dẫu còn đó những khó khăn, nhọc nhằn, những bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật, song niềm vui, niềm hạnh phúc của người thầy không phải là những gì lớn lao mà từ chính  những điều giản đơn trong cuộc sống với học trò và với công việc mình yêu thích. Niềm hạnh phúc không tên ấy như một ngọn lửa âm thầm cháy mãi trong lòng của mỗi người thầy.

Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD-ĐT

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3486/202011/nhan-len-hanh-phuc-gian-di-cua-nghe-giao-5710344/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ