A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Thầy cô của những học sinh đặc biệt

10:44 | 20/11/2023

Với tình yêu nghề và mong muốn giúp những em học sinh đặc biệt hòa nhập với cộng đồng, xã hội đã giúp nhiều thầy cô tại các trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật gắn bó với nghề, vượt qua những khó khăn, thử thách.

Vượt qua khó khăn với tình yêu con trẻ

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Phòng Giáo dục hòa nhập và Công tác xã hội tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh đã gắn bó với những học sinh đặc biệt suốt 17 năm nay. Vốn là một giáo viên phổ thông, không hề có nghiệp vụ giáo dục học sinh đặc biệt, nhưng tình yêu với các em đã giúp cô Mai vượt qua mọi khó khăn trong những năm đầu công tác.

Cô Mai tâm sự: “Trong một lần ghé thăm trung tâm, tôi rất thương các em nên mong muốn được công tác tại đơn vị, thật may mắn sau đó mong muốn ấy trở thành hiện thực. Những năm đầu tiên, buổi sáng tôi lên lớp với các em, cố gắng giao tiếp với các em bằng tất cả những gì mình có thể, buổi chiều tôi học ngôn ngữ ký hiệu thông qua các em. Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng tôi nhận thấy đây mới chính là sứ mệnh của mình”.

Qua nhiều năm công tác, cô Mai dường như hiểu hết đặc điểm, khó khăn của từng học sinh, từ đó với mỗi em cô đều có cách giao tiếp phù hợp và riêng biệt. Hiện cô Mai đang dạy hướng nghiệp móc len, giúp các em có sân chơi bổ ích, định hướng được nghề nghiệp, có thêm các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Một tiết học của học sinh khiếm thính tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia

Tương tự, cô Lê Thị Thu Cúc, giáo viên đặc biệt dạy lớp khiếm thị tại Trung tâm Chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân, đã công tác 20 năm trong nghề và dành tình yêu thương đặc biệt với những học sinh nơi đây. Cô Cúc từng dạy học sinh có nhiều dạng khiếm khuyết khác nhau, nhưng hiện nay chủ yếu cô dạy các em khiếm thị. Đối với dạng khiếm khuyết này, nếu lớp học có 16 học sinh thì giáo viên phải dạy chia ra như 16 lớp học riêng biệt, vì mỗi em sẽ có những nhận thức khác nhau. Có những học sinh là người dân tộc thiểu số, khi đến lớp hoàn toàn không hiểu tiếng phổ thông, các cô phải kiên nhẫn dạy lại từ đầu. Hoặc cũng có những em học sinh không thể tự uống nước, đi lại… Để các em cùng ngoan ngoãn, ngồi nghe giảng kiến thức thì phải mất rất nhiều thời gian.

Tại các trường học đặc biệt này, lớp học không được phân theo độ tuổi sinh lý mà phân theo độ tuổi nhận thức, tuy nhiên mỗi em lại có cách tiếp cận riêng khiến việc giảng dạy của thầy cô vất vả hơn. Chính vì vậy, mỗi giờ lên lớp, giáo viên phải chuẩn bị rất kỹ những điều cần truyền đạt đến từng học sinh. Với học sinh nơi đây, thầy cô vừa là người dạy chữ, vừa giúp các em vượt qua chướng ngại về tâm lý và khắc phục khó khăn vận động. Những học sinh khuyết tật trí tuệ - tự kỷ và can thiệp sớm thì có phần khó khăn hơn khi các em rất e dè và khó tiếp xúc với thầy cô, thậm chí là phản kháng rất mạnh bằng cách gào khóc, cào cấu, xô ngã giáo viên.

Niềm vui khi chứng kiến học sinh trưởng thành

Cô Đàm Thị Thu Thủy, giáo viên dạy khiếm thính tại Trung tâm Chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân cho rằng, điều quan trọng nhất để gắn bó với nghề, với những học sinh đặc biệt này phải bắt nguồn từ tình yêu. Tình yêu thương đối với con trẻ và tình yêu đối với chính công việc mình đang làm. “Mặc dù trong quá trình dạy, có nhiều lúc tôi truyền đạt nhưng các em chưa hiểu, chưa thực sự đạt được yêu cầu như mình mong muốn, tôi rất buồn. Nhưng rồi tôi nghĩ lại, việc giáo dục một đứa trẻ bình thường đã khó, nay các em phải mang trong mình khiếm khuyết, có thể chưa hiểu hết ý tôi truyền đạt, chưa ngoan là điều tất nhiên. Tôi lại kiên trì dạy lại từ đầu, từ đó có nhiều cháu khiếm thính nhẹ có thể nghe thấy hoặc bắt đầu hiểu ngôn ngữ ký hiệu và ngoan hơn rất nhiều, các em biết cúi chào người lớn, đi lại nền nếp hơn… Nhìn các em tiến bộ mỗi ngày khiến tôi thêm yêu công việc của mình”, cô Tuyết chia sẻ.

Cô Đàm Thị Thu Thủy, giáo viên dạy khiếm thính tại Trung tâm Chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân và học sinh trong giờ lên lớp

Đã có rất nhiều học sinh sau khi được giáo dục tại các trung tâm đặc biệt này có thể hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. Cô Mai rất hạnh phúc khi học sinh cô từng dạy nay đã trưởng thành, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm. Không chỉ cô Mai, cô Cúc hay cô Thủy, rất nhiều giáo viên vẫn đang lấy sự trưởng thành, hòa nhập cộng đồng của học sinh để làm động lực và thêm yêu cái nghề đặc biệt mà mình đã lựa chọn. Qua sự rèn luyện, dạy dỗ của thầy cô mà nhiều học sinh nay đã trưởng thành, có công việc và gia đình ổn định, đó là niềm vui, động lực của những thầy cô giáo giảng dạy trong môi trường đặc biệt này.

Đinh Hằng

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/xa-hoi/202311/thay-co-cua-nhung-hoc-sinh-dac-biet-1dc1549/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ