A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

"Cầu nối" giúp nông dân giảm bớt khó khăn

13:41 | 16/08/2019

Phát huy vai trò là “cầu nối”, những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế.

Gia đình ông Y Mu Mlô (buôn Drăh 2, xã Cư Né, huyện Krông Búk) có 4 ha cà phê xen tiêu. Trước đây, cứ đến vụ sản xuất ông lại lo lắng về khoản tiền để mua phân bón. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhờ chương trình cung ứng phân bón trả chậm của Hội Nông dân huyện, đến cuối vụ thu hoạch mới phải trả, gia đình ông không phải vay tiền trả lãi để mua phân bón như trước. Không những thế, mua theo dịch vụ này giá phân bón cũng rẻ hơn so với mức giá ngoài thị trường, nhờ thế cũng đỡ bớt một phần chi phí cho gia đình ông.

Ông Y Mu chia sẻ: “Trước đây, khi vào vụ sản xuất, nông dân chúng tôi phải lo rất nhiều về chi phí đầu tư, đặc biệt là phân bón. Từ khi tham gia sinh hoạt trong Chi hội Nông dân, được mua phân bón theo hình thức trả chậm, gia đình tôi không còn phải lo lắng về giá cả, chất lượng phân bón như trước mà còn được nâng cao kiến thức về cách chăm sóc, bón phân cho cây trồng thông qua các lớp tập huấn của công ty cung ứng”.

Hội viên nông dân xã Cư Né, huyện Krông Búk chia sẻ kinh nghiệm sản xuất

Cũng như gia đình ông Y Mu, hộ chị Nguyễn Thị Hương (thôn Hiệp Đoàn, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) có 2 ha cà phê, mỗi năm đầu tư khoảng 7 tấn phân bón các loại. Trước đây, cứ đến vụ sản xuất, gia đình chị lại chạy đôn chạy đáo vay tiền để mua phân bón, nếu không sẽ phải mua nợ phân bón ở các đại lý gần nhà. Khi hết vụ, ngoài việc trả nợ gốc, chị còn phải trả thêm tiền lãi, thành ra lợi nhuận sau thu hoạch cũng chẳng còn bao nhiêu.

Từ khi được tham gia chương trình mua phân bón trả chậm đến nay, gia đình chị không còn phải lo lắng về giá cả và chất lượng phân bón. Cứ đầu mùa vụ, chị chỉ cần đăng ký với Chi hội Nông dân thôn về số lượng, chủng loại phân bón, sau đó doanh nghiệp cung ứng sẽ đưa phân bón về tận hội trường thôn, sau mỗi mùa thu hoạch mới phải trả tiền. “Cách làm này giúp hội viên yên tâm sản xuất, giảm bớt nỗi lo về tiền vật tư, phân bón mỗi khi vào mùa vụ. Hơn nữa nông dân được sử dụng các loại phân bón bảo đảm chất lượng mà không phải qua khâu trung gian, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất”, chị Hương cho hay.

Chương trình cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm đang được bà con nông dân nhiệt tình hưởng ứng, số lượng đăng ký tăng theo từng năm. Bình quân mỗi năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tín chấp cung ứng hơn 8.000 tấn phân bón các loại theo hình thức trả chậm giúp nông dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất.

Để giảm bớt khó khăn cho người nông dân và giúp họ chủ động hơn về vật tư trong sản xuất, chỉ tính từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã tín chấp với một số công ty, doanh nghiệp mua gần 2.000 tấn phân bón các loại cho hội viên nông dân theo hình thức trả chậm, với tổng trị giá gần 10 tỷ đồng.

Trước mỗi vụ, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố thông báo bảng giá từng loại phân bón đến các xã, thị trấn. Hội Nông dân các xã, thị trấn có trách nhiệm thông báo đến từng chi hội, tổ hội và bà con nông dân, hội viên nào có nhu cầu thì đăng ký. Hội Nông dân cơ sở có trách nhiệm giao hàng cho hội viên và thu hồi nợ khi đến hạn theo quy định. Nhiều năm thực hiện chương trình hỗ trợ mua phân bón trả chậm cho bà con nông dân, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh luôn thanh toán tiền đầy đủ cho các công ty theo hợp đồng, không có tình trạng nợ, vì vậy lượng phân bón được tín chấp tăng theo từng năm. Việc triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm, nông dân đã phần nào giải tỏa nỗi lo về giá cả lên xuống thất thường, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Krông Búk hướng dẫn hội viên nông dân cách mua phân bón theo hình thức trả chậm.

Để chương trình đạt hiệu quả cao, các cấp Hội Nông dân còn phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cấp phát tờ rơi, hướng dẫn bà con sử dụng phân bón theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời gian, đúng phương pháp), đồng thời xây dựng các mô hình trình diễn để đánh giá chất lượng và hiệu quả thực tế.

Có thể nói, chương trình cung ứng phân bón trả chậm là chương trình có ý nghĩa thiết thực cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Để chương trình ngày càng phát triển hơn nữa, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của chương trình để bà con nông dân nắm được và chủ động tham gia; vận động doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm và mở rộng số lượng cung ứng hơn nữa.

Vân Anh

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ