A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nuôi chim yến: Lợi nhuận cao, rủi ro cũng không ít!

16:33 | 05/02/2018

Những năm gần đây, việc nuôi chim yến trong nhà phát triển nhanh trên địa bàn tỉnh. Riêng TP. Buôn Ma Thuột hiện có đến vài chục ngôi nhà nuôi chim yến....

...   Đây là một nghề dễ đầu tư, đầu tư một lần nhưng được thu hoạch sản phẩm yến lâu dài, có giá trị lớn, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, rủi ro cũng không ít…

Hiệu quả cao từ nuôi chim yến

Ông Trần Văn Tuyển (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) đã có kinh nghiệm nhiều năm nuôi chim yến. Ông hiện có 4 cơ sở nuôi chim yến (một cơ sở tại huyện Lắk và ba cơ sở tại Bình Dương, Cần Giờ), mỗi năm thu gần 200 kg tổ yến thô. Với giá bán 30-40 triệu đồng/kg yến (đã qua sơ chế, sấy khô), mỗi năm gia đình ông Tuyển thu được gần 5 tỷ đồng. Ông Tuyển cho biết, khi chim yến đáp ứng được nhu cầu thức ăn và môi trường sống tốt, mỗi năm sinh sản 4 lần, đồng nghĩa với việc cho ra đời 4 tổ yến/một chim mẹ. Tùy theo chất lượng của tổ yến để hình thành sản lượng và giá trị của sản phẩm yến. Tổ yến bảo đảm chất lượng khoảng 80 tổ đạt một ki-lô-gam, tối đa khoảng 120 tổ đạt một ki-lô-gam (yến nuôi tại TP. Buôn Ma Thuột, khoảng 100 tổ yến có khối lượng 1 kg).

Thấy thu nhập cao từ nuôi chim yến, hai năm nay gia đình ông Trương Quốc Hào (buôn Păn Lăm, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) đã tận dụng tầng cao nhất của ngôi nhà để nuôi chim yến. Hiện nay, số chim yến đến trú ngụ và làm tổ ước chừng cả nghìn con, một năm ông thu hoạch gần 10 kg sản phẩm yến, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Ông Hào đang liên kết với một vài cơ sở tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi yến trên địa bàn thành phố.

Một ngôi nhà nuôi chim yến tại TP. Buôn Ma Thuột.

Đắk Lắk với diện tích nông, lâm nghiệp chiếm hơn 86% là điều kiện thích hợp cho chim yến phát triển. Đặc điểm của chim yến là loài không đậu đỗ mà chỉ bay liệng và ăn các loại côn trùng trên không từ sáng sớm đến chiều tà, thức ăn tốt nhất cho chim yến là pha trưởng thành của các loại côn trùng trên đồng ruộng, đồi núi, rừng cây, đặc biệt là các loại côn trùng sinh hoạt cách mặt đất chừng một mét, trong đó có pha trưởng thành của các loại sâu hại. Chim yến có thể bay xa hàng trăm kilômét để tìm mồi nên cơ hội về nguồn thức ăn cho chim yến rất phong phú tại Đắk Lắk. Cũng từ đặc điểm không tìm kiếm thức ăn trên mặt đất nên xác suất chim yến bị bệnh cúm gia cầm (H5N1 và H6N1) rất nhỏ. Nguồn phân chim không nhiều nên việc vệ sinh môi trường dễ xử lý (hiện phân chim yến đang được bán với giá từ 70.000 đến 100.000 đồng/kg cho những cơ sở mới xây tạo mùi dẫn dụ chim yến).

Theo một số cơ sở nuôi chim yến tại TP. Buôn Ma Thuột, chi phí cho những thiết bị công nghệ cao để dẫn dụ chim yến về nơi trú ngụ làm tổ cùng với thiết bị đáp ứng nhiệt độ, độ ẩm, quan sát theo dõi… có giá từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/m2 sàn nhà nuôi (chưa tính chi phí xây dựng nhà). Thực tế đối với các ngôi nhà đang ở trong khu dân cư được cải tạo để nuôi chim yến thì chi phí này không cao lại được thu nhập kinh tế lâu dài mà không tốn công sức.

Sản phẩm tổ yến hiện nay cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nên hiệu quả kinh tế của loại hình chăn nuôi này cao hơn nhiều lần đối với các loại hình sản xuất nông nghiệp khác. Vì thế, ngoài việc phát triển nuôi chim yến trong khu dân cư, nhiều hộ bắt đầu nhen nhóm xây dựng cơ sở nuôi chim yến trên đất nông nghiệp.

Những rủi ro trong phát triển nuôi chim yến

Mặc dù lợi nhuận cao song việc nuôi chim yến trên cao nguyên cũng rủi ro không ít.

Mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp sẽ ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt bắt mồi của chim yến, từ đó ảnh hưởng đến sinh sản (hình thành tổ yến) của chúng. Trong khu đô thị nhà cao tầng, nếu những nhà thấp hơn nuôi chim yến mà cường độ dẫn dụ chim yến không quá 70 dBA (đềxiben A) trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ (theo Điều 4, Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22-7-2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến) thì sẽ hạn chế số lượng chim yến đến trú ngụ, ngược lại nếu cường độ quá 70 dBA tiếng ồn sẽ ảnh hưởng xung quanh. Nguồn thức ăn trong bán kính quá xa, chim yến phải bay đi tìm mồi sẽ mất nhiều năng lượng cũng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng tổ yến.

Nhà nước cần đưa ra một quy hoạch chung cho nghề nuôi chim yến, theo đó là vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm chim yến nuôi nhằm giúp tạo ra những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần đào tạo cán bộ kỹ thuật quản lý nuôi chim yến, xây dựng và bảo vệ thương hiệu chim yến của địa phương. 

Chim yến có hướng bay theo tập tính quần đàn, nếu không nghiên cứu kỹ trước khi xây dựng nhà nuôi (hướng cửa đón chim vào) thì sẽ không thành công. Trong khi đó, kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở mới nuôi chim yến rất cao, tùy theo quy mô mà có thể lên đến vài tỷ đồng/một cơ sở. Vì vậy, cần có sự tư vấn (về vị trí khu vực nuôi, kỹ thuật dẫn dụ, trú ngụ, điều tiết nhiệt độ, độ ẩm…) của các chuyên gia chuyên ngành để hạn chế rủi ro; đặc biệt không nên mạo hiểm vay vốn đầu tư cơ sở nuôi chim yến khi chưa tìm hiểu và đánh giá được hiệu quả kinh tế khả thi. Thực tế cho thấy đã có nhiều cơ sở đầu tư tiền tỷ nhưng thất bại vì chim yến không đến trú ngụ và làm tổ.

Sơ chế thủ công tổ yến tại gia đình ông Trương Quốc Hào (buôn Păn Lăm, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột).

Mặc dù theo quy định hiện nay, chủ cơ sở nuôi chim yến không phải khai báo với phòng chuyên môn cấp huyện; quy định tại Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT cũng chưa quy định vị trí nhà nuôi chim yến (hiện trên 90% nhà nuôi nằm xen kẽ khu dân cư), chưa có hướng dẫn kiểm tra đánh giá, chế tài xử lý khi có hành vi vi phạm song chủ cơ sở nuôi chim yến phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc lấy mẫu định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu và chịu trách nhiệm chi trả phí, lệ phí xét nghiệm dịch bệnh trên đàn chim yến theo quy định hiện hành.

Đối với những cơ sở muốn xây dựng nhà nuôi chim yến ở những vùng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nơi có thể đáp ứng được điều kiện thức ăn, môi trường sống và khả năng sinh sản của chim yến cũng gặp không ít vướng mắc. Bởi dù mục đích sử dụng đất nông nghiệp để chăn nuôi là đúng quy định song xây dựng nhà nuôi chim yến (khác với việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm) là phải xây dựng kiên cố, cao tầng thì lại không đúng quy định; đó là chưa kể yêu cầu địa phương phải có quy hoạch vùng nuôi chim yến.

Cẩm Lai

 

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ