A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Gian nan tìm giáo viên cho chương trình mới

09:20 | 22/01/2021

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thiếu 70.000 giáo viên ở tất cả các cấp học, trong khi năm nay sẽ thực hiện dạy chương trình phổ thông mới lớp 2 và lớp 6

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tổng số giáo viên thiếu hụt khoảng 70.000. Trong đó, bậc mầm non thiếu trên 45.000 giáo viên, bậc tiểu học thiếu trên 20.000, bậc THCS thiếu trên 13.000 giáo viên và bậc THPT thiếu trên 9.000.

Thiếu hụt hết sức nghiêm trọng

Chỉ riêng với môn ngoại ngữ và tin học, các địa phương đã thiếu gần 40.000, trong đó khoảng 13.600 giáo viên tin học và hơn 27.000 giáo viên ngoại ngữ. Riêng ở cấp tiểu học, so số lượng giáo viên hiện có, các trường đang thiếu hơn 6.000 giáo viên tin học và hơn 5.000 giáo viên ngoại ngữ.

Năm học 2021-2022, ngành giáo dục sẽ triển khai giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 2 và lớp 6. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, hàng loạt công việc liên quan đến chuẩn bị đội ngũ ở lớp 2, lớp 6 đã được địa phương trên cả nước thực hiện.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội, trong hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2020-2021 đã yêu cầu các trường cần quan tâm chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2, lớp 6 từ năm học 2021-2022. Rà soát, lên danh sách giáo viên sẽ đảm nhận việc dạy học lớp 2, lớp 6 để sẵn sàng tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngay khi có thông báo.

Học sinh lớp 1 sẽ tiếp tục học chương trình mới trong năm học tới khi lên lớp 2 Ảnh: TẤN THẠNH

Trao đổi với Báo Người Lao Động, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hà Đông, TP Hà Nội - thông tin quận này thiếu chỉ tiêu các môn thể dục và địa lý, đang chờ bổ sung từ đợt thi tuyển tháng 3-2021. Ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ba Vì, TP Hà Nội - nói thêm huyện này đang thiếu 56 chỉ tiêu giáo viên tiểu học và đang chờ bổ sung trong thời gian sớm nhất.

Trong khi đó, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ, cho hay dù được tuyển bổ sung hằng năm nhưng Phú Thọ vẫn rơi vào tình trạng thiếu giáo viên so với nhu cầu thực tế, đặc biệt là giáo viên các môn học mới trong chương trình. Ông Lập cho rằng nguồn tuyển giáo viên mới cũng không dồi dào do chuẩn mới quy định về trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên ở từng cấp học.

Ráo riết tìm cách tuyển dụng giáo viên

Để triển khai tốt nhất chương trình phổ thông với lớp 2 và lớp 6 từ năm học tới, ông Phùng Quốc Lập cho hay Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ đã tham mưu với UBND tỉnh cho phép tuyển dụng bổ sung số giáo viên còn thiếu. Đồng thời, lựa chọn đội ngũ giáo viên đủ tiêu chuẩn dạy lớp 2, lớp 6 cho năm học tới, tổ chức bồi dưỡng giáo viên đại trà thực hiện chương trình mới theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Ông Lập cho rằng cần sắp xếp lại mạng lưới trường lớp với quy mô hợp lý. Đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách để thu hút, tuyển dụng giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về cơ cấu, chất lượng. Phân công, bố trí giáo viên dạy các trường hợp lý, khoa học, tránh thừa - thiếu cục bộ.

Thiếu giáo viên cũng là bài toán đau đầu ở Thái Bình từ nhiều năm nay. Bên cạnh thiếu hụt đội ngũ, ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình, cho hay việc bồi dưỡng, bố trí giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý cũng là một khó khăn liên quan đến đội ngũ khi địa phương này chuẩn bị triển khai chương trình mới với lớp 6 từ năm học tới. Khắc phục khó khăn này, ông Hiển cho biết Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường căn cứ năng lực giáo viên, kế hoạch giáo dục các môn học để bố trí giáo viên giảng dạy môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý một cách hợp lý, khoa học. Bên cạnh đó, Thái Bình cũng rà soát, thống kê số lượng, cơ cấu giáo viên tiểu học, THCS theo chuẩn đào tạo quy định tại Luật Giáo dục 2019 để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung, bảo đảm số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu giáo viên.

Ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long, cho hay Vĩnh Long đã tiến hành rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học, nhất là các môn tin học, ngoại ngữ, giáo dục công dân, mỹ thuật, âm nhạc, công nghệ, thể dục, giáo dục quốc phòng - an ninh để làm tốt việc bồi dưỡng, sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên. 

Khó đáp ứng yêu cầu mới

Theo quy định mới hiện nay, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, giáo viên tiểu học, THCS, THPT có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Giáo viên tiếng Anh tiểu học và THCS cần có trình độ tiếng Anh bậc 4 (tương đương bằng B2 đối với khung ngoại ngữ châu Âu) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam. Nhiều sở GD-ĐT cho biết hiện rất khó khăn khi đội ngũ giáo viên một số trường không đồng bộ về cơ cấu, một bộ phận giáo viên năng lực còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới.

Yến Anh

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/gian-nan-tim-giao-vien-cho-chuong-trinh-moi-20210121212705332.htm

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ