A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Biên soạn SGK lớp 2, lớp 6: Tránh "vết xe đổ" cách nào?

08:03 | 02/12/2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở tổ chức cho giáo viên dạy các môn học tham gia góp ý cho các bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6

Không chỉ bộ sách giáo khoa (SGK) Cánh Diều nhiều sạn mà các sách Tiếng Việt của bộ Cùng học để phát triển năng lực, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục Việt Nam) cũng bị chỉ ra nhiều lỗi trong các bài học, chương trình nặng nề khiến học sinh quá tải.

Giáo viên góp ý 3 đợt

Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trước ngày 30-11, NXB có trách nhiệm hoàn thiện tài liệu điều chỉnh SGK Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều, và gửi về địa phương để bổ sung miễn phí tài liệu này cho học sinh. Tuy nhiên, đến nay, giáo viên vẫn chưa được tiếp cận bộ tài liệu này, cũng không biết các lỗi được chỉnh sửa, hoàn thiện ra sao.

Học sinh mua sách Tiếng Việt 1 - Chân trời sáng tạo. Ảnh: TẤN THẠNH

Để tránh giẫm phải "vết xe đổ" trong thẩm định SGK lớp 2, lớp 6, Bộ GD-ĐT vừa có yêu cầu các sở GD-ĐT tổ chức cho giáo viên dạy các môn học tham gia góp ý các bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, việc này để bảo đảm chất lượng SGK biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời giúp giáo viên được sớm tiếp cận với các bản mẫu SGK. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức 3 đợt lấy ý kiến công khai với rộng rãi giáo viên cả nước với các bản mẫu SGK lớp 2, lớp 6 trước khi in và phát hành.

Cụ thể, đợt 1 tổ chức cho giáo viên có kinh nghiệm góp ý. Ở đợt này, mỗi sở GD-ĐT cử 10 giáo viên/môn học để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK qua website của các NXB, cung cấp thông tin về tài khoản cho giáo viên tham gia góp ý để đăng nhập website và góp ý các bản mẫu SGK từ nay đến ngày 9-12. Sau đó, tổng hợp ý kiến góp ý của các giáo viên đối với từng bản mẫu, gửi bản mềm về Bộ GD-ĐT. Đợt 2 sẽ tổ chức cho giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022 góp ý.

Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo các trường nhận tài khoản và hướng dẫn cho toàn bộ giáo viên được phân công dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022 vào website của các NXB để nghiên cứu, góp ý bản mẫu SGK đã được các NXB hoàn thiện sau góp ý đợt 1, đưa việc tìm hiểu nội dung các bản mẫu SGK vào sinh hoạt tổ chuyên môn để nghiên cứu, góp ý và chuẩn bị việc đề xuất lựa chọn SGK, bắt đầu từ ngày 25-12. Đợt 3, các sở GD-ĐT thông báo cho giáo viên, cán bộ quản lý tìm hiểu, góp ý các bản mẫu sách đã được các NXB hoàn thiện, đưa lên website trước khi in và phát hành.

SGK cần phải được thực nghiệm rộng rãi

Bà Nguyễn Thị Huế - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hiệp Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên - nhìn nhận việc lấy ý kiến góp ý của giáo viên đối với các bản mẫu SGK là việc làm cần thiết để hạn chế tối đa các lỗi không đáng có. "Đánh giá của giáo viên rất quan trọng vì những người có chuyên môn mới phân tích, góp ý chuẩn xác từng môn học. Dưới góc độ chuyên môn, ý kiến góp ý của giáo viên bảo đảm nội dung SGK phù hợp với độ tuổi học sinh, bảo đảm tính giáo dục, thẩm mỹ... Học sinh sẽ được học bộ sách tốt nhất có thể" - hiệu trưởng này chia sẻ.

Hiệu trưởng một trường tiểu học đóng tại Hà Nội cũng cho rằng với sự tham gia góp ý của đông đảo giáo viên, những ngữ liệu không phù hợp như ở SGK lớp 1 của nhóm Cánh Diều sẽ được chỉ ra, góp ý chỉnh sửa để các nhóm tác giả cân nhắc, điều chỉnh trước khi hoàn thiện và gửi thẩm định. Bên cạnh việc góp ý của giáo viên, SGK cần phải được thực nghiệm rộng rãi. "Theo quy định, hồ sơ gửi thẩm định đối với một SGK có thuyết minh về phần thực nghiệm, nêu rõ tỉ lệ nội dung đã thực nghiệm, thực nghiệm ở đâu, thời gian bao lâu... Bộ GD-ĐT phải rút kinh nghiệm trong khâu thực nghiệm để có được bộ sách tốt nhất" - nữ hiệu trưởng kiến nghị. 

Tổng kết, rút kinh nghiệm

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay sau những phản hồi về chương trình và một số nội dung SGK Tiếng Việt lớp 1, bộ sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình biên soạn SGK giáo dục phổ thông, chỉ đạo sát sao hơn việc biên soạn, thẩm định sách từ lớp 2 đến lớp 12. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng cần bổ sung là kiểm tra, giám sát quá trình thực nghiệm. Thời gian tới, bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về việc thực nghiệm trong và sau khi biên soạn SGK.

Yến Anh

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bien-soan-sgk-lop-2-lop-6-tranh-vet-xe-do-cach-nao-20201201221845418.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ