A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thích ứng linh hoạt dạy và học

10:05 | 11/01/2022

Từ 10/1, nhiều địa phương đã cho phép học sinh (HS) trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến.

 Việc linh hoạt chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại, từ trực tuyến sang trực tiếp phù hợp với yêu cầu đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa tăng cường chất lượng dạy và học.

Việc xen kẽ để học sinh trở lại trường là điều cần làm ngay lúc này.  Ảnh: Quang Vinh

Ý thức phòng dịch khi đến trường

Thông tin với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Bắc Giang cho biết từ ngày 10/1, trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Bắc Giang tiếp tục thực hiện đón HS trở lại trường khi bảo đảm điều kiện an toàn phòng, chống Covid-19. Trước đó, từ ngày 4/1, HS trên địa bàn thành phố tạm dừng đến trường để thực hiện công tác phòng, chống dịch.

Đồng Nai: Dự kiến cho học sinh học trực tiếp bắt đầu từ 14/2

Ngày 10/1, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh về kế hoạch cho học sinh đi học trở lại. Theo đó, Sở GDĐT tỉnh Đồng Nai đề xuất tiếp tục thí điểm dạy học trực tiếp từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, thêm 1 tuần sau kỳ nghỉ Tết. Dự kiến, đến ngày 14/2 học sinh tất cả các khối lớp, gồm cả mầm non trong toàn tỉnh sẽ đồng loạt trở lại trường học sau thời gian dài nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19.

Bà Trương Thị Kim Huệ - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Đồng Nai cho biết, sau 6 tuần thí điểm cho học sinh đi học trực tiếp, mọi vấn đề đều ổn. Số trường đăng ký cho học sinh đi học trở lại ngày càng tăng, vì vậy Sở đã có báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh Đồng Nai để xin dừng thí điểm việc dạy và học trực tiếp từ ngày 28/1 tới đây.

Trước đó, tỉnh Đồng Nai thí điểm cho học sinh đi học lại từ ngày 22/11/2021. Tính đến ngày 6/1/2022, toàn tỉnh có 147 trường công lập từ tiểu học đến THPT đã cho học sinh trở lại trường. Số trường này đã tăng gấp 10 lần so với thời gian đầu thí điểm cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Tỷ lệ học sinh học trực tiếp tại các trường đạt trung bình 92-95%, trong đó nhiều trường đạt 100%.

Được biết, đến nay tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 cho học sinh THPT trên địa bàn đạt trên 94%, học sinh THCS đạt 86%, một số địa phương trong tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho giáo viên, riêng thành phố Biên Hòa đang triển khai.

Hữu Vinh

Chị Ngọc Anh có 2 con là HS lớp 3 và lớp 5 trường Tiểu học Tân Tiến (thành phố Bắc Giang) cho biết, sau khi nghỉ học 1 tuần, sáng 10/1 con chị đã trở lại trường. Gia đình chuẩn bị đầy đủ cho con khẩu trang và chai khử khuẩn, bình uống nước riêng để hạn chế dùng chung đồ đạc với các bạn trong lớp, giảm bớt nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu có. “Qua 2 năm vừa học trực tuyến vừa học trực tiếp, các con đã có kinh nghiệm trong việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch và tự nguyện thực hiện đầy đủ vì hiểu rằng làm như vậy là tốt cho sức khỏe của chính mình và những người xung quanh” - chị Ngọc Anh chia sẻ.

Tại Hà Nội, từ thứ Hai (10/1) có thêm 3 quận, huyện là Tây Hồ, Hai Bà Trưng và Thanh Trì, HS lớp 12 được đến trường học trực tiếp. Riêng huyện Thanh Trì có thêm HS lớp 9 tại trường thuộc xã, phường “vùng xanh”, “vùng vàng” được phép trở lại lớp. Một quận khác cũng điều chỉnh phương án học tập là Cầu Giấy, HS lớp 12 chuyển học trực tuyến hoàn toàn do địa bàn này chuyển từ “vùng vàng” thành “vùng cam”.

Ông Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng GDĐT huyện Thanh Trì cho biết, huyện đang ở vùng dịch có cấp độ 2. Tất cả những xã trong cấp độ dịch 2, HS lớp 9 quay trở lại học trực tiếp. Còn lại những xã nằm trong cấp độ dịch 3 thì HS học trực tuyến theo theo quy định.

Cô giáo Tú Anh (Trường THPT Việt Nam - Ba Lan, huyện Thanh Trì) nhìn nhận, ở lứa tuổi cấp 3, các em đã có ý thức cao về việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch nên không cần nhắc nhở quá nhiều. Chỉ đôi khi các em ham vui, trò chuyện với bạn bè quá gần nhau trong giờ ra chơi thì giáo viên sẽ góp ý.

Em Khánh Huyền, HS lớp 12D4 Trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì) cho biết, em và các bạn của mình đều không muốn quay lại học trực tuyến nên luôn ý thức về việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang hay rửa tay khử khuẩn: “Lớp 12 là thời điểm quan trọng nên tất cả chúng em đều nỗ lực học tập, giữ gìn sức khỏe để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng sắp tới” - Khánh Huyền nói.

Tại TPHCM, HS lớp 7, 8, 10, 11 ở quận 4 và huyện Củ Chi đã bắt đầu được đến trường từ 10/1 cùng với các khối lớp 9 và 12 đã đến trường học tập từ trước đó. Ít tuần sau khi bắt đầu dạy trực tiếp, ngành Giáo dục thành phố bắt đầu cho phép học sinh làm bài kiểm tra, chuẩn bị cho kỳ thi giữa năm trực tiếp. Theo đó, tùy theo từng trường và từng khối lớp, các học sinh bắt đầu kiểm tra trực tiếp từ 10/1.

Tương tự, HS từ lớp 9 đến lớp 12 các trường ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đi học trở lại bình thường từ 10/1.

Tại Đắk Lắk, sau hơn 4 tháng học trực tuyến, HS lớp 9 và lớp 12 trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột được đến trường học trực tiếp trong điều kiện bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch.

Như vậy, lịch đi học học trực tiếp tại từng địa phương, từng quận huyện là rất linh hoạt phụ thuộc vào mức độ dịch tại từng địa bàn. Đặc biệt là công tác xử lý của các trường, các địa phương khi phát hiện F0 đã rất thuần thục nên không gây xáo trộn, hoang mang trong tâm lý thầy và trò. Việc học trực tiếp có thể bị gián đoạn trong một thời gian ngắn và sau khi đã xử lý đầy đủ theo đúng quy trình đã được thống nhất từ trước, các trường trên địa bàn lại mở cửa trường học trở lại như ở TP Bắc Giang vừa qua. Đó là cách làm được đánh giá hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục và HS cần được đến trường để không chỉ học mà còn trau dồi các kỹ năng, tâm lý khác.

Linh hoạt dạy và học trong điều kiện ứng phó với Covid-19.  Ảnh: Quang Vinh

Linh hoạt thời khóa biểu

Trên thực tế, việc học trực tuyến kéo dài là bất đắc dĩ nên hiện nhiều địa phương đã lên kế hoạch cho việc học trực tiếp. UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin sau Tết Nguyên đán sẽ cho 100% HS đến trường học trực tiếp. Theo Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa, mặc dù giáo viên cùng HS đã có nhiều cố gắng nhưng chất lượng dạy và học trực tuyến khó đảm bảo. Vì thế, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới, các trường từ bậc mầm non đến THPT sẽ tổ chức dạy và học trực tiếp. Các trường ưu tiên tổ chức dạy học trực tiếp cho khối lớp 9 và khối lớp 12 để đảm bảo chất lượng kỳ thi cuối cấp.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã mở cửa trường học thì dịch Covid-19 có thể vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó nhiều ổ dịch phát hiện tại các trường học, cơ sở giáo dục. Các địa phương cần linh hoạt chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại, từ trực tuyến sang trực tiếp để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa tăng cường chất lượng dạy và học.

Điều này đặt ra yêu cầu và thách thức không nhỏ cho nhà trường, thầy cô, HS trong việc giữ ổn định chất lượng giáo dục. Tuần này, các em có thể học trực tiếp nhưng tuần sau lại học trực tuyến là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Từ đó, đòi hỏi nhà trường phải chủ động triển khai các kịch bản dạy linh hoạt với sắp xếp thời khóa biểu học tập phù hợp giúp các HS “học đến đâu, chắc đến đó”.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) Nguyễn Xuân Thành cho rằng, bên cạnh một số tỉnh thành tổ chức dạy học trực tiếp cho HS, còn rất nhiều địa phương đang dạy học trực tuyến, qua truyền hình. Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, cần linh hoạt để HS được đến trường và tuân thủ đầy đủ các quy định phòng, chống dịch đã có. Đồng thời, việc chuyển trạng thái từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại ở các khối lớp được linh hoạt triển khai, song song với tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học.

Lưu ý với các địa phương, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị các tỉnh/thành tiếp tục ưu tiên hàng đầu việc đảm bảo an toàn sức khoẻ cho HS, cán bộ, giáo viên. Cần linh hoạt áp dụng hình thức trực tiếp và trực tuyến, cố gắng hoàn thành chương trình đúng kế hoạch với nguyên tắc “kiên trì mục tiêu chất lượng”.

Thích ứng linh hoạt dạy và học - Ảnh 1

BS Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM:

Cẩn thận không thừa

Hết hai tuần thí điểm của TPHCM với khối lớp 9 và 12, thành phố đã quyết định cho hai khối lớp này tiếp tục đến trường và mở rộng thêm các cấp học khác nữa. Nhiều phụ huynh lo lắng, đó là điều có thể hiểu. Nhưng nếu nói vì an toàn mà đừng cho con đến trường thì không đúng. Trong thời gian phong tỏa, giãn cách, ca mắc ở trẻ con rất ít, vì chúng chỉ có thể ở nhà, không đi đâu được, nguy cơ tiếp xúc nguồn lây thấp, thậm chí không có, nên chúng ta có cảm giác “ở nhà rất an toàn”.

Nhưng bối cảnh bây giờ đã khác, cộng đồng phải sống chung, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Người lớn đi làm rồi, ai sẽ giữ chân lũ trẻ ở nhà. Nếu trường học không mở cửa, chúng sẽ cuồng chân mà chạy đi chơi tứ tung. Cũng là ra khỏi nhà - ra khỏi nơi an toàn nhất - nhưng nếu điểm đến của con nít là trường học thì sẽ ít mối nguy hơn so với siêu thị, quán xá; so với nay tụ tập nhóm bạn này, mai la cà với một nhóm khác.

Để trẻ đi học, nhà trường và gia đình sẽ dễ dàng để mắt đến các em trong hai không gian “ở trường” và “ở nhà”. Việc này giúp hạn chế nguy cơ cho con em chúng ta.

Một điểm tích cực nữa của việc để trẻ đến trường, theo như tôi quan sát, là các trường học tuân thủ rất chặt chẽ quy định và bộ tiêu chí an toàn. Nếu chẳng may có F0, việc phát hiện, truy vết sẽ diễn ra nhanh hơn, do đó khoanh vùng, bóc tách các F tốt hơn ở các địa điểm khác.

Không thể đòi hỏi sự an toàn tuyệt đối. Ở trường hay ở nhà, trẻ cũng có thể nhiễm bệnh, phải chấp nhận sự thật đó. Nhưng hãy nhớ, virus này chỉ lây từ người sang người và qua trung gian bàn tay hoặc lây trực tiếp qua đường hô hấp. Không có một con đường nào khác để lây cho chúng ta được cả. Nếu cả 2 người cùng mang khẩu trang đúng, đứng cách nhau khoảng 1 m thì gần như không thể lây bệnh được. Xác định được như vậy thì không phải là quá khó để an toàn trong dịch bệnh. Vấn đề ở chỗ là các bạn có cẩn thận hay không mà thôi.

Thích ứng linh hoạt dạy và học - Ảnh 2

PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa các khoa giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội):

Không tạo áp lực thi cử

Việc HS học trực tuyến ở nhà gây ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần là điều có thể nhận thấy rõ qua nhiều vụ việc xảy ra gần đây. Việc xen kẽ để HS trở lại trường là điều cần làm ngay lúc này. Điều này cũng cần sự nhất quán của toàn xã hội, toàn ngành Giáo dục. Tuy nhiên việc học trong đại dịch ngành Giáo dục cũng phải đặt vấn đề chất lượng phù hợp, không nên tạo áp lực thi cử cho cả thầy và trò.

Nhiều địa phương đã linh hoạt phương án đi học trực tiếp với nguyên tắc bảo đảm sức khỏe thầy và trò là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, tôi cho rằng giáo viên rất cần tập huấn về sức khoẻ tâm thần của HS, nhận diện các dấu hiệu kể cả khi học trực tiếp hay trực tuyến để phản ánh đến các đơn vị có trách nhiệm xử lý.

Lâm An (ghi)

THU HƯƠNG
 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ