A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nâng cấp trường đại học: Không thể ồ ạt

10:41 | 19/11/2021

Hàng loạt trường đại học (ĐH) đã đang và sẽ có kế hoạch phát triển thành ĐH với những thay đổi căn bản nhằm mục tiêu đổi mới, phát triển. trong đó, rõ nhất là tăng quyền tự chủ của chính các trường.

Ảnh minh họa.

Xu hướng đại học đa lĩnh vực

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố quyết định thành lập 3 trường trực thuộc gồm: Trường Cơ khí; Trường Điện - Điện tử và Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông. 

Cuối tháng 10/2021, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh chính thức ra mắt 3 trường thành viên gồm: Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH; Trường Công nghệ và thiết kế UEH.

Trước đó, GS. TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ đã ký nghị quyết phê duyệt chủ trương chuyển Trường ĐH Cần Thơ thành ĐH Cần Thơ.

Trường ĐH Tây Đô cũng đang phấn đấu trở thành một trong các trường ĐH tư thục đa ngành của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng thông tin đã vạch ra định hướng chiến lược phát triển lâu dài với định hướng đến năm 2030, trường ĐH này sẽ trở thành ĐH với 4 trường thành viên. Ở khối trường y, Trường ĐH Y Dược TPHCM và Trường ĐH Y Hà Nội cũng đã có kế hoạch phát triển thành ĐH với nhiều trường thành viên.

Như vậy, nhìn vào cơ cấu các trường thành viên, về lâu dài, từ các trường chủ yếu là đơn lĩnh vực sẽ phát triển thành các ĐH đa lĩnh vực. Các trường và bản thân người học cũng kỳ vọng sẽ nâng cao vị thế của các trường trong các bảng xếp hạng quốc tế với hướng đi mới này. Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, phần lớn các trường ĐH được xếp thứ hạng cao đều trở thành ĐH đa lĩnh vực.

Đây cũng là một trong những điểm mới quan trọng của Luật Giáo dục ĐH nói chung và Nghị định 99 nói riêng.

Cẩn trọng, phù hợp, không chạy theo “mốt”

Để phát triển từ trường ĐH thành ĐH rõ ràng cần chuẩn bị những điều kiện chín muồi từ một khoảng thời gian trước chứ không phải chỉ là đổi tên, đổi “chiếc áo” mặc còn chất lượng
vẫn giữ nguyên.

PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường đã có sự chuẩn bị từ sớm về mặt nhân lực, vật lực. Trước hết đó là quyết tâm của tập thể lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và các đơn vị trong trường về sự cần thiết phải thay đổi. Thứ hai, cần có nghiên cứu và chọn lọc những mô hình quản trị giáo dục ĐH tiên tiến của thế giới và bài học các mô hình ĐH ở Việt Nam để xây dựng mô hình phù hợp cho mình. Thứ ba, truyền thông để có sự thấu hiểu và đồng lòng của cán bộ, giảng viên, và người học.

Câu hỏi đặt ra là về phía người học sẽ được hưởng lợi ích gì khi phát triển thành các ĐH? Các chuyên gia nhìn nhận khi đào tạo liên ngành, sinh viên kinh tế sẽ không chỉ được đào tạo về kinh tế mà có thể được đào tạo cả các kiến thức về luật, quản lý… Thêm vào đó, nếu tối ưu được việc sử dụng cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm, thực hành… thì việc sinh viên được hưởng lợi từ chuyển đổi mô hình sẽ rõ hơn. Từ đó, có thể thúc đẩy hình thành các nhóm chuyên môn sâu, tăng cường thực hành…

Tuy nhiên, GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cảnh báo, việc này chỉ thực hiện được nếu việc liên kết giữa các trường thành viên là chặt chẽ còn nếu lỏng lẻo, hầu như hoàn toàn độc lập về đào tạo thì ưu thế về việc nâng cao chất lượng đào tạo theo chương trình giáo dục khai phóng không thể hiện được.

Một ý kiến đang nhận được nhiều tranh luận đó là khi phát triển thành ĐH, các trường vẫn giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh hay tăng quy mô đào tạo? Nếu trường nào cũng tăng quy mô thì sẽ khó tránh khỏi việc “vơ bèo vạt tép” dẫn đến giảm chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, nếu quy mô đào tạo chỉ trên 15.000 người đã trở thành ĐH thì liệu có dẫn đến việc nở rộ các ĐH?

Theo các chuyên gia giáo dục, để các trường ĐH trở thành ĐH cần có tiêu chí, điều kiện rõ ràng, minh bạch. Bên cạnh các điều kiện theo Luật quy định gồm: Trường ĐH đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; Có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường ĐH công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường ĐH tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có thêm các hướng dẫn cụ thể để các trường và chính người học soi chiếu vào đó để hoàn thành mục tiêu phát triển với đích đến cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo GS. TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, việc tổ chức lại và phát triển thành đại học cần phải được “mô phỏng” cẩn trọng, tránh duy ý chí và theo “mốt”. Cần phải xây dựng và sử dụng bộ tiêu chí và công cụ phân tích đủ mạnh để xác định xem quá trình chuyển đổi và mô hình chuyển đổi có khả năng thành công hay không.

HÀN MINH

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/nang-cap-truong-dai-hoc-khong-the-o-at-5672910.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ