A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Mở cửa trường học là ưu tiên hàng đầu

16:36 | 25/01/2022

Ủng hộ việc mở cửa trường học, đón học sinh trở lại ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới, các chuyên gia y tế và giáo dục đều cho rằng, khi tỉ lệ phủ vaccine của quốc gia đạt yêu cầu,....

.... việc đưa học sinh quay lại học trực tiếp là tất yếu để đảm bảo chất lượng giáo dục và sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em.

Học trực tiếp là nhu cầu tất yếu của học sinh.  Ảnh: Quang Vinh

Kinh nghiệm từ các địa phương

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong vòng 2 năm qua gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đào tạo, tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo và học sinh, sinh viên.

Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, thời gian qua địa phương đã rất nỗ lực để mở lại trường học. Thực tế cho thấy Covid-19 với học sinh không thực sự nguy hiểm bằng bệnh... nghiện game hay nhiều vấn đề tiêu cực khác đang gia tăng khi học sinh kéo dài việc không đến trường.

Năm học 2021 - 2022, thời gian “vàng” của tỉnh Bắc Giang từ tháng 9 đến ngày 26/10/2021, các cơ sở giáo dục tổ chức học trực tiếp. Ngày 27/10/2021, dịch bùng phát tại xã Thượng Lan (huyện Việt Yên), sau đó lan nhanh ở nhiều địa phương, toàn ngành Giáo dục nhanh chóng chuyển trạng thái sang tổ chức dạy học trực tuyến. Bắc Giang đã triển khai mô hình lớp học “2 trong 1”, xây dựng 1 lớp học trực tuyến trên mỗi khối lớp để các học sinh ở khu cách ly vẫn có thể học tập, giáo viên cách ly vẫn tham gia giảng dạy trực tuyến. Tính đến ngày 18/1/2022, toàn tỉnh chỉ còn 17 trường tổ chức dạy học trực tuyến; 189 trường tổ chức dạy học kết hợp và 11 trường mầm non cho trẻ nghỉ học. Với cách làm sáng tạo này, trong tình huống nào, ngành Giáo dục vẫn có thể duy trì hoạt động dạy học, không bị gián đoạn, ứng phó với dịch trong mọi tình huống. Bắc Giang là một trong số ít tỉnh không phải điều chỉnh thời gian năm học 2020-2021, hoàn thành nội dung chương trình và chất lượng giáo dục.

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 18/1, có 14 tỉnh, thành phố dạy học trực tiếp cho học sinh tất cả các cấp học mầm non, phổ thông, chiếm 22,22%. Dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình có 30 tỉnh, thành phố, chiếm 47.61%. Dạy trực tuyến và qua truyền hình có 19 tỉnh, thành phố, chiếm 30,15%. Số đơn vị huyện, thị xã, thành phố dạy học trực tuyến, trên truyền hình là 379/713 (đạt 53,15%); có 43 tỉnh, thành phố đã cho học sinh mầm non đi học trực tiếp (2.519.261/5.068.903), tỉ lệ 49.7%; có 46 tỉnh, thành phố học sinh tiểu học đến trường (4.223.368/8.884.964) đạt tỉ lệ 57,37% học sinh tiểu học trên cả nước…

Tại TPHCM, việc mở cửa trường học cũng đang được tiến hành từng bước. Sau khi thí điểm cho học sinh xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) đi học trực tiếp vào đầu tháng 11/2021, từ ngày 13/12/2021, TPHCM đã triển khai dạy học trực tiếp cho học sinh khối 9 và 12, từ ngày 4/1/2022 đối với khối 7, 8, 10, 11. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, tỉ lệ đến trường của học sinh khối 7 đến khối 12 đạt 98,48%. Qua 20 ngày tổ chức học trực tiếp, có 130 trường hợp mắc Covid-19 là giáo viên, nhân viên và học sinh. Tất cả các trường hợp đã được xử lý theo kịch bản xây dựng nên việc dạy và học tại các trường vẫn triển khai bình thường. Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM hiện đã có văn bản đề xuất tổ chức dạy trực tiếp với bậc mầm non, tiểu học và khối lớp 6, trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ, từ ngày 7/2/2022. Các trường đại học tại TPHCM cũng đã lên kế hoạch cho sinh viên quay trở lại trường học trực tiếp sau Tết Nguyên đán.

Học trực tiếp là nhu cầu tất yếu

Liên quan đến vấn đề đón học sinh trở lại trường, ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ, kinh nghiệm quốc tế cho thấy trước khi có vaccine, việc học trực tuyến là một giải pháp hoàn toàn đúng để giảm lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, khi tỉ lệ phủ vaccine của quốc gia đạt yêu cầu, việc đưa học sinh quay lại học trực tiếp là tất yếu để đảm bảo chất lượng giáo dục và sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em.

PGS.TS Trần Minh Điển - Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, để đưa trẻ đến trường an toàn cần tiếp tục bao phủ vaccine, đặc biệt vaccine cho trẻ đến tuổi đi học. Việc cho trẻ trở lại trường sẽ an toàn khi thực hiện đúng thông điệp 5K - giải pháp phòng ngừa cơ bản ngăn chặn phát tán và lây lan virus. Ông Điển cho rằng, khi trẻ đi học trở lại vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Phụ huynh cần đảm bảo tất cả thành viên trong gia đình đều được tiêm chủng đầy đủ; nắm được các thông tin về quy định ứng phó với dịch tại trường học của con em mình; chuẩn bị tâm lý, hướng dẫn dự phòng 5K cẩn thận. Nếu học sinh có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nếu phát hiện con tiếp xúc với người mắc Covid-19, cha mẹ giữ con ở nhà tự cách li.

PGS.TS Lê Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế cũng khẳng định, ông ủng hộ chủ trương mở cửa trường học bởi việc học trực tuyến lâu dài rất ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, chất lượng học tập của giáo viên, học sinh sinh viên. Theo ông Nga, nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ cho thấy nếu có lây lan trong trường học vẫn an toàn hơn việc lây lan trong cộng đồng. Do đó cần thiết phải mở cửa trở lại, không để học trực tuyến quá lâu dài.

Bà Simone Vis - Trưởng Chương trình giáo dục UNICEF tại Việt Nam cho biết: Khi trường học đóng cửa đã tác động rất lớn đến trẻ em và những rủi ro các em gặp phải khi nghỉ học còn lớn hơn rất nhiều so với rủi ro khi các em quay trở lại trường. UNICEF đã có những nghiên cứu và bằng chứng rõ ràng cho việc học sinh ở nhà kéo dài vì dịch bệnh đã bị ảnh hưởng lớn về thể chất, tinh thần, chất lượng học tập… Tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn… gia tăng. Do đó, một trong những trọng tâm mà Liên hợp quốc đặt ra là phải đưa học sinh quay lại học bình thường và phục hồi những gì thiếu hụt khi các em phải ở nhà học trực tuyến.Đặc biệt, đại diện Tổ chức UNICEF nhấn mạnh: Việc mở cửa trường học cần đảm bảo đưa tất cả trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, nhất là trẻ em yếu thế được quay trở lại trường; tạo điều kiện để các em làm quen lại với môi trường học tập trực tiếp. Các nhà trường cùng giáo viên phải thực sự lưu tâm đến những áp lực mà học sinh phải gánh chịu để cắt giảm lượng bài tập, bài kiểm tra và nếu cần thiết, nên kéo dài thời gian của năm học để học sinh có điều kiện thích ứng.

VI CẦM
 

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ