A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cắt bỏ giấy phép con: Khó vẫn… hoàn khó

08:34 | 25/09/2018

Theo nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù về hình thức, có thể thấy, các bộ, ngành đã và đang ra sức cắt giảm điều kiện kinh doanh, giấy phép con,...

.... tuy nhiên, có những quy định điều kiện kinh doanh chỉ được cơ quan soạn thảo hạ thấp điều kiện, sửa một vài điểm nhỏ, thậm chí chỉ sửa câu, chữ và cũng được tính như là cắt bỏ.

Nhiều thủ tục hành chính vẫn làm khó doanh nghiệp. Ảnh: TL.

Trong khi đó, điều kiện kinh doanh mới vẫn tiếp tục ra đời. Giới chuyên gia kinh tế tiếp tục đưa ra khuyến cáo, cắt bỏ điều kiện kinh doanh cần phải thực chất hơn chứ không chỉ là hình thức, là hô hào… 

Cắt bỏ điều kiện kinh doanh theo tinh thần Nghị định 19 của Chính phủ xem ra vẫn chưa thực chất khi mà con số DN phá sản vẫn đang gia tăng trong 8 tháng đầu năm 2018. Đáng chú ý, nhiều DN cho biết, có những quy định khiến cho chi phí của DN bị đội lên gấp nhiều lần, thành ra khó vẫn hoàn khó.

DN đội gấp đôi chi phí vì một quy định

Chia sẻ với PV, giám đốc một DN chuyên nhập khẩu máy bơm cho biết, quy định về dán nhãn hiệu suất năng lượng hiện đang gây khó cho DN này. “Nếu như trước đây, chi phí nhập khẩu một chiếc máy bơm chỉ mất 25 triệu đồng, thì nay với quy định  phải dán nhãn hiệu suất năng lượng, chi phí của chúng tôi đội lên gần gấp đôi, khoảng 45 triệu đồng để có thể nhập khẩu một chiếc máy bơm. Như vậy, tôi không hiểu nhà quản lý đang bãi bỏ các thủ tục điều kiện kinh doanh để gỡ khó cho DN hay là lại thêm các điều kiện khiến DN phải đội thêm chi phí. Với quy định này, chúng tôi thấy DN đang khó hơn chứ không hề nhẹ gánh đi” – vị này cho biết. 

Trước đó, câu chuyện về quy định dán nhãn hiệu suất năng lượng cũng đã gây xôn xao dư luận khi được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu ra sự việc một DN phải chi tới 149 triệu đồng để dán nhãn hiệu suất năng lượng cho… 4 chiếc tủ lạnh. Câu chuyện được Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ nêu ra tại buổi làm việc với các bộ ngành về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và cắt giảm điều kiện kinh doanh. 

Thực tế trên cho thấy các DN vẫn chưa hết khó khăn. Theo nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù về hình thức, có thể thấy, các bộ ngành đã và đang ra sức cắt giảm điều kiện kinh doanh, giấy phép con, tuy nhiên, có những quy định điều kiện kinh doanh chỉ được cơ quan soạn thảo hạ thấp điều kiện, sửa một vài điểm nhỏ, thậm chí chỉ sửa câu, chữ và cũng được tính như là cắt bỏ. Trong khi đó, điều kiện kinh doanh mới vẫn tiếp tục ra đời. 

Theo VCCI, mỗi năm, có hơn 1.000 văn bản pháp luật được ban hành, hơn một nửa trong số đó là pháp luật kinh doanh. Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa được thực hiện liên tục, thống nhất và đồng đều ở các bộ, ngành, có lúc các bộ thực hiện khá rầm rộ nhưng rồi lại chìm xuống, như chỉ làm theo… phong trào. Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho hay thời gian tuân thủ chứng từ kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam là 76 giờ, trong khi mức bình quân của ASEAN+4 là 28 giờ.

Cần thực chất chứ không hình thức

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về mức độ thiện hại của DN do tác động của những điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính nhiêu khê, song thực tế, số DN phải rời bỏ thương trường chỉ vì gánh nặng giấy phép con, điều kiện kinh doanh là rất rõ ràng. 

Đơn cử như Nghị định 109 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo với hàng loạt những quy định trái khoáy đã khiến nhiều thương nhân ngành lúa gạo phải bước ra khỏi thương trường khi không thể đáp ứng nổi những điều kiện quá khắt khe. Hay Thông tư 37 trước đây của Bộ Công thương quy định bắt buộc xét nghiệm formandehyde (hợp chất hữu cơ gây độc cho sức khỏe con người khi tiếp xúc) đối với sản phẩm dệt may nhập khẩu khiến 6.000 doanh nghiệp trong ngành tốn khoảng 135 triệu USD mỗi năm để thực thi.  

Số liệu thống kê mới đây của Tổng Cục Thống kê cũng là dẫn chứng rõ ràng cho một bức tranh chưa thực sự sáng của môi trường kinh doanh hiện nay. Theo đó, trong 8 tháng đầu năm 2018, cả nước có hơn 72.000 DN tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể và phá sản, lượng tăng hơn 18.000 DN so với cùng kỳ năm trước (tương đương mức tăng khoảng 34%).Đáng lo hơn là số DN ngừng hoạt động, không tiếp tục đăng ký kinh doanh, chờ giải thể tăng 46%, DN phá sản tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước. 

Những con số nói trên và thực tế những câu chuyện của cộng đồng DN tiếp tục gióng lên những tiếng chuông về “lực cản” của các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh vẫn đang có… hiệu lực đối với hoạt động của các DN. Cho dù Chính phủ đã có nhiều động thái để xóa bỏ những lực cản đó, song xem ra, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn còn. 

Giới chuyên gia kinh tế tiếp tục đưa ra khuyến cáo, cắt bỏ điều kiện kinh doanh  cần phải thực chất hơn chứ không chỉ là hình thức, là hô hào, có như vậy mới vực dậy được những DN đang ở tình trạng “hấp hối” và thúc đẩy cộng đồng DN phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.    

Minh Phương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ