A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Băn khoăn địa phương chọn sách

08:11 | 04/03/2021

Từ bài học chọn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều vấn đề đang được đặt ra đối với việc chọn và triển khai chương trình SGK các lớp 1, 2 và 6 năm học 2021-2022.

Đến thời điểm này, 4 nhà xuất bản (NXB) có SGK trong danh mục được Bộ trưởng GDĐT phê duyệt xuất bản SGK lớp 2 và lớp 6 theo chương trình GDPT 2018 đều đã cung cấp đầy đủ các bản mẫu SGK trên trang mạng của NXB để các trường tiểu học và THCS các địa phương có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu kỹ càng hơn các bộ SGK.

Giới thiệu SGK lớp 2, lớp 6 theo chương trình GDPT 2018 tại Hà Giang.

Hoàn thành giới thiệu SGK trước ngày 10/3

Hiện các NXB đã phối hợp với các Sở GDĐT địa phương bắt đầu triển khai giới thiệu SGK bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp hoặc kết hợp cả hai hình thức trên tại các đơn vị cấp tỉnh. Trong đó, ngày 24/2 Sở GDĐT TPHCM phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) tổ chức Hội thảo “Giới thiệu SGK và thiết bị dạy học lớp 1, 2 và 6 theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018”.

Tương tự, ngày 28/2, Sở GDĐT Hà Giang phối hợp với NXBGDVN tổ chức Hội thảo trực tuyến “Giới thiệu SGK và thiết bị dạy học lớp 2 và lớp 6, theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018” đến gần 200 điểm cầu, thuộc các trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh.

Tại Nam Định, hội thảo trực tuyến giới thiệu SGK lớp 1, lớp 2, lớp 6 cũng được thực hiện tại 22 điểm cầu trong hai ngày 27 và 28/02/2021 do Sở GDĐT phối hợp các NXB giới thiệu.

Sở GDĐT Phú Thọ phối hợp với các NXB tổ chức Hội thảo trực tuyến giới thiệu SGK theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới trong 3 ngày từ ngày 27/2 đến 1/3/2021. Cụ thể, ngày 27/2 giới thiệu Chương trình SGK lớp 2; ngày 28/2 giới thiệu về SGK lớp 6 (Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp); ngày 1/3 giới thiệu về SGK lớp 6 môn Tiếng Anh.

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc Sở GDĐT Phú Thọ cho biết sau hội thảo này, các cán bộ, giáo viên của tỉnh đang tập trung nghiên cứu, đánh giá từng cuốn sách, từng bộ sách để tham gia vào công tác lựa chọn SGK năm học 2021-2022 của tỉnh: “Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước thực hiện đổi mới chương trình, SGK. Cùng với các công đoạn chuẩn bị về cơ sở vật chất thì khâu chọn SGK có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các tiêu chí lựa chọn SGK phải phù hợp đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương; phù hợp điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục”.

Theo Bộ GDĐT, việc giới thiệu SGK lớp 2, lớp 6 bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp tới giáo viên  phải hoàn thành trước ngày 10/3 để đảm bảo tiến độ và chất lượng nghiên cứu, lựa chọn SGK của các địa phương.

Băn khoăn địa phương chọn sách

Việc lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6 kể từ năm học 2021-2022 sẽ thực hiện theo các quy định tại Thông tư 25 của Bộ GDĐT. Quyền quyết định thuộc về UBND tỉnh, thay vì thẩm quyền là các nhà trường như quy định tại Thông tư 01 năm 2020. Thay đổi này căn cứ theo quy định trong Luật Giáo dục sửa đổi và bổ sung năm 2019.

Từ bài học năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT và SGK lớp 1 mới gây nhiều tranh cãi, việc lựa chọn SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 đang nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Trong đó, đối với lớp 1, câu hỏi đặt ra là nếu SGK năm nay được chọn khác với sách đang dạy năm nay, liệu có gây ảnh hưởng tới việc dạy và học, gây lãng phí vì không thể dùng lại được sách?

Tương tự, SGK của mỗi đơn vị ít nhiều có sự khác biệt về cách dạy, phương pháp tiếp cận. HS lớp 1 năm nay đang học theo bộ này nhưng lớp 2 lại thay đổi có gây khó khăn hay không?

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ có quy định cấu trúc bài học trong SGK mới, bao gồm 4 thành phần cơ bản: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập và vận dụng. Các SGK đều phải tuân thủ yêu cầu này trong quá trình biên soạn sách. Nếu học sinh lớp 1 đang học bộ SGK A nhưng lên lớp 2 chuyển sang học bộ SGK B cũng không gặp khó khăn.

GS.TS Phạm Tất Dong, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đặt vấn đề: SGK là tài liệu chính thức để giáo viên sử dụng trong quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và là tài liệu chính để học sinh học tập. Vậy nên SGK phải được sử dụng ổn định, lâu dài, tránh lãng phí, với giá cả phù hợp với thu nhập của đa số người dân.

Việc thay đổi liên tục mỗi năm một bộ sách không chỉ làm khó giáo viên mà cả phụ huynh trong việc đồng hành cùng con học tập. Đó là chưa kể, việc vừa học vừa nhặt sạn SGK như năm học vừa qua cần phải được hạn chế đến mức tối đa thông qua quá trình thẩm định, phê duyệt, dạy thực nghiệm, góp ý từ phía giáo viên, phụ huynh, người học...

“Nếu phát sinh vấn đề như SGK lớp 1, cần được nhanh chóng nhìn nhận một cách khách quan, thấu đáo, toàn diện để có giải pháp xử lý kịp thời chứ không thể dừng lại ở việc tranh cãi hoặc rút kinh nghiệm, sửa đổi là xong”, GS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

Trả lời vấn đề này, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành cho biết trong Thông tư 25, Bộ có quy định việc chuyển tiếp và kế thừa để UBND khi lựa chọn SGK sẽ không phủ nhận việc chọn SGK của cấp trường ở năm học trước đó. Điều này nhằm hạn chế việc thay đổi đột ngột, trừ khi chính trường đó muốn thay đổi.

Ông Thành lấy ví dụ, Thông tư 25 quy định hằng năm thành lập mới hội đồng chọn SGK nhưng đảm bảo có ít nhất 1/3 số thành viên đã tham gia các hội đồng những năm trước - đó là điều Bộ GDĐT đã tính đến.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ đạo các đơn vị của Bộ GDĐT phải bám sát, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các NXB, tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của giáo viên, nhân dân trước khi in bản chính thức.

THU HƯƠNG
Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/ban-khoan-dia-phuong-chon-sach-555014.html
 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ