A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trồng rừng nguyên liệu chế biến gỗ: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

13:32 | 19/03/2019

Là tỉnh có tiềm năng về phát triển rừng trồng làm nguyên liệu chế biến gỗ, thế nhưng hiện ngành chế biến gỗ Đắk Lắk lại đang đối mặt với nhiều thách thức...

... do thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng trên?

Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 722.140 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng trồng 43.692 ha. Diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là hơn 677.648 ha, gồm: trên 227.813 ha rừng đặc dụng; 79.960 ha rừng phòng hộ; 369.874 ha rừng sản xuất. Năm 2018 trên địa bàn tỉnh đã trồng được hơn 2.958 ha, đạt 229% so với kế hoạch, trong đó trồng rừng sản xuất gần 2.932 ha, chủ yếu thuộc các công ty lâm nghiệp, hộ gia đình. Các đơn vị chủ rừng đã phát huy được tính chủ động trong việc huy động mọi nguồn lực của đơn vị, địa phương nhằm khai thác tốt tiềm năng rừng, đất rừng được giao.

 

 

Công nhân Nhà máy dăm gỗ Hợp tác xã Tiến Nam (huyện M'Đrắk) chuẩn bị vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ. Ảnh: Tiến Ninh

 

Mặc dù tiềm năng về rừng trồng rất lớn, nhưng hiện nay các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ đang loay hoay với nguồn nguyên liệu sản xuất vì không đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động. Điều này đã khiến không ít đơn vị hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động, một số thì chuyển sang ngành nghề khác hoặc phải mua nguyên liệu từ các tỉnh phía Bắc. Nguyên nhân, phần lớn rừng trồng sản xuất hiện nay chủ yếu là rừng nguyên liệu giấy và cây gỗ nhỏ. Việc trồng rừng gỗ lớn để phục vụ sản xuất sản phẩm gỗ tinh chế chưa được quan tâm phát triển.

Theo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy, thực trạng này là do các doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, trong khi trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài, cần vốn đầu tư cao. Vì vậy các chủ rừng thường trồng rừng gỗ nhỏ để xoay vòng nhanh. Đó là chưa kể đến quỹ đất để phát triển rừng sản xuất ngày càng thu hẹp, diện tích phần lớn nằm ở các khu vực có núi đồi cao gây khó khăn cho công tác quản lý và thu hoạch.

Còn Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk cho biết, ngoài 2.000 ha rừng trồng làm nguyên liệu giấy, gỗ nhỏ (chu kỳ 5-6 năm) thì công ty cũng đã thực hiện mô hình thâm canh trồng rừng gỗ lớn (chu kỳ trên 10 năm). Kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả của mô hình này rất tốt, cho năng suất cao gấp đôi và giá bán cũng cao gấp 2-3 lần so với mô hình rừng trồng nguyên liệu giấy. Tuy nhiên, mô hình này không được Công ty lựa chọn để tăng diện tích, vì nguồn vốn có hạn trong khi loại rừng này thì quay vòng vốn chậm, lại gặp nhiều nguy cơ rủi ro về thiên tai và việc bảo vệ gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy mà các chủ rừng không mặn mà với việc trồng rừng nguyên liệu phục vụ chế biến sâu.

 

Nông dân xã Ea Trang (huyện M'Đrắk) phát triển trồng rừng kinh tế. Ảnh: V.Tiếp

 

Sở NN-PTNT cho rằng, việc phát triển rừng trồng đang gặp nhiều vướng mắc về các quy định, cơ chế, chính sách. Đơn cử, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định mức hỗ trợ vốn ngân sách đầu tư trong rừng phòng hộ, đặc dụng là 30 triệu đồng/ha, trồng rừng sản xuất mức hỗ trợ từ 8 triệu đồng/ha đối với các loài cây sản xuất gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi) và mức hỗ trợ từ 5 triệu đồng/ha đối với các loài cây sản xuất gỗ nhỏ (khai thác trước 10 năm tuổi). Nhưng thực tế đến nay nguồn vốn này chưa được bố trí, hiện việc triển khai thực hiện công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh chủ yếu bằng vốn tự có của các đơn vị.

 

Sở NN-PTNT cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 172 đơn vị hoạt động chế biến lâm sản và sản xuất đồ mộc (gồm 68 doanh nghiệp, 6 HTX, 98 hộ kinh doanh cá thể), với quy mô sản xuất vừa và nhỏ. Các sản phẩm chế biến gỗ của tỉnh gồm: gỗ xẻ các loại, mộc dân dụng, gỗ tinh chế, gỗ dăm, ván nhân tạo. Năm 2018, sản phẩm chế biến từ gỗ có chiều hướng tăng nhẹ (từ 13 - 25% tùy loại gỗ), riêng sản phẩm mộc dân dụng giảm nhẹ.

 

 

Mặt khác, với định mức hỗ trợ vốn ngân sách như trên thì không đủ chi phí để triển khai thực hiện trồng rừng có hiệu quả. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ và giá gỗ rừng trồng thiếu ổn định cũng là yếu tố hạn chế trong việc khuyến khích người dân, các nhà đầu tư trồng rừng...

Để tháo gỡ những khó khăn trên, tỉnh rất cần Chính phủ bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 886/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, tăng mức đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng là từ 30 triệu đồng/ha lên 60-70 triệu đồng/ha; tăng mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất đối với các loài cây sản xuất gỗ lớn từ 8 triệu đồng/ha lên 12-15 triệu đồng/ha; trồng các loài cây sản xuất gỗ nhỏ với mức hỗ trợ từ 5 triệu đồng/ha lên 10 triệu đồng/ha. Kinh phí phải được bố trí ngay từ đầu năm để địa phương kịp phân khai ưu tiên cho công tác phát triển rừng. Đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích đối với phát triển rừng trồng cây lâu năm, cây gỗ lớn, nhằm tạo tính bền vững cho ngành lâm nghiệp. Như vậy mới khuyến khích các hộ gia đình, các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp, tích cực tham gia công tác phát triển rừng đạt hiệu quả cao.

Hiện nay, tỉnh cũng đang kêu gọi khuyến khích nhà đầu tư xây dựng vùng trồng rừng nguyên liệu có chứng nhận rừng bền vững (FSC), đồng thời xây dựng nhà máy chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về lĩnh vực này.

Minh Thuận

    nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ