A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phát triển cây vải: Cần hướng đến sự bền vững

14:51 | 01/06/2018

Có mặt ở Đắk Lắk hơn 20 năm, cây vải miền Bắc đang khẳng định được vị thế của mình trong phát triển cây ăn trái. Tuy nhiên, để sản xuất bền vững, tìm kiếm thị trường ổn định cho loại cây này vẫn đang là bài toán khó.

Thị trường bấp bênh

Từ những năm 1990, cây vải miền Bắc đã “theo chân” một số nông dân đến Đắk Lắk để trồng thử nghiệm. Lúc đầu người dân chủ yếu trồng phục vụ nhu cầu trái cây trong gia đình, nhưng thấy cây vải rất phù hợp với vùng đất Tây Nguyên, lại chín sớm khoảng 1 tháng so với vải ở miền Bắc nên dễ bán, giá cao, được thị trường ưa chuộng, nhiều hộ dân bắt đầu nhân rộng với quy mô lớn để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.

Ông Nguyễn Duy Tiên (thôn 12A, xã Ea Kly, huyện Krông Pắc) là một trong những nông dân tiên phong trồng cây vải trên đất cà phê. Năm 1996, ông bắt đầu đưa cây vải ngoài Bắc vào trồng thử nghiệm. Sau nhiều lần nghiên cứu, trồng thử các giống, cuối cùng ông hài lòng nhất với giống vải chín sớm Bình Khê được ghép lên gốc vải thiều. Năm nào hơn 1 ha vải của gia đình cũng chín sớm nhất vùng, quả to đều, màu đẹp, năng suất cao. Vụ vải năm 2018, gia đình ông thu được hơn 19 tấn, được thương lái thu mua với giá 50.000 đồng/kg. Ông cho biết, tại thôn 12A hiện có 6 ha trồng vải với nhiều loại khác nhau, sản lượng ước đạt 55 tấn, hầu hết đều được thương lái tìm đến thu mua tại vườn. Tuy nhiên, ít người nào có chiến lược phát triển lâu dài và được thương lái thu mua với giá ổn định, hầu hết giá cả khá bấp bênh, đầu vụ được giá hơn cuối vụ.

Ông Nguyễn Duy Tiên (bên trái) trao đổi với cán bộ xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) về giống vải chín sớm được trồng tại vườn của gia đình.

Khi nhận thấy cây vải đang “ăn nên làm ra” ở vùng đất này, nhiều hộ bắt đầu tìm hiểu và trồng thử. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Khương (xã Ea Kly) đã phá bỏ vườn cà phê kém năng suất để đầu tư trồng 4 sào vải U Hồng. Giống vải này tuy chín muộn hơn một chút so với giống vải Bình Khê,  nhưng lại ngọt hơn (ngay khi vỏ đang còn xanh) nên được thương lái khá ưa chuộng. Năm nay, vườn vải của gia đình ông đã vào vụ thu hoạch, sản lượng ước đạt 4 tấn. Tuy nhiên, vải của gia đình ông lại phụ thuộc nhiều vào giá cả của thương lái, đầu vụ được mua với giá 40.000 đồng/kg đến nay giảm xuống còn 30-35 nghìn đồng/kg.

Theo Sở NN-PTNT, những năm gần đây, cây vải được nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh (tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, Krông Pắc, Krông Năng, M’Đrắk, thị xã Buôn Hồ…) lựa chọn để chuyển đổi cây trồng trên những vùng đất xấu, hoặc những vườn cà phê, tiêu kém năng suất, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn tỉnh có 336 ha vải, trong đó 245 ha đang cho thu hoạch, với sản lượng hơn 2.100 tấn, gồm các giống vải U Hồng, Phúc Hòa, Hồng Quyết, Bình Khê… Tuy nhiên, việc trồng vải ở nhiều vùng trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu do nông dân phát triển tự phát nên giá cả chưa ổn định. Chính vì vậy, việc nông dân đang mở rộng diện tích sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về thị trường tiêu thụ.

Cần có sự kết nối sản xuất theo chuỗi

Lợi thế lớn nhất của cây vải ở Đắk Lắk là luôn chín sớm hơn vụ vải ở ngoài Bắc khoảng 1 tháng (vào tháng 4-5) do điều kiện khí hậu khác nhau,  nhưng chất lượng không thua kém các giống vải trồng ngoài Bắc, nên được thương lái thu mua với giá cao hơn. Tuy nhiên, để phát huy được lợi thế này thì khâu sản xuất phải được tổ chức lại theo hướng liên kết chuỗi, bởi hiện nay cây vải vẫn đang ở trong tình trạng “mạnh nhà nào nhà nấy trồng” và tự bán chủ yếu cho thương lái, rất ít hộ kết nối được với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định.

Vườn vải chín sớm của hộ ông Nguyễn Văn Khương (xã Ea Kly, huyện Krông Pắc)

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Tiên cho rằng, muốn phát triển bền vững, trước hết phải chú ý đến khâu giống, bởi cây vải khá nhạy cảm với thời tiết nên mỗi vùng sẽ có những giống vải phù hợp. Đơn cử như vùng Krông Pắc, Ea Kar thì rất thích hợp với các giống U Hồng, Bình Khê, nhưng cũng giống này trồng ở khu vực thị xã Buôn Hồ thì lại chín muộn hơn ở khu vực trên khoảng 1-2 tuần do khí hậu ở Buôn Hồ lạnh hơn. Mặt khác, việc thống nhất trồng một loại giống sẽ là điều kiện thuận lợi để xây dựng vùng chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như xây dựng thương hiệu và kết nối thương mại cho sản phẩm với thị trường trong nước và nước ngoài.

Theo các nông dân sản xuất, vải vẫn là cây trồng khá mới mẻ đối với người trồng cà phê, việc chăm sóc đòi hỏi phải đúng kỹ thuật thì cây mới ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Tuy nhiên, hiện nay ở tất cả các khâu từ cây giống, trồng, chăm sóc, thu hái… đều do bà con tự học hỏi lẫn nhau là chính mà chưa có sự vào cuộc của ngành Nông nghiệp. Vì vậy, bà con mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, nhất là về kết nối thương mại và khâu bảo quản, chế biến sản phẩm để vừa nâng cao giá trị, vừa bảo đảm ổn định đầu ra.

Được biết, hiện các địa phương trồng vải nhiều cũng đang manh nha thành lập các hợp tác xã về vải để liên kết nông dân sản xuất theo hướng VietGAP. Nếu làm được điều này, việc kết nối thương mại với các doanh nghiệp để hướng đến sản xuất bền vững sẽ dễ dàng hơn.

Minh Thuận

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ