A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Dự án VnSAT: Hỗ trợ nông dân phát triển cà phê bền vững

09:33 | 24/04/2019

Khởi động từ năm 2015 đến nay, Dự án VnSAT tại Đắk Nông đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển cà phê bền vững.

Hàng loạt hoạt động của dự án đã được triển khai như: đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cà phê cho các hộ nông dân; xây dựng các mô hình tái canh và sản xuất cà phê bền vững; hỗ trợ xây dựng hạ tầng, mua sắm thiết bị sản xuất, nhằm tăng thêm điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả sản xuất cho các hộ nông dân làm cà phê.

Dự án VnSAT hỗ trợ HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông (Đắk R'moan, Gia Nghĩa) lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm

Điển hình, mùa khô năm 2018 - 2019, HTX nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông, trụ sở tại xã Đắk R'moan (Gia Nghĩa) được dự án VnSAT hỗ trợ lắp đặt  hệ thống tưới nước tiết kiệm cho các thành viên trên diện tích 15,7 ha. Mỗi ha, dự án VnSAT hỗ trợ 50% (trong tổng mức dự toán  đầu tư khoảng 84 triệu/ha) kinh phí lắp đặt hệ thống tưới đối với các thành viên HTX.

Tuy nhiên, tùy theo hiện trạng thiết bị tưới của mỗi vườn cà phê đăng ký lắp đặt mà mức kinh phí hỗ trợ có thể khác nhau. Ngoài hỗ trợ kinh phí, dự án còn đảm nhận phần lắp đặt, kỹ thuật và hướng dẫn vận hành cho các thành viên tham gia. Đây là một trong nhiều hoạt động hỗ trợ các tổ chức, hộ nông dân phát triển sản xuất cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Nông của dự án VnSAT.

Ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông cho hay: Dự án đã hỗ trợ các thành viên HTX rất nhiều trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí đầu tư. Hiện nay, HTX đang tiếp tục triển khai vốn đối ứng để cùng với dự án mở rộng diện tích lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm.

Trong hơn 3 năm triển khai, Dự án VnSAT đã phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh tổ chức đào tạo 230 lớp với 8.707 hộ nông dân tái canh và phát triển cà phê bền vững. Cùng với đó, dự án đã thành lập được 77 mô hình trình diễn về tái canh, sản xuất cà phê bền vững, với hơn 63 ha cà phê. Hỗ trợ nông dân vay vốn để tái canh cà phê. Đến nay, dự án  đã giải ngân được 326 tỷ đồng, tương đương khoảng 817 khoản vay trên tổng diện tích cà phê tái canh được hỗ trợ vay vốn khoảng 1.536 ha tái canh.

Cùng với đó, dự án đã hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng, đường giao thông nông thôn, nhà kho, sân phơi. Cụ thể, dự án đã hỗ trợ kinh phí cho tổ hợp tác thôn 3, thôn 6 thuộc xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) xây dựng 1 đường giao thông nội đồng chiều dài 1,16 km, 1 nhà kho diện tích 200 m2. Hỗ trợ kinh phí cho tổ hợp tác thôn 1, thôn 4 thuộc xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) xây dựng đường giao thông nội đồng dài 1,88 km, 1 nhà kho diện tích 200 m2, 1 sân phơi diện tích 1.000 m2.

Hỗ trợ  HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (xã Thuận An, Đắk Mil) 2 tuyến đường giao thông nội đồng với tổng chiều dài khoảng 2,9 km, 1 sân phơi  diện tích 3.000 m2, 1 đường điện trung thế và trạm hạ thế  với tổng chiều dài khoảng 1,35 km. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ nâng cấp 9 vườn ươm cho các cá nhân trong vùng dự án.

 

VnSAT là dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), được triển khai từ năm 2015-2020 với tổng nguồn vốn hơn 300 triệu USD; trong đó vốn vay từ nguồn ưu đãi của WB 230 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng và vốn tư nhân. Dự án được triển khai ở 13 tỉnh trong đó có Đắk Nông. Mục tiêu chung của dự án là góp phần triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành lúa gạo, cà phê ở 2 vùng sản xuất hàng hóa lớn của Việt Nam là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

 

Hàng năm, dự án ký hợp đồng với các cơ quan chuyên môn để tiến hành thực hiện 6 hoạt động chuyên ngành gồm: Chứng nhận vườn ươm và giám sát chất lượng nhân giống, phân tích đất và chẩn đoán dinh dưỡng, giám sát quản lý bệnh, giám sát sự đa dạng đối với cà phê,… Căn cứ các kết quả đánh giá của cơ quan chuyên môn,… dự án sẽ có thực hiện khuyến cáo một cách hợp lý cho nông dân về sản xuất và tái canh cà phê.

Ông Phạm Hùng Vỹ, Giám đốc Dự án VnSAT tại Đắk Nông cho biết: Ngoài nguồn vốn vay tái canh cà phê, tổng mức đầu tư của dự án tại Đắk Nông hơn 260 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đã giải ngân được hơn 40 tỷ đồng. Ngoài những tôn chỉ và mục đích hoạt động chung của dự án, chúng tôi còn thăm dò, lấy ý kiến, tâm tư nguyện vọng của các tổ chức nông dân để có những linh hoạt trong cách thực hiện các tiểu dự án nhằm mang lại những hiệu quả thiết thực nhất cho nông dân phát triển cà phê một cách bền vững.

Bài, ảnh: Đức Hùng

    nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ