A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

An toàn khi học trực truyến

09:44 | 14/09/2021

Dạy học trực tuyến đã không còn là một lựa chọn mà trở thành bắt buộc đối với nhiều địa phương, nhiều khối lớp trong hoàn cảnh học sinh không thể đến trường vì dịch bệnh.

Dạy học trực tuyến là phương án khả thi để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả thầy và trò. Nên không thể để trẻ ở nhà nhưng vẫn không an toàn, thậm chí xảy ra những sự việc đau lòng, đáng tiếc như bị điện giật khi học trực tuyến của một học sinh ở Hà Nội vừa qua.

Một trong nhiều kỹ năng quan trọng mỗi người cần phải biết, phải được dạy (chứ không phải tự tìm hiểu) tại nhà, tại trường học từ khi còn là một đứa trẻ mới chập chững biết bò, tập đi… là sử dụng điện an toàn. Những bài học đơn giản nhất như không cho trẻ cầm, nắm, chơi, ngậm, cắn… dây điện là điều người lớn phải thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn con em mình.

Bên cạnh đó, với tính hiếu động, thích khám phá của trẻ nhỏ, để đảm bảo an toàn, các bậc cha mẹ nên lưu ý phòng tránh rủi ro tối đa có thể để đảm bảo an toàn điện cho trẻ trong gia đình. Đơn cử như ngành điện đã có những khuyến cáo về việc lựa chọn và lắp đặt thiết bị điện trong gia đình phải an toàn cho trẻ theo nguyên tắc ổ cắm điện, công tắc nên được lắp đặt ở vị trí cao hơn 1,4m để trẻ em không với tới được, nên sử dụng ổ cắm và phích cắm có 3 chân, 3 dây để chống rò rỉ điện…

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại Hà Nội và nhiều địa phương, trẻ em ở trong nhà cả ngày, nhiều trẻ học trực tuyến có sử dụng thiết bị dùng điện như máy tính, điện thoại… Trách nhiệm của cha mẹ là hướng dẫn con sử dụng thiết bị đúng cách, sạc đầy đủ trước khi sử dụng, nếu có trục trặc trong quá trình sử dụng trẻ không tự ý sửa chữa mà phải thông báo cho người lớn biết để kiểm tra, xử lý…

Ngành giáo dục và các địa phương đã có những thống kê về những học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến gồm máy tính bảng, máy tính, điện thoại thông minh và phát động các chương trình quyên góp, ủng hộ, xã hội hóa để trao tặng cho các em thiết bị học tập. Gần đây nhất, chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chính thức phát động tối 12/9 nhằm ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới. 

Tuy nhiên, ngay cả với những gia đình đã có sẵn thiết bị học tập thì việc mạng chập chờn, kết nối kém, thiết bị hỏng, lỗi trong thời gian đang học trực tuyến là chuyện gần như gia đình nào cũng gặp phải. Không nóng vội, bình tĩnh xử lý bằng cách thoát ra đăng nhập lại, kiểm tra lại kết nối mạng, đường truyền internet, khởi động lại thiết bị… Trong trường hợp không vào lớp học được có thể nhắn tin riêng cho cô giáo để nói rõ lý do và chờ người lớn sửa thay vì tự sửa không đúng, thậm chí mắc những sai lầm đáng tiếc như một số trường hợp vừa qua.

Ở các thành phố lớn, trẻ em ở nhà một mình không có người lớn là điều không phải hiếm. Làm sao tạo môi trường an toàn, hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra là điều các cha mẹ cần quan tâm. Trong đó, hướng dẫn con các kỹ năng sử dụng đồ điện, các thiết bị có khả năng cháy nổ như bếp gas, kỹ năng thoát hiểm khi có cháy, ứng xử với người lạ khi ở nhà một mình… cần được rèn luyện mỗi ngày để trẻ ghi nhớ và thực hành thuần thục thay vì đến khi sự việc xảy ra mới hối tiếc. Những bài học thiết thực như vậy chính là những kỹ năng sống cần thiết phải trang bị cho trẻ, song hành cùng với những kiến thức, kỹ năng khác. 

LAM NHI
 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ