A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trăn trở phát triển nghề nuôi chim yến ở Ea Kar

14:35 | 01/10/2018

Trước nhu cầu của người tiêu dùng, những năm gần đây nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ea Kar đã và đang phát triển nghề nuôi chim yến. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại thì nghề này vẫn còn nhiều bất cập.

Nguồn thu từ “lộc trời”

Đầu năm 2016, nhận thấy nghề nuôi chim yến đang phát triển tại địa phương, ông Trương Văn Thu (xã Cư Ni) đã đến các hộ nuôi yến trên địa bàn huyện để học hỏi và làm theo. Gia đình ông đầu tư trên 200 triệu đồng để thuê tư vấn kỹ thuật và sửa lại tầng trên cùng của ngôi nhà đang ở (3 tầng), mua sắm trang thiết bị để dẫn dụ yến. Nhờ nắm chắc kỹ thuật nên chỉ sau 6 tháng là chim yến bắt đầu đến làm tổ. Theo ông Thu, yến là "lộc trời", nếu không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và tính nhân văn trong khai thác chim yến thì yến sẽ rời tổ, bỏ đi. Thời gian thu hoạch yến lý tưởng nhất là vào khoảng 8 giờ sáng, khi yến đi ăn hết, trước khi thu phải quan sát kỹ để tránh những tổ yến đang đẻ, sắp đẻ, đang ấp, đang có con non. Với diện tích nuôi hơn 100 m2 và số lượng đàn yến lên đến khoảng 1.000 cặp, sau gần 2 năm đầu tư gia đình đã thu được khoảng 10 kg yến thô, chủ yếu bán cho người dân và thương lái trên địa bàn với giá bình quân khoảng 22 triệu đồng/kg, cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Sản phẩm yến thô sau khi thu hoạch của gia đình ông Trương Văn Thu (xã Cư Ni)

Nắm bắt nhu cầu sử dụng tổ yến ngày càng gia tăng của người tiêu dùng, gia đình ông Nguyễn Văn Thụy (xã Xuân Phú) cũng xây dựng nhà yến để dẫn dụ yến đến ở. Ông Thụy cho hay, cách đây gần 2 năm, thấy chim yến bay đến xung quanh nhà khá nhiều nên ông đã thuê các chuyên gia ở TP. Hồ Chí Minh lên khảo sát. Sau khi được chuyên gia đánh giá khu vực gia đình đang ở đạt tiêu chuẩn, giữa năm 2017, ông đầu tư gần 600 triệu đồng để xây dựng nhà nuôi yến tách biệt phía sau khu nhà ở của gia đình với diện tích 220 m2. Đến nay, yến đã vào làm tổ và cơ bản có thể thu nhưng gia đình vẫn chưa thu hoạch,  dự định chờ thêm một thời gian nữa để tăng số lượng đàn bởi yến đang bước vào giai đoạn sinh sản.

Được biết, từ hơn hai năm nay, khu vực này có khá nhiều hộ nuôi chim yến với số lượng đàn lên đến cả nghìn cặp.

Sớm định hướng phát triển nghề nuôi chim yến

Hiệu quả của nghề nuôi yến đã rõ khi người dân chỉ cần đầu tư một lần là có thể khai thác lâu dài. Theo quy trình nuôi yến của các nông hộ, mức đầu tư mỗi nhà yến từ 200 - 600 triệu đồng, tùy vào diện tích nuôi. Để dẫn dụ được chim yến làm tổ cần khoảng thời gian trên dưới 6 tháng; khi yến đã vào ở ổn định thì rất khó  di dời nhà yến. Tuy nhiên, việc phát triển nghề này cũng nảy sinh nhiều vấn đề . Yến là chim trời, không rõ ràng nguồn gốc, ban ngày thường bay đi kiếm ăn, khó phát hiện và kiểm soát khi không may xảy ra dịch bệnh. Ngoài ra, việc dẫn dụ chim yến làm tổ cần có máy phát liên tục 24/24 giờ, trong khi đó hiện nay vẫn chưa có quy hoạch, quy định về địa điểm nuôi chim yến, đa số các nhà nuôi yến đều nằm trong khu dân cư đang gây khó khăn cho các địa phương trong công tác quản lý và phát triển nghề này.

Anh Nguyễn Văn Thụy (xã Xuân Phú) kiểm tra hệ thống máy phát dẫn dụ yến.

 

“Trước mắt, cần hỗ trợ quy trình kỹ thuật nuôi yến thông qua các lớp tập huấn, tham quan cho nông hộ cũng như định hướng quy hoạch vùng nuôi yến nhằm khai thác và bảo vệ hiệu quả nguồn lợi từ loại chim trời này”.

 
Ông Trương Văn Thu (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) kiến nghị

Theo anh Phạm Xuân Toàn, cán bộ nông nghiệp xã Xuân Phú thì địa phương hiện nay mới chỉ có 4 điểm nuôi yến với quy mô từ 200m2 - 700m2/điểm. Việc nuôi yến của các nông hộ mới chỉ bắt đầu khoảng vài năm trở lại đây nhưng lượng yến đổ về khá nhiều, một số hộ dân khác trên địa bàn cũng bắt đầu khảo sát với dự định xây dựng nhà nuôi yến. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Ea Kar, hiện nghề nuôi chim yến trên địa bàn có xu hướng phát triển khá mạnh. Chủ yếu các hộ nuôi yến tự phát, không đăng ký giấy phép chăn nuôi với ngành chức năng và hiện tại địa phương vẫn chưa có quy hoạch nên vẫn khó định hướng phát triển bền vững nghề chăn nuôi này cho các hộ dân. Đó là chưa nói việc các máy phát sóng dẫn dụ yến gây tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống của những hộ dân xung quanh.

Từ thực trạng đó, thiết nghĩ, để nghề nuôi chim yến có thể phát triển bền vững, góp phần bảo tồn được quần thể đàn yến, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng.

Hồng Thanh

 

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ