A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chính sách tiền lương bất cập: Làm thế nào để giữ chân giáo viên?

15:41 | 18/11/2022

Để cải thiện đời sống, giải quyết dần tình trạng giáo viên chuyển công tác, nhiều giáo viên cho rằng, rất cần cơ chế đặc thù của ngành Giáo dục và các bên liên quan.

Tình trạng thiếu giáo viên mầm non và hiện tượng nhiều giáo viên cấp học này xin nghỉ việc là vấn đề nóng tại nghị trường Quốc hội đang diễn ra cũng như trong dư luận xã hội những ngày gần đây.

Chính sách về tiền lương còn bất cập

Tình trạng thiếu giáo viên các cấp học trong năm học 2022 - 2023 khiến dư luận xã hội không khỏi lo lắng. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ tới việc chăm sóc, giáo dục học sinh, đặc biệt là ở cấp học mầm non.

Cung cấp thông tin tới đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2021 - 2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển khỏi ngành. Trong đó, số giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người.

Cô và trò Trường Mầm non Kim Chung A (Hà Nội).

Lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành chủ yếu tập trung ở các vùng điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương... 

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn lý giải, ở những địa phương này, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn.

Đáng chú ý, bậc mầm non là bậc học có nhiều giáo viên nghỉ việc nhất. Nguyên nhân, hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, dẫn đến giáo viên ở các cơ sở này phải tìm kiếm việc làm khác. Một số giáo viên mầm non không phải người địa phương trở về quê cùng gia đình tránh dịch và không trở lại.

Với cơ sở giáo dục công lập, tình trạng giáo viên nghỉ việc là do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, hiện giáo viên công tác trong 5 năm đầu thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe…) khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác thu nhập cao hơn. Mặt khác, sự phát triển của các thành phần kinh tế trong thời kỳ đổi mới đã tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn việc làm khác cho đội ngũ giáo viên.

Ngoài vấn đề lương, môi trường làm việc, áp lực dạy học, Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng chỉ ra nhiều vấn đề khác như cơ sở vật chất các trường công lập chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động nghề nghiệp của giáo viên, tác động của nền kinh tế thị trường và nhu cầu của giáo viên tăng, giáo viên năng lực tốt thường xu hướng đến những nơi điều kiện tốt hơn để tìm cơ hội thăng tiến; một số giáo viên chấp nhận bỏ nghề, đi học lại để tìm kiếm cơ hội việc làm khác.

Cần cơ chế đặc thù

TP Hà Nội cũng đang đứng trước khó khăn do thiếu giáo viên mầm non. Nói về nguyên nhân của tình trạng này, hầu hết các giáo viên đều cho rằng, do mức lương quá thấp.

Theo Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, thì hệ số lương của giáo viên mầm non thấp nhất trong tất cả các cấp học.

Cụ thể, giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 đến 6,38. Như vậy, giáo viên mới vào nghề chỉ có mức lương hơn 3 triệu đồng/người/tháng; giáo viên gắn bó với nghề từ 15 đến 20 năm cũng chỉ có mức lương 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều giáo viên đề nghị, để giải quyết dần tình trạng giáo viên chuyển công tác, rất cần cơ chế đặc thù của ngành Giáo dục và các bên liên quan.

Ghi nhận tại một số trường mầm non trên địa bàn TP Hà Nội, từ đầu năm học 2022 - 2023 đến nay, có hiện tượng giáo viên xin nghỉ việc, chuyển việc.

Bà Nguyễn Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đại Hưng (huyện Mỹ Đức) cho biết, năm học này, nhà trường có 3 giáo viên nghỉ việc.

Lý do chủ yếu của các trường hợp này là hoàn cảnh gia đình khó khăn, mức lương chưa bảo đảm cuộc sống. Trong khi đó, thời gian làm việc của giáo viên mầm non gò bó, không có thời gian đi làm thêm. Vì vậy, nhiều người đã bỏ nghề, tìm công việc có thu nhập ổn định hơn. 

Trước tình trạng thiếu giáo viên mầm non và nhiều người xin nghỉ việc, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên từ 35% lên 70% hoặc tương đương mức phụ cấp của cán bộ y tế cấp cơ sở và tăng lương cho giáo viên mầm non. Đây được xác định là giải pháp quan trọng, lâu dài để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu giáo viên mầm non hiện nay, giúp họ yên tâm công tác.

Căn cứ vào số lượng chỉ tiêu được Bộ Chính trị giao (hơn 65.000 chỉ tiêu giáo viên mầm non, phổ thông), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức tuyển dụng giáo viên theo lộ trình từ nay tới năm 2026, đồng thời đẩy nhanh việc tuyển bổ sung hơn 10.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao từ các năm trước còn tồn đọng.  

Đề xuất đang nhận được sự đồng tình của đội ngũ giáo viên. Trong khi chờ đề xuất được thông qua, các đơn vị đều chủ động, tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông cho hay, công việc của giáo viên mầm non có đặc thù riêng, đòi hỏi sự tận tụy, tỉ mỉ, thời gian làm việc gò bó, không thể đi làm thêm như giáo viên phổ thông.

Vì vậy, bà Hằng đề nghị, về lâu dài, để cải thiện đời sống, giải quyết dần tình trạng giáo viên chuyển công tác, rất cần cơ chế đặc thù của ngành Giáo dục và các bên liên quan.

NGUYỄN HOÀI

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/chinh-sach-tien-luong-bat-cap-lam-the-nao-de-giu-chan-giao-vien-5701201.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ