A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chủ động chăm sóc vườn cây ăn quả trong mùa mưa

14:57 | 28/08/2019

Mùa mưa là thời điểm tạo điều kiện cho một số dịch bệnh trên cây ăn quả phát triển, lây lan nhanh. Do đó, ngành Nông nghiệp Đắk Nông khuyến cáo nhà vườn cần tích cực bảo vệ, chăm sóc các loại cây ăn quả nhằm bảo đảm chất lượng và năng suất.

Nông dân thôn 8, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cắt bỏ lá, cành phụ tạo độ thông thoáng cho vườn chanh dây

Đắk Mil được xem là địa phương trồng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh trong những năm qua, với khoảng 1.100 ha tập trung ở Đắk Gằn, Đức Mạnh, Đắk Sắk, Thuận An. Các loại cây ăn quả chủ yếu được nông dân trên địa bàn sản xuất là xoài hơn 300 ha, sầu riêng khoảng 450 ha, bơ khoảng 300 ha...

Hiện nay, thời tiết đang vào mùa mưa, xuất hiện nhiều trận mưa kéo dài làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển cây trồng. Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Đắk Mil, thời điểm này, cây ăn quả dễ bị tấn công bởi các loại nhện vàng, nhện đỏ; các loại bệnh do vi khuẩn gây ra cũng sẽ lây lan nhanh. Trong thời tiết mưa dầm, cây trồng cũng rất dễ bị thối rễ do úng nước. Nhằm giúp các nhà vườn chủ động trong bảo vệ vườn cây, ngành Nông nghiệp huyện Đắk Mil đã hướng dẫn Nhân dân thực hiện nạo vét, khơi thông các dòng chảy cho vườn, cân đối dinh dưỡng, phòng bệnh đúng cách.

Ông Nguyễn Văn Hòa, thôn Đức Đoài, xã Đức Minh có 1 ha sầu riêng cho biết: “Để tránh tình trạng ngập úng cho vườn cây trong mùa mưa bão, tôi đào các rãnh, mương thoát nước theo đường dích dắc trong toàn bộ vườn cây, vừa thoát nước, vừa chống trôi phân bón, không gây xói mòn".

Người dân xã Đắk Gằn (Đắk Mil) bón phân cân đối tăng sức đề kháng cho cây ăn quả trong mùa mưa

Diện tích cây ăn quả trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa hiện nay cũng lớn, đạt trên 500 ha với nhiều loại cây trồng như cam, chanh, sầu riêng. Hiện tại nhiều chủ vườn cây áp dụng các biện pháp về loại bỏ bớt cành phụ, chồi phụ, cắt cỏ vệ sinh vườn sạch sẽ để tạo sự thông thoáng. 

Ông Nguyễn Chí Hiếu, thôn 8, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), có gần 2 ha chanh dây cho hay: Giai đoạn mùa mưa cũng là thời gian cây chanh dây đơm hoa, cho trái, nhu cầu dinh dưỡng lớn, đặc biệt là nguyên tố kali. Do vậy, nông dân cần bổ sung dinh dưỡng cho cây một cách hợp lý. Gia đình thường bón phân hữu cơ, phân lân 2 lần vào đầu và giữa mùa mưa. Các tháng mùa mưa cũng dễ bị ruồi đục trái, bọ xít tấn công. Để phòng trừ, chúng tôi áp dụng việc vệ sinh vườn, cắt tỉa lá già, bệnh, thu gom những trái rơi rụng đem chôn sâu, có khử trùng bằng vôi. Biện pháp hóa học là sử dụng Protein thủy phân trộn chất độc làm bả diệt ruồi đục trái cũng được gia đình áp dụng khi thấy cần thiết.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 7.000 ha cây ăn quả, hàng năm đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho Nhân dân. Để có được mùa vụ bội thu, Chi Cục Phát triển Nông nghiệp  (Sở Nông nghiệp - PTNT) lưu ý: Việc thường xuyên thăm vườn để nắm rõ diễn biến sinh trưởng của loài dịch hại, có những biện pháp xử lý kịp thời được coi là biện pháp kỹ thuật canh tác quan trọng hàng đầu, nhà nông cần thực hiện. Khi bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhà vườn cần thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng” là: Đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách. Bà con hạn chế bón phân đạm, vì sẽ dễ kích thích cây ra đọt non và khi vườn cây bị ngập úng sẽ tiêu hao nhiều dinh dưỡng, làm cho cây dễ bị suy yếu...

Bài, ảnh: Hồng Thoan

 

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ