A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

NÓI THẲNG: Độc quyền sách giáo khoa mà lỗ thì nên giải tán

15:30 | 23/09/2018

Bàn dân thiên hạ hết sức bất ngờ trước thông tin do lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam công bố mới đây: Mỗi năm, NXB này lỗ 40 tỉ đồng mảng in và phát hành sách giáo khoa (SGK).

Sở dĩ lỗ, theo lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam, là vì các chi phí đầu vào như giá giấy, công in, phát hành, vận chuyển đều tăng trong khi giá bán không được tăng.

8 năm qua, giá bán SGK không thay đổi bởi đây là mặt hàng được quản lý giá. Toàn bộ các chi phí in ấn và phát hành SGK NXB phải tự hạch toán, tự cân đối; hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ, đồng thời phải hoàn thành nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với nhà nước (?!).

Những yếu tố trên khiến doanh thu phát hành SGK vẫn không thể đủ bù đắp chi phí, dẫn đến hoạt động xuất bản, phát hành SGK luôn bị lỗ. NXB đã sử dụng các nguồn thu khác để bù đắp lỗ của hoạt động xuất bản phát hành SGK mỗi năm trên dưới 40 tỉ đồng.

Theo "Báo cáo Kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 tại NXB Giáo dục" ngày 26-1-2018, Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận: Doanh thu SGK năm 2015 là 656,6 tỉ đồng; kết quả kinh doanh mảng SGK lỗ 43,8 tỉ đồng. Doanh thu SGK năm 2016 là 735,2 tỉ đồng; kết quả kinh doanh mảng SGK lỗ 43,3 tỉ đồng. Năm 2017 doanh thu SGK 703,9 tỉ đồng, lỗ 38,14 tỉ đồng.

Cứ tạm tin lời lãnh đạo NXB này, dù sao cũng đã có kiểm toán hay thuế xác nhận. Nhưng nên nhớ, đây chỉ là số liệu trên sổ sách kế toán và chỉ mới là một phần của sự thật. NXB này (có thể) chỉ lỗ mảng SGK, còn tổng thể thì vẫn ăn nên làm ra.

Báo Tiền Phong dẫn số liệu tài chính mới nhất được NXB gửi đến Cục Phát triển Doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cách đây vài ngày cho biết: Năm 2017, sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận thuần của NXB Giáo dục tăng hơn gấp đôi năm 2016, đạt 145 tỉ đồng. Cộng thêm khoản lợi nhuận khác gần 5,8 tỉ đồng, NXB này ghi nhận có tới 150,8 tỉ đồng tổng lợi nhuận kế toán trước thuế (tăng gần 2,1 lần so với năm 2016). Lãi ròng năm 2017 theo đó tăng mạnh gấp 1,9 lần lên 139,8 lần so với năm 2016.

Với kết quả kinh doanh như trên, đến cuối 2017, NXB Giáo dục đang có khoảng 171,1 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Kế hoạch trong năm nay của đơn vị này là 1.180 tỉ đồng tổng doanh thu, doanh thu thuần đạt 1.130 tỉ đồng. Lãi trước thuế 82 tỉ đồng và lãi sau thuế 74,6 tỉ đồng.

Trừ đi khoảng 40 tỉ tiền lỗ mỗi năm (tính riêng bình quân 3 năm qua) thì lãi hằng năm của NXB Giáo dục đều trên 100 tỉ đồng.

Vậy là đã rõ. Lẽ nào NXB Giáo dục chỉ công bố khoản lỗ (chưa chắc là thật) của mảng SGK để "hạ nhiệt" sự công kích của dư luận, tìm kiếm sự sẻ chia và thông cảm từ dư luận xã hội? Trong khi đó cố tình ém đi con số tổng - cho thấy NXB chẳng khó khăn chút nào! Lãi hơn 100 tỉ mỗi năm mà khó khăn gì?!

Thiệt tình, in và phát hành SGK - mặt hàng đặc biệt và béo bở vô đối - hàng chục năm qua hoàn toàn không cạnh tranh, luôn luôn đắt khách, mà nói lỗ thì chẳng ai tin, báo lỗ 40 tỉ đồng/năm càng khó tin. Theo quy luật kinh tế, lĩnh vực nào mà độc quyền thì kèm theo đặc quyền và đặc lợi, lỗ là điều không tưởng.

Lỗ thì sao không xoá độc quyền, cho đấu thầu, nhiều thành phần kinh tế cùng cạnh tranh in và phát hành SGK? Lỗ mà sao NXB Giáo dục vẫn "ôm cứng" mảng này và lãnh đạo doanh nghiệp thì vẫn ung dung tại vị? Lỗ thì tại sao không in một bộ SGK dùng cho nhiều năm, thay vì năm nào cũng in mới và mua mới, để giảm chi phí "ngày càng tăng" như lãnh đạo NXB kêu ca?

Những khuất tất và vô lý về độc quyền in, phát hành SGK đã nói quá nhiều, Bộ GD-ĐT qua nhiều nhiệm kỳ bộ trưởng chắc chắn đã nhìn thấy nhưng đến tận bây giờ, khi cách đây vài ngày, các Đại biểu Quốc hội họp và lên tiếng mạnh mẽ thì Bộ GD-ĐT mới thành lập đoàn kiểm tra đến NXB Giáo dục làm việc. 

Chẳng kỳ vọng mấy về kết quả kiểm tra sắp tới nếu thế độc quyền không được Bộ GD-ĐT tình nguyện phá dỡ. 

Liên tưởng đến trường hợp Petrolimex. Trước 2012, tập đoàn nhà nước này (trước đó là tổng công ty) liên tục báo lỗ, dù thống lĩnh thị trường xăng dầu. Người ta bảo đó là lỗ giả - lãi thật. Sau 2012 đến nay, qua hơn 5 năm cổ phần hoá, Petrolimex năm nào cũng báo lãi ngàn tỉ. Ví dụ 2017 doanh thu 156.000 tỉ đồng, nộp ngân sách 36.000 tỉ đồng, vượt 10% so với năm 2016.

Thôi độc quyền, có cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch tài chính, chịu sự giám sát của các cổ đông và xã hội thì mới lành mạnh và đáng tin.

Còn trường hợp báo lỗ của NXB Giáo dục, tin hay không, tuỳ bạn!

Phong Ba

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ