A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Diện tích bơ tăng, lo ngại đi cùng

08:14 | 23/07/2019

Cây bơ đang mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Diện tích bơ ngày một tăng nhanh và đã vượt quy hoạch của tỉnh

Diện tích, sản lượng tăng đột biến, chất lượng không đồng đều, chưa đáp ứng tốt nhu cầu thị trường nên cây bơ của Đắk Nông đang bộc lộ những lo ngại về rủi ro, thách thức và các yếu tố bền vững.

Quả bơ Đắk Nông ở một hội chợ về trái cây tại thị xã Gia Nghĩa năm 2018

Diện tích vượt quy hoạch

Đầu mùa mưa năm nay, bà Phạm Thị Năm, thôn 13 xã Đắk Wer (Đắk R’lấp), mua 20 cây bơ giống về trồng. Bà Năm cho biết, thấy nhiều người trồng bơ, nên bà cũng trồng xen vào vườn cà phê để tăng thêm thu nhập. Còn theo ông Lại Thế Hào, chủ cơ sở kinh doanh cây giống ở Gia Nghĩa, những năm gần đây, bơ là loại cây trồng được nhiều nông dân chọn mua nhiều nhất...

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk R’lấp, những năm gần đây, diện tích bơ trồng mới trên địa bàn tăng khá nhanh. Theo thống kê, hiện nay toàn huyện có trên 554 ha bơ, trong đó bơ kinh doanh: 322 ha và kiến thiết cơ bản: 232 ha. Diện tích bơ tập trung nhiều ở các xã Nghĩa Thắng, Đắk Sin, Nhân Đạo, Đạo Nghĩa...

Sản phẩm bơ Đắk Nông tham gia quảng bá tại một hội chợ năm 2018

Không chỉ ở Đắk R’lấp, theo UBND huyện Đắk Glong, những năm qua, diện tích bơ của địa phương cũng tăng nhanh. Hiện tại, toàn huyện có khoảng 229 ha bơ, trong đó trồng thuần 69 ha, còn lại là trồng xen canh trong cà phê và các loại cây trồng khác. Tương tự, nhiều địa phương khác như Gia Nghĩa, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Mil... diện tích bơ cũng tăng "phi mã".

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp- PTNT, những năm qua, bơ là loại cây có tốc độ tăng diện tích cao nhất trong các loại cây nông nghiệp. Cụ thể, năm 2017, toàn tỉnh mới có 1.253 ha bơ, nhưng đến cuối năm 2018 đã lên đến 2.590 ha. 

Hiện nay, quả bơ của Đắk Nông vẫn chủ yếu bán cho thương lái và phục vụ tiêu dùng trong nước

Bộc lộ nhiều lo ngại

Theo một số chuyện gia nông nghiệp, với tốc độ mở rộng diện tích như hiện nay, người trồng bơ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro sau này. Trước hết rủi ro về chất lượng cây giống, sâu bệnh, tác động của thời tiết. Tình trạng nông dân ồ ạt trồng bơ cũng có thể dẫn đến hệ lụy rớt giá, mất giá.

Ông Nguyễn Văn Thân, ở thôn 5, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) cho biết, những năm gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết nên thời kỳ bơ ra hoa, đậu quả không được thuận lợi như trước. Chính vì thế, bơ quả ít hơn, những giống bơ khó tính như booth, hass tỷ lệ đậu quả giảm 20-30%. Còn theo ông Vũ Văn Thủy, xã Thuận Hạnh (Đắk Song), giống bơ mà gia đình ông trồng chủ yếu mua từ các điểm cung cấp giống trôi nổi trên thị trường, nên chất lượng không cao, dễ chết, hay mắc bệnh thối thân.

Anh Lê Văn Hưng, Giám đốc Công ty THHH MTV Dịch vụ Bơ M’nông, xã Đắk R'moan (Gia Nghĩa), cũng cho biết: "Vườn  bơ của  anh không hiểu vì sao lại cho quả quá nhiều, nhưng quả bị úng nước. Nhiều cây đang phát triển bình thường thì bị chết đứng. Tình trạng cây bơ bị bệnh sâu đục thân, nấm, rụng quả vào mùa mưa cũng xảy ra thường xuyên".

Thực tế, việc diện tích bơ tăng, sản lượng lớn trong khi việc tiêu thụ chủ yếu qua tư thương nên dẫn đến bị ép giá, mất giá. Theo bà Trần Thị Lệ Thu, tư thương chuyên mua, bán trái cây ở chợ Gia Nghĩa, khoảng 5 năm trước, giá bơ booth khoảng 90.000- 120.000 đồng/1 kg. Nhưng khoảng 2 năm nay, giá bơ chỉ còn 50.000- 60.000 đồng/kg.

Cây bơ booth 7 của Công ty NHHH MTV Dịch vụ bơ M'nông (Gia Nghĩa) bị chết

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, năm 2018, sản lượng bơ toàn tỉnh là 13.116 tấn, tăng hơn 3 lần so với năm 2017. Ngành Nông nghiệp tỉnh dự báo năm 2019, sản lượng bơ của tỉnh đạt khoảng 23.750 tấn.

Thiếu các yếu tố bền vững

Theo quy hoạch diện tích cây ăn quả của tỉnh được thực hiện từ năm 2013, diện tích bơ trồng tập trung đến năm 2020 là 1.200 ha. Tuy nhiên, như đã nêu, diện tích bơ toàn tỉnh hiện nay đã đạt 2.590 ha, vượt  1.390 ha so với quy hoạch.

Hiện nay, nông dân trên địa bàn đang trồng rất nhiều loại bơ khác nhau. Tuy được đánh giá có năng suất cao, nhưng chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế. Cụ thể, theo nhiều chuyên gia, bơ ở Đắk Nông chủ yếu là các loại bơ có thời gian chín rất nhanh, nên khó bảo quản, khó vận chuyển đi xa. Hiện nay, trên thị trường quốc tế, 85% ưa chuộng loại bơ hass, bơ red. Trong khi diện tích các loại bơ này ở Đắk Nông chưa nhiều.

Gem, Hass là loại bơ được 85% thị trường thế giới yêu cầu nhưng ở Đắk Nông, loại bơ này chưa được sản xuất nhiều

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết, dù ngành chức năng đã công nhận một số giống bơ đầu dòng ở huyện Đắk Mil. Thế nhưng, việc nghiên cứu về chủng loại, giống bơ nào cho phù hợp với các vùng đất, tiểu vùng khí hậu vẫn chưa được triển khai. Năm 2018, qua các sự kiện, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng đã có những nỗ lực để xây dựng các mối liên kết giữa các bên như doanh nghiệp, khoa học, nhà nông, nhưng đến nay chưa có mối liên kết nào được hình thành chặt chẽ.

Ông Yên nhấn mạnh: "Tỉnh cũng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn T&T, Công ty cổ phần SAM nông nghiệp công nghệ cao  (SAM Agritech)... xây dựng nhà máy chế biến bơ. Nhưng đến nay, các đơn vị này cũng mới chỉ tiến hành các bước chuẩn bị, chưa có sự đầu tư nào".

Bài, ảnh: Hồng Thoan

 

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ