A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tận tụy "gieo chữ" ở vùng khó

16:25 | 19/11/2021

Nhiều trường học ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Krông Bông, vì điều kiện khó khăn, không thể dạy trực tuyến nên phải tổ chức dạy học bằng hình thức hướng dẫn giao bài tại nhà.

Trong quá trình đến nhà giao bài cho học sinh, tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn của hàng nghìn học sinh vùng dân tộc thiểu số, nhiều thầy cô đã tìm mọi cách để hỗ trợ, giúp đỡ các em. Thương học sinh, các thầy cô nỗ lực vượt khó để làm tốt công tác giảng dạy.

Vào nhà các em giao bài, cô Võ Thị Thu Hiền, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Yang Mao (xã Yang Mao) không khỏi ngậm ngùi khi thấy phần lớn các gia đình học sinh không có bàn ghế, không có góc học tập, thậm chí không có đủ ánh sáng để các em học bài vào ban đêm.

Trước hoàn cảnh nhiều em không có khẩu trang, thiếu sách vở, cô Hiền đã tự bỏ tiền túi của mình để mua tặng. Để giúp việc tự học ở nhà của các em hiệu quả hơn, cô đã liên hệ với những gia đình có điều kiện tổ chức học nhóm và tranh thủ thời gian đến hướng dẫn trực tiếp các em học. Ban đêm, cô còn kết nối với những gia đình có mạng Internet để hướng dẫn thêm các em học online.

Cô Võ Thị Thu Hiền, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Yang Mao (xã Yang Mao) mua khẩu trang tặng các em và lập nhóm để hướng dẫn học sinh học bài.

Trường Tiểu học Yang Hăn (xã Cư Drăm) có 1.005 học sinh, cả trường chỉ có chưa đến 1% học sinh đáp ứng được điều kiện về học trực tuyến. Vì vậy nhà trường phải tổ chức dạy học bằng hình thức hướng dẫn giao bài tại nhà.

Khi đến nhà học sinh giao bài, chứng kiến nhiều em có hoàn cảnh quá khó khăn, thầy Phạm Sơn Trung, giáo viên lớp 4 đã kết nối với VNPT Đắk Lắk (chi nhánh Krông Bông) thực hiện Chương trình “Hỗ trợ Internet cho em”.

Chương trình đã tặng 160 sim kết nối mạng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, thầy Trung đã kết nối với nhiều nhóm thiện nguyện trao tặng sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập và áo trắng cho các em thiếu thốn.

Thầy Trung tâm sự: “Có đến tận nhà mới thấy hết những thiệt thòi, thiếu thốn của rất nhiều học sinh ở đây. Lớp 4C có 33 em thì có đến 13 em thuộc diện hộ nghèo, 10 em thuộc hộ cận nghèo. Điều đó thôi thúc tôi phải làm gì đó để giúp đỡ các em”.

Đều đặn mỗi tuần 3 buổi, cô H’Juel Niê, giáo viên lớp 4 và hơn 40 thầy cô của Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui) lại leo đồi, lội suối đến từng nhà của 1.109 học sinh tại 6 thôn đồng bào dân tộc Hmông của xã Cư Pui để hướng dẫn và giao bài cho học sinh.

Lớp 4B do cô H’Juel chủ nhiệm chủ yếu là học sinh thôn Cư Tê, 100% các em là người dân tộc Hmông. Gần như nhà em nào cũng thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo, cha mẹ mải mưu sinh nên ít quan tâm đến việc học của con em.

Cô H'Juel Niê, giáo viên lớp 4, Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui) đến giao bài cho học sinh ở thôn Cư Tê.

Cô H’Juel ngậm ngùi chia sẻ: “Trước đây chưa có dịch bệnh, thỉnh thoảng tôi mới có dịp xuống thăm một số gia đình học sinh khi các em nghỉ học. Đợt dịch bệnh này kéo dài, không thể tổ chức học trực tiếp nên phải đến tất cả gia đình 33 học sinh để hướng dẫn giao bài. Thật xót xa khi chứng kiến hoàn cảnh các em, nhất là 18 em thuộc hộ nghèo, điều kiện vô cùng thiếu thốn. Cảm thông, chia sẻ với các em, chúng tôi nỗ lực, cố gắng vượt mọi khó khăn, trở ngại để mang kiến thức đến với các em bằng mọi cách”.

Tùng Lâm

Bài viết gốc: https://baodaklak.vn/giao-duc/202110/tan-tuy-gieo-chu-o-vung-kho-c83011c/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ