A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Kết nối “hai nhà”, sinh viên hưởng lợi

16:51 | 11/12/2023

Gắn lý thuyết với thực hành không chỉ giúp người học tiếp cận được chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà còn mở ra cơ hội việc làm cho sinh viên.

Việc phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo đang được nhiều trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh thực hiện nhằm giúp sinh viên vừa học tập, vừa có thêm nhiều trải nghiệm thực tế.

“Bắt tay” mang lại lợi ích kép

Từ nhiều năm nay, Trường Cao đẳng Đắk Lắk luôn chú trọng công tác đào tạo trong nhà trường và thực hành tại doanh nghiệp (DN). Nhà trường đã liên kết với hơn 60 DN trong và ngoài tỉnh, ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho sinh viên thực hành. TS. Hoàng Minh Cương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc “bắt tay” giữa nhà trường và DN mang lại "lợi ích kép" cho cả đôi bên. Nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, DN giải quyết được bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp sinh viên tìm được việc làm phù hợp ngay khi tốt nghiệp. Trong hoạt động liên kết này, sinh viên còn được DN hỗ trợ học bổng khuyến khích vào đầu khóa học.

Trường Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên ký kết hợp tác với doanh nghiệp triển khai chương trình thực tập tại doanh nghiệp cho sinh viên.

Tăng cường kết nối với DN cũng là hướng đi được Trường Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên lựa chọn để giúp sinh viên học tập, thực hành, thực tập sát với thực tế nhu cầu của DN và thị trường lao động. Sinh viên của trường luôn có nhiều cơ hội việc làm nhờ thực hiện tốt "học đi đôi với hành". Hằng năm, nhà trường có hơn 300 sinh viên tham gia thực hành trực tiếp tại các DN trong và ngoài tỉnh.

Thầy Thái Ngọc Hoàng, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, tính đến nay trường đã ký kết hợp tác với 10 DN để hỗ trợ hoạt động thực tập cho sinh viên và cung ứng nguồn nhân lực cho DN. Cũng từ mối liên kết chặt chẽ này, nhà trường đã triển khai công tác đào tạo, thiết kế, điều chỉnh chương trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu thị trường, yêu cầu ngành nghề trong nước theo phương châm “đào tạo phải gắn liền với thực tiễn”. Chính nhờ chương trình đào tạo gắn liền với thực tế, đề cao mối liên kết với DN nên tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm sau tốt nghiệp của một số trường trên địa bàn tỉnh luôn đạt mức cao.

Theo thống kê có khoảng 85% sinh viên của Trường Cao đẳng Đắk Lắk tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp; Trường Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên tỷ lệ này là 87%, trong đó có 35% cơ hội việc làm đến từ chính các DN mà nhà trường tổ chức cho các em đi thực tập.

Gắn kết người học với doanh nghiệp

Hiện nay có không ít sinh viên ra trường khó xin việc làm do thiếu kỹ năng, kinh nghiệm thực tế. Do đó, việc liên kết giữa các trường cao đẳng và DN đã trang bị cho sinh viên kỹ năng để thích ứng với thị trường lao động, tạo nên nhiều giá trị tích cực hướng đến người học.

Em Nguyễn Văn Minh, sinh viên lớp 47C.CNOT1, ngành Công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng Đắk Lắk đang thực tập tại Công ty TNHH Toyota Buôn Ma Thuột cho hay, được thực hành trực tiếp tại DN, từ việc làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp đến ra hiện trường, vận hành máy móc, trang thiết bị hiện đại… giúp em có thêm kỹ năng, tạo nền tảng nghề nghiệp vững chắc hơn trong tương lai. Đây là lợi thế để tìm việc làm phù hợp khi ra trường.

Sinh viên Nguyễn Văn Minh, lớp 47C.CNOT1, ngành Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Đắk Lắk thực tập tại Công ty TNHH Toyota Buôn Ma Thuột

Mô hình hợp tác giữa nhà trường và DN đang thúc đẩy đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, DN được ví như “cánh tay nối dài” của các trường, tạo điều kiện cho sinh viên học lý thuyết gắn với thực hành và thực tập trong môi trường thực tế. “Không chỉ thực hành thực tế, đây còn là cơ hội giúp các em làm quen với môi trường DN, trải nghiệm đúng chuyên ngành, tích lũy kiến thức làm nền tảng để tiếp cận công việc sau này”, TS. Hoàng Minh Cương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đắk Lắk khẳng định.

Việc liên kết này còn góp phần tạo nên một “sản phẩm” đầu ra có thể dùng ngay được và “đắt hàng” hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Bởi khi có những trải nghiệm tại DN từ sớm, sinh viên sẽ có kinh nghiệm, kiến thức nền tảng chắc chắn và cập nhật hơn nhờ sự chủ động của mình, do đó được DN chào đón, đánh giá cao khi ra trường. Về phía DN, thông qua hoạt động thực hành này sẽ lựa chọn được nguồn nhân lực phù hợp để tuyển dụng.

Từ nhiều năm nay, Công ty Cổ phần GREENFEED Việt Nam (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) phối hợp với Trường Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên tạo điều kiện tối đa cho sinh viên thực tập, hỗ trợ về điều kiện sinh hoạt cơ bản và hướng dẫn các em trải nghiệm thực tế công việc của một kỹ sư chăn nuôi, bác sĩ thú y tại đơn vị.  "Với chúng tôi, thực tập sinh không đơn thuần là những sinh viên tham gia học việc, rèn nghề mà còn là những nhân sự tiềm năng, có thể gắn bó lâu dài với GREENFEED sau này. Sau khi các bạn kết thúc kỳ thực tập, chúng tôi luôn có những ưu tiên nhất định, đãi ngộ xứng đáng dành cho sinh viên tiêu biểu có nguyện vọng làm việc chính thức tại công ty", ông Dương Hồng Thanh, Giám đốc thu hút và tuyển dụng nhân tài công ty cho hay.

Đỗ Lan

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/xa-hoi/202312/ket-noi-hai-nha-sinh-vien-huong-loi-8271274/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ