A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Kiềm chế lạm phát

09:16 | 06/08/2018

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nếu chỉ lo tăng trưởng mà không lo lạm phát thì không ổn định,...

....nhất là đời sống công nhân, nông dân. Tăng trưởng phải bền vững, phải đi đôi với kiềm chế lạm phát. Không dùng lạm phát để “bôi trơn” cho tăng trưởng.

Ổn định giá cả hàng tiêu dùng là giải pháp quan trọng kiềm chế lạm phát.

Theo Tổng cục thống kê, “có chuyển biến tích cực, kết quả tháng 7 khả quan hơn, tốt hơn tháng 6. Lạm phát được kiểm soát. CPI tháng 7 đã giảm 0,09% so với tháng trước. Các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng tốt. Khách du lịch quốc tế đạt hơn 9 triệu lượt người, tăng hơn 25%. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Tình hình an ninh trật tự ổn định. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng”.

Thế nhưng một nỗi lo nhất trong các nỗi lo của nền kinh tế hiện nay đó là dù nền kinh tế vẫn tiếp tục đà tăng trưởng nhưng đang phải đối mặt với nguy cơ lạm phát. Tại sao chúng ta lại lo ngại vấn đề lạm phát đến như vậy là bởi, cũng giống tất cả những vấn đề khác, lạm phát có hai mặt. Về mặt tích cực, lạm phát (tỷ lệ tăng giá mang giá trị dương) vừa phải sẽ có lợi cho nền kinh tế. Đây sẽ là “dầu bôi trơn” cho nền kinh tế. Bởi, mức lạm phát vừa phải làm cho chi phí thực tế mà nhà sản xuất phải chịu để mua đầu vào lao động giảm đi. Điều này khuyến khích nhà sản xuất đầu tư mở rộng sản xuất. Việc làm được tạo thêm. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm.  

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại nếu lạm phát quá mức sẽ bóp méo mức độ khan hiếm tương đối (phản ánh qua giá cả) của các nguồn lực sản xuất và do đó bóp méo các quyết định đầu tư và sự phân bổ các nguồn lực khan hiếm này. Không những thế, lạm phát còn làm giảm mức khấu trừ thực tế cho phép trong thuế doanh nghiệp đối với khấu hao tài sản cố định và làm tăng giá thuê tư bản, do đó làm giảm tích lũy vốn, dẫn đến giảm năng suất… Nói một cách nôm na, lạm phát tức là hàng hoá bị tăng giá. Hàng hóa tăng giá thì nhà sản xuất có lời. Lạm phát vừa phải - tức tăng giá vừa phải - thì người tiêu dùng còn chịu nổi. Lạm phát quá thì người tiêu dùng nhất là người nghèo lâm vào cảnh khốn khó vì tiền mất giá, số kiếm được sẽ không đủ chi tiêu nếu hàng hóa tăng quá mức. Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ rõ, kiên định với mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra nhưng đi kèm với nó là kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận diện rất rõ một trong những thách thức lớn của nền kinh tế Việt Nam năm nay là xuất hiện nhiều sức ép mới lên lạm phát. Việc kìm giữ lạm phát theo mục tiêu đã đề ra là dưới 4% đã sớm được Chính phủ đặt quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt, chủ động phân tích sớm các tác động từ diễn biến giá cả, thị trường thế giới, đưa ra các giải pháp điều hành kịp thời. Theo đó, ngay khi CPI có dấu hiệu tăng lên, Chính phủ đã quyết liệt các giải pháp kiểm soát đà tăng của lạm phát. Thế nên, sau khi tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, CPI tháng 7-2018 đã quay đầu giảm 0,09% so với tháng trước.

Nhận định về tình hình lạm phát, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sức ép lạm phát còn lớn, nhất là trong bối cảnh lãi suất thế giới đang tăng, tỉ giá tăng, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và đặc biệt, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ -Trung Quốc đang diễn ra… 

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng, giữ đà cho tăng trưởng, không chỉ năm nay mà cả các năm 2019, 2020. “Tinh thần lớn nhất vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin doanh nghiệp, ngăn chặn nguy cơ tốc độ tăng trưởng đảo chiều sau 2 năm đầy thử thách”, Thủ tướng nói: “Phát triển kinh tế nhưng phải chú trọng vấn đề môi trường, đặc biệt, chú trọng an toàn cho người dân tốt, kể cả an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn trước lũ, bão”.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ trực tiếp chỉ đạo sát sao hơn, quyết liệt hơn, triển khai các giải pháp, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh cần có kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, giao trách nhiệm kiểm tra đôn đốc trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là tháo gỡ thể chế đang ràng buộc sự phát triển của đất nước.

Giảm giá một số mặt hàng thiết yếu

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ -Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá  vừa yêu cầu giảm giá một số mặt hàng thiết yếu để kiềm chế sự gia tăng của CPI. Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng. Điều tiết tốt lượng tiền trong lưu thông, đảm bảo thanh khoản thông suốt. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định tỷ giá, điều hành lạm phát cơ bản năm 2018 khoảng 1,6%.

Về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, trên cơ sở các kịch bản điều hành giá đã được thống nhất, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát để đẩy nhanh thực hiện giảm giá các mặt hàng có khả năng giảm giá (như dịch vụ sử dụng đường bộ BOT, thuốc chữa bệnh cho người, vật tư y tế); đối với các mặt hàng giá thị trường có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, cần rà soát, đánh giá kỹ về cung cầu thị trường, tăng cường công tác dự báo để kịp thời có các biện pháp điều hành phù hợp.

Cụ thể đối với mặt hàng nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có biện pháp cụ thể để bình ổn giá mặt hàng thịt lợn; tổ chức triển khai thực hiện ngay việc rà soát để cập nhật thông tin, nắm bắt hiện trạng số lượng đàn lợn, tổng lượng cung thịt lợn, trên cơ sở đó có kịch bản và đề xuất biện pháp điều hành cung cầu cụ thể báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo. Đối với các mặt hàng nông sản khác, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, kiểm soát chặt chẽ cung cầu, tăng cường công tác dự báo để có ứng phó kịp thời với các biến động bất thường từ thị trường cũng như tình hình thiên tai, bão lụt có thể xảy ra.

Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, trích lập và sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá linh hoạt với liều lượng thích hợp; trường hợp có biến động lớn về giá xăng dầu cần phải tính đến việc tạm không trích quỹ trong một thời gian để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát các chi phí liên quan đến vận hành và khai thác để thực hiện kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án BOT. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chủ động nắm bắt thông tin, tính toán đăng ký lộ trình tăng giá của địa phương, phân bổ và kiểm soát mức độ tăng giá dịch vụ giáo dục cho phù hợp. Các dịch vụ công do nhà nước định giá khác cần xem xét, tính toán kỹ kịch bản điều hành, hạn chế việc điều chỉnh giá trong tháng 9 là thời điểm diễn ra năm học mới.

Đối với các mặt hàng thuộc thẩm quyền định giá của địa phương, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chú trọng rà soát các yếu tố chi phí, đánh giá kỹ tác động lên mặt bằng giá tại địa phương nói riêng và mặt bằng giá cả nước nói chung, tránh tăng khi chưa có đủ các điều kiện phù hợp.

Không chủ quan

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, các dữ liệu ghi nhận, hiện lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức thấp. Giá cả tăng vừa qua hoàn toàn do diễn biến hàng hóa thị trường, đặc biệt là giá thịt lợn. Nghiên cứu của CIEM cũng đi đến kết luận rằng lạm phát không chịu ảnh hưởng của yếu tố tiền tệ. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm không dựa vào mở rộng tiền tệ. 

So với trước đây, Việt Nam hiện đã có thêm nhiều kinh nghiệm và bình tĩnh hơn để ứng phó với tác động bất lợi từ những diễn biến kinh tế thế giới. Tuy nhiên, không chủ quan, không nên bằng lòng với những gì đạt được bởi nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như mức độ chuyển biến về chất lượng tăng trưởng còn chưa thực sự rõ nét; áp lực lạm phát còn hiện hữu; khả năng duy trì đà cải cách kinh tế vi mô nói chung và cải cách môi trường kinh doanh nói riêng là một dấu hỏi lớn...

“Không quá lo lắng với tăng trưởng, nhưng cũng không chủ quan với lạm phát và không nên nới lỏng chính sách tiền tệ, không nên ép giảm lãi suất. Phải linh hoạt trong điều hành để tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,71%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 12,11% với thặng dư thương mại dự báo ở mức 1,2 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2018 tăng 3,93%”- ông Cung nói.

Nguyên Khánh

 

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ