A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khi người dân chủ động vươn lên thoát nghèo

13:46 | 07/12/2018

Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, nhiều hộ dân ở xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, chủ động phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Thôn nhiều năm không có hộ nghèo

Gần 5 năm nay, thôn Mới đã trở thành điểm sáng trong phong trào xóa đói giảm nghèo của địa phương với nhiều mô hình trồng rau, chăn nuôi theo hướng trang trại, đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định. Ông Nguyễn Thế Triều, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Mới cho biết: “Thôn Mới có 139 hộ dân, khoảng 45% số hộ là cán bộ công chức, còn lại hầu hết bà con chủ yếu phát triển kinh tế dựa vào việc trồng cây công nghiệp. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, người dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại  hiệu quả kinh tế cao nên đời sống ngày càng được cải thiện”.

Những con đường nội thôn ở thôn Mới (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) được bê tông hóa sạch đẹp nhờ sự đóng góp của người dân

Một mô hình phát triển sản xuất đang được nhiều người dân trong thôn lựa chọn là trồng rau sạch, hiện có 12 hộ tham gia với tổng diện tích hơn 4 ha. Hộ anh Nguyễn Văn Tùng có 5 sào trồng các loại rau: cải xanh, su hào, súp lơ, xà lách, rau mùi… trước đây chủ yếu trồng theo phương pháp thủ công, nhưng khoảng 2 năm nay, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà lưới và mô hình tưới tiết kiệm trên diện tích khoảng 2 sào. Với cách làm này, rau khi thu hoạch vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vừa tiết kiệm công lao động cho gia đình, hơn thế nữa là dễ dàng tiêu thụ mà giá thành cũng cao hơn.

Từ các chương trình, chính sách hỗ trợ hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, trong năm 2018, xã Hòa Hiệp có 39 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo toàn xã xuống còn 120 hộ (chiếm tỷ lệ 4,94%).

Theo ông Triều, từ năm 2015 đến nay, trong thôn không còn hộ nghèo, chỉ duy nhất năm 2017 có một hộ cận nghèo đến nay cũng đã vươn lên khá giả. Hiện nay thu nhập bình quân của người dân trong thôn là 29 triệu đồng/người/năm. Điều đáng mừng nữa là khi đời sống được nâng cao, nhân dân trong thôn đã đoàn kết, góp sức xây dựng nông thôn mới, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn. Cụ thể, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân trong thôn đã đóng góp trên 1 tỷ đồng làm đường, xây dựng nhà văn hóa thôn và kéo điện chiếu sáng các tuyến đường.

Giúp người dân thoát nghèo bền vững

Chính quyền xã Hòa Hiệp luôn xác định, muốn giảm nghèo cho các hộ dân phải tập trung giải quyết các vấn đề như nhà ở, nguồn vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động… Do đó, qua khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ trên địa bàn, địa phương đã đứng ra tín chấp để bà con được vay vốn phát triển sản xuất. Đồng thời, thường xuyên phối hợp mở các lớp hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao nhiều phương thức canh tác, chăn nuôi mới đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân chủ động trong phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đơn cử như gia đình bà Nguyễn Thị Yến (thôn Thành Công) từ số tiền 15 triệu đồng vay Ngân hàng Chính sách xã hội, bà đã đầu tư nuôi bò sinh sản. Để tạo nguồn thức ăn cho bò, bà tận dụng hơn 1 sào đất khô cằn bỏ hoang phía sau nhà để trồng cỏ. Sau hơn 2 năm, từ cặp bò mẹ con đã tăng lên 4 con. Với sự cần cù, chịu khó, dù chồng đã mất nhiều năm nay, một mình bà vẫn cố gắng nuôi 5 người con ăn học; trong đó có 2 người đã tốt nghiệp đại học. Mới đây gia đình bà đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Yến (thôn Thành Công) chăm sóc đàn bò của gia đình

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp cho biết: Những năm qua địa phương luôn thực hiện tốt công tác giảm nghèo và vượt chỉ tiêu trên giao. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo chủ yếu tập trung ở 2 buôn Kpung và Cư Knao. Do đó, xã tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng đời sống của hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn.

Những nỗ lực của các cấp, ngành và sự chủ động vươn lên của các hộ dân không chỉ góp phần vào việc nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân mà còn đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thúy Hồng

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ