A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thận trọng khi mua hàng trực tuyến

13:36 | 14/07/2018

Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, xu hướng mua sắm online bùng nổ. Tuy nhiên, việc mua sắm giao dịch thương mại điện tử vẫn cần được khuyến cáo, vì không ít điều “bất như ý” đã xảy ra.

Mua sắm trực tuyến tiềm ẩn nhiều rủi ro Ảnh: Quang Vinh.

Những con số ấn tượng

Giới chuyên gia đánh giá, với một quốc gia có đến 53% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam  đang rất sôi động và sẽ  bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam rất lớn.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đưa ra trong Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018, tốc độ tăng trưởng năm 2017 so với năm trước ước tính trên 25%.

Nhiều DN cho biết tốc độ tăng trưởng năm 2018 sẽ duy trì ở mức tương tự.

Theo Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, những năm gần đây, với sự ra đời của hàng loạt các website thương mại điện tử như Lazada, Sendo, Adayroi… người tiêu dùng trong nước đang ngày càng trở nên quen dần với việc mua sắm online.

Thị trường mua sắm trực tuyến đang ngày càng thu hút nhiều thành phần tham gia, nhất là các DN khởi nghiệp.  

Thị trường mua sắm trực tuyến trở nên sôi động hơn khi người tiêu dùng trẻ tham gia vào việc mua bán trên mạng xã hội ngày càng nhiều. 

Bà Đặng Thúy Hà- trưởng đại diện Công ty Nghiên cứu thị trường  Nielsen Hà Nội cho biết, hiện tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có quy mô 4 tỷ USD (khoảng 100.000 tỷ đồng).

“Việc số lượng người sử dụng smart phone tăng lên nhanh chóng tại Việt Nam đã và đang tạo điều kiện cho phát triển thương mại điện tử. Bởi lẽ, tỷ lệ sử dụng smart phone là trên 70%, ở các vùng nông thôn tỷ lệ này cũng lên tới 50%”- bà Hà nhận định. 

Trung bình mỗi người sử dụng internet ở Việt Nam đang chi 160 USD/ năm cho thương mại điện tử.

Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển và có thể duy trì mức 22% hàng năm.

Một báo cáo nghiên cứu mới nhất của CBRE Việt Nam, được thực hiện thông qua ghi nhận ý kiến khoảng 1.000 người tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, cho biết, 25% người tiêu dùng được khảo sát dự định sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng thực tế.

Trong khi đó, 45-50% cho rằng, sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính để bàn/máy tính xách tay hay điện thoại thông minh/máy tính bảng, thường xuyên hơn trong tương lai.

Kết quả khảo sát năm 2018 của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy, số người tiêu dùng chọn mua online đã tăng gấp ba lần (2,7%) so với năm 2017 (0,9%).

Ngoài ra, kết quả khảo sát còn ghi nhận, tất cả các sản phẩm tiêu dùng ít nhiều đều được người tiêu dùng mua online.

Thận trọng nếu không muốn tiền mất tật mang

Phần lớn người tiêu dùng đánh giá, sử dụng các dịch vụ mua sắm online rất tiện lợi, tiết kiệm nhiều chi phí.

Tuy nhiên, mặt trái của việc tiện lợi này cũng không ít. Đó là tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” của nhiều trang bán hàng online.

Không ít người tiêu dùng đã nhận “trái đắng” khi đặt hàng trên mạng, ảnh nhìn thấy một kiểu mà hàng thực nhận về lại là một kiểu khác.

Chị Phan Thùy Dương, ở Đội Cấn, Ba Đình Hà Nội cho biết, chị đặt mua hàng online hai chiếc áo của người bạn học cũ.

“Nghĩ là mua của người quen sản phẩm sẽ yên tâm như hình ảnh quảng cáo thế nhưng đến khi nhận hàng về, thì hoàn toàn khác, và tôi đã không mặc nổi hai chiếc áo đó một ngày nào” – chị Dương cho biết.

Chị Dương chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mua hàng online “bị hớ”.

Giới chuyên gia kinh tế khuyến cáo, người tiêu dùng cần phải rất tỉnh táo, thận trọng khi mua sắm qua kênh bán hàng trực tuyến.

Sự việc của Lazada – một kênh mua sắm trực tuyến có thương hiệu lớn  đang lùm xùm trên mạng cũng là một minh chứng cho những bất cập trong giao dịch thương mại điện tử hiện nay.

Cụ thể, theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), trong năm 2017, Cục đã tiếp nhận một số lượng lớn đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ khi mua bán hàng tại Lazada.

Các vụ việc chủ yếu tập trung vào những hành vi như chậm giao hàng, giao hàng không đúng như quảng cáo, giao hàng cũ đã qua sử dụng, không xuất hóa đơn, hàng chất lượng kém… 

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết, dù Lazada đã giải quyết các trường hợp khiếu nại nhưng do người tiêu dùng tiếp tục phản ánh các vấn đề lặp lại trong quá trình kinh doanh của Lazada nên Cục sẽ kết hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hoạt động của DN này trong thời gian tới.

Kết quả thanh kiểm tra sẽ được cơ quan có thẩm quyền công bố theo đúng quy định của pháp luật - đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho hay; đồng thời khuyến cáo, để tránh tình trạng “tiền mất tật mang” khi mua sắm online, người tiêu dùng phải rất cảnh giác, tỉnh táo với các hình thức mua sắm từ xa. Với hình thức mua sắm này, người tiêu dùng không có cơ hội quan sát trực tiếp sản phẩm nên rất dễ mua phải sản phẩm khác xa so với quảng cáo…

Nếu được yêu cầu trả tiền trước và không được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm để kiểm tra, người tiêu dùng có quyền từ chối nhận hàng và yêu cầu hoàn trả lại cho nơi bán.    

Minh Phương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ