A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chuyện về những nông dân làm giàu

13:56 | 11/01/2019

Với sự cần cù, chịu khó, nhạy bén với thị trường, nhiều nông dân ở xã Ea Toh đã vượt khó vươn lên làm giàu, từng bước ổn định cuộc sống.

Vươn lên nhờ cần cù, chịu khó

Trước đây, gia đình ông Hà Văn Luyên (65 tuổi, thôn Tân Thành) có 1,2 ha đất trồng cà phê. Nhận thấy đất đai ở đây màu mỡ, khí hậu ôn hòa thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp, ông Luyên quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Năm 1998, ông bắt đầu trồng xen 100 cây sầu riêng DONA trong vườn cà phê của gia đình.

Để nắm rõ kỹ thuật trồng và chăm sóc, ông thường xuyên tham gia các buổi hội thảo, tập huấn kỹ thuật do địa phương tổ chức; chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ sách báo cũng như các nông hộ khác, đồng thời tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Năm 2010 ông trồng xen thêm 300 trụ tiêu vào vườn cây.

Sau một thời gian chăm bẵm từng ngọn tiêu, gốc sầu riêng, khi bắt đầu thu hoạch, thấy hiệu quả ông quyết định mở rộng dần diện tích. Đến nay gia đình ông đã có 2.200 trụ tiêu, gần 150 cây sầu riêng, mỗi năm mang lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Nhờ vậy ông đã có điều kiện chăm lo cho con cái, xây dựng được nhà cửa khang trang.

Ông Hà Văn Luyên (giữa) đưa cán bộ Hội Nông dân xã Ea Toh tham quan mô hình vườn cây của gia đình.

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, việc phát triển mô hình đa cây, đa con với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” cũng được nhiều nông hộ trên địa bàn lựa chọn. Gia đình ông Nguyễn Văn Dĩnh (thôn Tân Bắc) từ Bắc Giang vào lập nghiệp ở Ea Toh từ năm 1995. Lúc ấy, do chưa có kinh nghiệm sản xuất nên chọn phải giống cà phê kém năng suất. Trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, ông quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cộng với đầu tư vào chăn nuôi mỗi thứ một ít để phát triển.

Trên diện tích hơn 1 ha đất, ông cải tạo và giữ lại 4 sào cà phê của gia đình, trồng xen vào 20 cây sầu riêng DONA, 1.000 trụ tiêu, năm nay tiêu đã bắt đầu cho thu bói 600 trụ. Bên cạnh đó, ông đã đầu tư nuôi 2 con heo nái (trung bình mỗi năm xuất chuồng 4 lứa) và làm chuồng trại nuôi hơn 100 con bồ câu, 200 con vịt, gần 100 con gà để vừa có thực phẩm cải thiện bữa ăn, lại vừa có thu nhập từ việc bán trứng và con giống gia cầm. Theo tính toán, mỗi năm gia đình ông có thu nhập gần 400 triệu đồng từ mô hình đa cây đa con này.

Mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế mới

Ngoài những cây trồng, vật nuôi truyền thống, nhiều hộ nông dân xã Ea Toh đã mạnh dạn đưa vào sản xuất những cây trồng, vật nuôi mới, có giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu là mô hình nuôi giun quế của chị Ngô Thị Ngợi (32 tuổi, thôn Tân Bắc). Tháng 4-2018, từ nguồn vốn đầu tư ban đầu là 25 triệu đồng, chị Ngợi quyết định mua giun quế giống về nuôi thử nghiệm trên diện tích 30 m2. Sau một thời gian,  thấy hiệu quả, chị đã mở rộng quy mô nuôi giun quế lên 100 m2. Chị Ngợi cho biết, giun quế có đặc điểm phát triển nhanh, sinh sản mạnh, thích ứng dễ dàng trong điều kiện môi trường nuôi nhân tạo. Chỉ cần cho ăn và giữ đủ ẩm, đủ tối để giun sinh sản thì việc nhân giống diễn ra rất nhanh, từ 20 – 30 ngày đã có thể nhân đôi diện tích sinh khối.

Chị Ngô Thị Ngợi đang giới thiệu mô hình nuôi giun quế cho cán bộ Hội Nông dân xã Ea Toh.

Phân giun sau khi thu hoạch, ngoài việc cung cấp ra thị trường chị dùng để bón cho vườn cây. Bên cạnh đó, giun quế cũng được chị sử dụng làm thức ăn chăn nuôi cho ngan, gà và dùng phân dê và các phế phẩm nông nghiệp (lá cây, rơm rạ, cỏ…) làm thức ăn cho giun quế, từ đó giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, chủ động được thức ăn cho giun quế. Trung bình mỗi tháng, trên 100 m2 nuôi giun quế, chị Ngợi thu được 5 tấn phân giun, cho thu nhập gần 20 triệu đồng. Mô hình của chị Ngợi đã được nhiều hộ dân trong và ngoài xã đến tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Theo ông Dương Quốc Thế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Toh, những năm qua, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn xã diễn ra rất sôi nổi, hiệu quả. Nhiều nông dân đã mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và đáp ứng nhu cầu thị trường. Hội Nông dân xã cũng đã có nhiều hoạt động trợ giúp nông dân phát triển kinh tế. Trong năm 2018, Hội Nông dân xã Ea Toh đã phối hợp tổ chức 34 buổi hội thảo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tín chấp cho nông dân mua trả chậm 90 tấn phân bón các loại; giúp 269 hộ vay vốn tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ gần 5 tỷ đồng. Nhờ vậy, rất nhiều hộ nông dân đã ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.

Năm 2018, xã Ea Toh có 1.639 hộ đăng ký danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có 945 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Toàn xã hiện có trên 25 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng, hàng trăm hộ thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng trở lên mỗi năm. 

Huyền Diệu

 

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ