A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Dẹp loạn "tín dụng đen" (Kỳ 2)

13:29 | 10/01/2019

Kỳ 2: Đấu tranh với “tín dụng đen”

Trước vấn nạn "tín dụng đen" (TDĐ) vươn “vòi bạch tuộc” ra khắp nơi, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân, khiến tình hình an ninh trật tự phức tạp, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ ra quân triệt phá, đẩy lùi TDĐ.

Đánh sập nhiều hang ổ “tín dụng đen”

Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh cho biết, để đẩy lùi loại hình tội phạm này, Công an tỉnh đã có Kế hoạch số 354 ngày 4-10-2018 về đấu tranh chống tội phạm liên quan đến hoạt động TDĐ trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung lực lượng để rà soát, lên danh sách đối tượng, nắm tình hình, đấu tranh làm rõ các hành vi phạm tội liên quan đến TDĐ như cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích… nhằm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Từ khi triển khai kế hoạch đấu tranh chuyên đề về TDĐ đến nay, Công an tỉnh đã đấu tranh, triệt phá, làm tan rã 24 nhóm với 91 đối tượng; 5 đối tượng hoạt động đơn lẻ và 21 cơ sở kinh doanh có liên quan.

Điển hình là ngày 2-10-2018, tại TP. Buôn Ma Thuột, Công an tỉnh phát hiện, đấu tranh triệt phá nhóm 9 đối tượng cho vay nặng lãi người Hải Phòng do Bùi Văn Thịnh (sinh năm 1993, trú tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cầm đầu. Qua điều tra cho thấy, nhóm đối tượng này đã cho 296 hộ dân vay, với tổng số tiền 2,6 tỷ đồng, trong đó 40 hộ là người dân tộc thiểu số. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố, bắt tạm giam 4 đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Công an tỉnh bắt giữ một nhóm đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động ở TP. Buôn Ma Thuột.

Một vụ việc khác vào ngày 2-11-2018, Công an TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra lưu trú tại hai địa điểm số 54 đường Đặng Trần Côn, phường Tân Thành và thôn 1, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đã phát hiện 6 đối tượng gồm: Đỗ Trường Minh, Nghiêm Viết Quang, Phan Đình Hải, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Văn Biền và Đinh Quang Đức từ tỉnh Hải Dương vào Đắk Lắk cho vay lãi nặng. Theo đó, khoảng tháng 8-2018, các đối tượng này góp vốn cho vay tiền lấy lãi nhưng do chưa có tư cách pháp nhân nên chúng đã liên hệ với Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hùng Phát ở thôn 7, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk để mở chi nhánh hoạt động tín dụng tại TP. Buôn Ma Thuột. Để quản lý quá trình hoạt động, chúng mua một tài khoản của phần mềm quản lý tại webside “camdo.biz” có tên đăng nhập “hungphat21”. Qua quá trình trích xuất dữ liệu tại tài khoản “hungphat21”, lực lượng chức năng xác định có 45 người vay với tổng số tiền trên 380 triệu đồng dưới hình thức tín chấp (sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân) và trả góp với mức lãi suất từ 0,4%/ngày/triệu đến 0,7%/ngày/triệu. Ngoài ra, quá trình đấu tranh khai thác lực lượng chức năng còn phát hiện đối tượng Nghiêm Viết Quang sử dụng một tài khoản của phần mềm quản lý tại webside “camdo.biz” có tên đăng nhập “hungphat999” để quản lý 44 người vay khác với tổng số tiền trên 600 triệu đồng.

Tại huyện Ea H’leo, ngày 21-11-2018, Công an huyện đã triệt xóa 2 cơ sở cho vay tiền tại xã Ea Ral và Ea Nam với 8 đối tượng thuộc Công ty TNHH MTV Tài chính Hùng Phát do Nguyễn Hữu Hùng (sinh năm 1986, trú tại TP. Buôn Ma Thuột) làm Giám đốc. Cơ quan chức năng thu giữ 68 hợp đồng cho vay, với tổng số tiền 2 tỷ đồng, 125 triệu đồng tiền mặt và 1.315 tờ rơi.

Gần đây nhất, ngày 11-12-2018, tại huyện Krông Năng, lực lượng công an đã tiến hành kiểm tra hành chính 3 cơ sở có biểu hiện liên quan đến hoạt động TDĐ, do đối tượng Phạm Văn Thư (SN 1972 trú tại xã Ea Sô, huyện Ea Kar) làm chủ. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận từ tháng 8-2018 đến nay đã cho 948 lượt người vay với tổng số tiền hơn 4,3 tỷ đồng.

Hiện các vụ việc này đang được cơ quan chức năng tập trung điều tra xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tỉnh táo tránh mắc bẫy "tín dụng đen"

Theo Đại tá Nguyễn Văn Bôn, Trưởng Công an TP. Buôn Ma Thuột, hiện nay, việc xử lý tội phạm TDĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: các đối tượng cho vay còn nhiều thủ đoạn tinh vi; giấy vay tiền không thể hiện lãi suất, người vay tiền tín dụng đen là tự nguyện nên khi xảy ra mâu thuẫn thường e ngại, không hợp tác với cơ quan chức năng vì sợ liên đới hoặc bị trả thù; hình phạt với đối tượng vi phạm còn nhẹ chưa đủ sức răn đe…

Đoàn thanh niên Công an huyện Krông Pắc ra quân gỡ bỏ tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay tiền nhanh dán ở khu vực thị trấn Phước An

Đi đôi với công tác đấu tranh, triệt phá các băng nhóm cho vay nặng lãi, lực lượng công an các địa phương cũng tiến hành tiến hành rà soát, kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, cho vay tài chính trên địa bàn; lập danh sách, lý lịch nhân thân các đối tượng có dấu hiệu hoạt động TDĐ để chủ động theo dõi, quản lý. Trước sự quyết liệt của cơ quan chức năng, nhiều đối tượng cho vay nặng lãi đã “rụt vòi”, tự động rút khỏi địa phương. Thượng tá Nguyễn Văn Dân, Phó trưởng Công an huyện Krông Pắc cho biết, qua theo dõi, nắm bắt, toàn huyện có 7 nhóm 25 đối tượng cho vay, cầm đồ có biểu hiện của hoạt động TDĐ. Sau khi lực lượng chức năng làm mạnh đã đẩy được 3 nhóm đối tượng ra khỏi địa bàn và xử lý một vụ việc liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng chú trọng công tác phòng ngừa, tuyên truyền để người dân hiểu về mối nguy hại của TDĐ và nâng cao cảnh giác với tội phạm này. Ngoài ra, Đoàn thanh niên Công an huyện phối hợp với đoàn viên thanh niên tại thị trấn Phước An, xã Tân Tiến bóc gỡ 5.500 tờ rơi quảng cáo về TDĐ.

Dù vậy, theo công an các địa phương, công tác đấu tranh, xử lý tội phạm liên quan đến TDĐ gặp nhiều khó khăn, bởi các nhóm đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động với thủ đoạn tinh vi, công an khó xác định lãi cụ thể và số tiền thu lợi bất chính để làm căn cứ xử lý. Bên cạnh đó, nhiều nạn nhân không dám tố cáo hoặc không hợp tác với cơ quan công an trong quá trình điều tra, xác minh và xử lý.

Theo Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, tình trạng TDĐ, cho vay nặng lãi diễn ra phức tạp từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa, các nhóm này hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức và mạng lưới chân rết ở nhiều nơi, nạn nhân nhiều nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Trước tình trạng này, Công an tỉnh khuyến cáo người dân thận trọng, tỉnh táo để không dính bẫy TDĐ, khi có nhu cầu vay tiền cần đến các tổ chức ngân hàng, tín dụng hợp pháp; phát hiện các đối tượng hoạt động liên quan đến TDĐ thì báo với cơ quan công an để đấu tranh phòng ngừa, xử lý.

Theo quy định, người nào cho vay lãi suất gấp năm lần mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự (khoảng 20%/năm), hưởng lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên là có dấu hiệu phạm tội cho vay lãi nặng. Tùy theo tính chất, mức độ, hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.


(Còn nữa)

Minh Thông - Vạn Tiếp – Hồng Chuyên

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ