A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Loay hoay phân luồng, hướng nghiệp

13:26 | 12/01/2022

Phân luồng, hướng nghiệp học sinh (HS) phổ thông là mục tiêu đặt ra lâu nay. Tuy nhiên, sau mỗi mùa tuyển sinh nhìn lại, hiệu quả công tác tư vấn, hướng nghiệp vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Một số ý kiến cho rằng, việc định hướng nghề đối với học sinh lứa tuổi 15 là không hợp lý.  Ảnh minh họa

Cứng nhắc trong thực hiện

Mới đây, Tiểu ban Giáo dục phổ thông thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã có phiên họp với chủ đề “Giải pháp thực hiện phân luồng hướng nghiệp học sinh trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018”.

Sơ lược kết quả 3 năm thực hiện Đề án 522, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, theo thống kê báo cáo của UBND các tỉnh thành, có 4/6 tiêu chí của Đề án giai đoạn 2018 - 2020 đã đạt mục tiêu đề ra.

Cụ thể, ở tiêu chí “Trường THCS có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương”, 68,52% cơ sở trên cả nước đã đáp ứng được; trong khi mục tiêu của Đề án là 55%. Ở tiêu chí “Trường THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương”, tỉ lệ đạt được thực tế là 75,93%, cao hơn mục tiêu Đề án 15,93%...

Tuy nhiên, còn 2 tiêu chí chưa hoàn thành mục tiêu là “Học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp” và “Học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng”. Nhiều chuyên gia đã thẳng thắn nhận định, việc phân luồng hướng nghiệp cho học sinh phổ thông giai đoạn 2018 - 2020 theo kiểu phân luồng áp đặt là hoàn toàn thất bại.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, quan điểm hướng nghiệp sớm cũng cần xem xét ở khía cạnh thực chất, hiệu quả. Vì việc định hướng nghề với học sinh lứa tuổi 15 là không hợp lý.

Bên cạnh đó là thông tin về dự báo nhu cầu nhân lực, mô tả các ngành nghề trong xã hội được cập nhật đầy đủ hơn. Từ đó, bản thân học sinh có những thông tin, trải nghiệm cần thiết để lựa chọn một nghề nghiệp tương lai qua các chương trình hướng nghiệp, trải nghiệm.

Ở một khía cạnh khác, TS Lê Đông Phương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) phân tích, hiện công tác hướng nghiệp và thấy không ít những bất cập như, thiếu giáo viên hướng nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; hầu hết đều kiêm nhiệm, chưa có định danh cho vị trí giáo viên phụ trách hướng nghiệp.

Các chương trình, tài liệu hướng nghiệp lạc hậu, cách thức tổ chức các hoạt động chưa hiệu quả… Hơn nữa, việc lựa chọn nghề nghiệp, hướng đi trong tương lai không xuất phát từ nhu cầu, sự hiểu biết của cá nhân người học nên mục tiêu phân luồng khó đạt đích là đương nhiên.

Cần thực chất hơn

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, thời gian qua dù đã được chú trọng nhưng kết quả phân luồng HS sau THCS vẫn chưa được như mong muốn. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có cả nguyên nhân về nhận thức xã hội, chất lượng GDNN chưa cao, cách làm trên bình diện vĩ mô cả nước cũng như địa phương còn nhiều lúng túng.

Chúng ta có cơ chế cho HS tốt nghiệp THCS vào học nghề miễn phí, nhưng chưa đủ để tạo ra động lực thu hút người vào học nghề. Đặc biệt, doanh nghiệp lẽ ra có vai trò rất lớn trong công tác phân luồng HS thì dường như đứng ngoài cuộc để mặc cho ngành Giáo dục và Ngành Lao động xoay xở.

Những quy định mới trong tuyển sinh đào tạo nghề đang góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh có nhu cầu đăng ký vào học GDNN. Nhưng để làm tốt công tác phân luồng, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, cần phải có giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường học; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông.

Cụ thể hơn là phải quy hoạch lại cơ sở giáo dục đào tạo, đánh giá số học sinh tốt nghiệp THCS và THPT hoặc bỏ học ở THCS để có giải pháp hợp lý về phương diện quản lý nhà nước; kết hợp với hệ thống đánh giá năng lực HS chuẩn xác, từ đó đưa ra khuyến cáo. Đặc biệt, hệ thống GDNN phải thật sự chất lượng, việc liên thông giữa các bậc học phải được thông thoáng, cùng với đó là huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo với nhà trường.

PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan - Viện Khoa học Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nêu quan điểm, phụ huynh nên bỏ định kiến đi học nghề là thấp kém, đừng lo con đường lên THPT rồi lên ĐH là duy nhất, vì hiện nay có rất nhiều con đường khác nữa mà vẫn đi đến đích nếu mong muốn đạt được học vấn cao hơn.

Bà Loan cho rằng, để định hướng tốt cho các con ngay từ khi chuẩn bị kết thúc bậc THCS, phụ huynh phải xem con mình có năng lực, sở trường thế nào rồi tìm hiểu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tư vấn cho con. Làm sao đưa ra được những lựa chọn phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện gia đình và nhu cầu của xã hội. Phụ huynh cần tỉnh táo, thận trọng và không nên theo đám đông, vì hiện nay con đường học tập rất mở, có nhiều lựa chọn.

VI CẦM

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/loay-hoay-phan-luong-huong-nghiep-5677760.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ