A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đừng đẩy người nông dân ra ngoài hệ thống tài chính chính thống

08:19 | 27/09/2019

Nếu như ở các đô thị có mức sống cao thì người dân có thể sử dụng các dịch vụ ngân hàng để thanh toán.

Thế nhưng, nông dân ở vùng nông thôn không có tài khoản ngân hàng, nhưng họ cần phương tiện thanh toán khi mua bán nông sản thì Mobile Money chính là lời giải.

Chị H. (Hàm Yên, Tuyên Quang) là một trong nhiều hộ nông dân đang triển khai phát triển giống cam ngọt ở một huyện miền núi phía Bắc, Tuyên Quang. Chị cho biết, năm ngoái, sau khi xuống trung tâm huyện giao cam cho thương lái, chị đã bị một nhóm "đầu gấu" ép xe vào đường vắng và cướp hết số tiền thương lái vừa trả cho một tạ cam. Có thể nói, hiện nay, trong chuỗi cung ứng nông sản, người nông dân vẫn đang gặp rất nhiều thiệt thòi, từ chuyện không liên kết với tư thương để định hướng được sản phẩm, không có kỹ thuật để nâng cao năng suất, bị ép giá cho tới khi tưởng như đã cầm chắc đồng tiền trong tay, họ vẫn tiếp tục gặp những rủi ro như trường hợp chị H nêu trên.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, Việt Nam có tổng dân số lớn, đứng thứ 15 trên thế giới với 96,2 triệu người vào năm 2019, trong đó có hơn 66% dân số đang sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Theo quan sát của Ngân hàng Nhà nước, người dân sinh sống ở nông thôn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận ngân hàng truyền thống, nhiều gia đình không có tài khoản giao dịch để mua bán nông sản. Do tính toán về hiệu quả kinh tế, ngành ngân hàng vẫn chưa thể mở hết các điểm giao dịch, máy ATM để bao phủ vùng sâu, vùng xa, độ phủ của tài khoản ngân hàng mới ở mức 30%-40% dân số.

Trong khi đó, các công ty viễn thông như Viettel, có hơn 2.600 cửa hàng, 270.000 đại lý/điểm bán và hơn 30.000 nhân viên phủ xuống đến xã - phường để cung cấp các dịch vụ cho khách hàng trên toàn quốc. Tính tổng số thuê bao viễn thông hiện nay của tất cả mạng viễn thông là 130 triệu, đã vượt 100% dân số. Như vậy, chỉ cần Chính phủ cho phép cung cấp dịch vụ Mobile Money thì chỉ ngay ngày hôm sau, 100% dân có thể thực hiện giao dịch tài chính không tiền mặt, giảm thiểu rất nhiều rủi ro cho người dân. Hiện chúng ta đã nói nhiều tới thương mại điện tử, đến khởi nghiệp, đến đổi mới sáng tạo, nhưng lại quên nói đến một trong những nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy chúng là nền tảng thanh toán. Muốn một dịch vụ nào đó phổ biến đến 100% người dân thì đầu tiên là nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân. Không có phương tiện nào có thể thực hiện việc này tốt hơn là di động, là Mobile Money.

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà khai thác di động (GSMA), hiện có 90 quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (mobile money) với gần 700 triệu tài khoản được đăng ký. Cũng theo thống kê này, Mobile money đã giúp nhiều nông dân ở Kenya, Rwanda, Tazania, Bờ Biển Ngà... tham gia chuỗi giá trị được hưởng lợi từ số hóa chuỗi giá trị thông qua cải thiện tính minh bạch và khả năng giám sát trong nông nghiệp, giảm rủi ro gian lận và dễ dàng tiếp cận các yêu cầu chứng nhận hơn và do đó cũng dễ dàng tiếp cận thị trường.

Điều quan trọng, việc chuyển đổi từ tiền mặt sang thanh toán bằng Mobile Money để mua sắm cây trồng có thể hỗ trợ việc tạo ra một bản sắc kinh tế cho nông dân thông qua các hồ sơ kỹ thuật số từ việc bán nông sản, kết hợp với các điểm dữ liệu khác mở ra tài chính toàn diện đầy đủ (truy cập vào tài khoản tín dụng, bảo hiểm và tiết kiệm). Như vậy, người nông dân đang rất cần các phương tiện thanh toán điện tử, đơn giản và tiện ích mà không phải qua nhiều khâu trung gian để giúp họ phát triển kinh tế gia đình. Mục tiêu của Chính phủ cũng mong muốn thúc đẩy kinh tế nông thôn, tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt và xóa dần khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.

Hiện cả 3 mạng di động lớn là Viettel, MobiFone và VNPT đã xin thử nghiệm dịch vụ Mobile Monney. Hiện Viettel đang là nhà mạng được cho là có nhiều lợi thế trong việc triển khai dịch vụ Mobile Money nhất vì sở hữu hơn 50% thuê bao di động của Việt Nam và đang là nhà mạng có vùng phủ sóng rộng nhất, tới cả 100% vùng nông thôn. Viettel đã chuẩn bị sẵn hạ tầng thanh toán để phục vụ được 26 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money thời gian đầu. Viettel sẽ có tối thiểu 600.000 điểm chấp nhận thanh toán, nhà cung cấp dịch vụ, người bán hàng đến tận vùng sâu vùng xa chứ không chỉ ở thành thị để tạo thuận lợi nhất cho người dân. Thực tế hiện nay các ngân hàng mới chỉ phục vụ được 30% dân số, nhưng nhờ mobile money họ có thể tiếp cận đến 70% dân số

Trước vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: "Chúng ta đã có giai đoạn làm bùng nổ điện thoại di động, tới đây chúng ta sẽ phải làm bùng nổ thanh toán trên di động. Chính phủ đã chỉ đạo không chỉ kết nối ví điện tử với tài khoản ngân hàng mà còn nghiên cứu kết nối ví điện tử với tài khoản viễn thông. Bộ Thông tin và Truyền thông đang quyết liệt xây dựng và trình Chính phủ vấn đề này. Thủ tướng đã họp và có kết luận về vấn đề này rồi, sắp tới sẽ triển khai".

"Người dân có tài khoản ngân hàng vẫn còn hạn chế, nhưng 90 triệu dân có tới 160 triệu thuê bao di động, có nhiều người dùng smartphone. Vì vậy, dùng tài khoản viễn thông sẽ xâm nhập vào được tới thị trường nông thôn, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, thanh toán tiền điện, nước, bảo hiểm xã hội, chi trả các khoản tiền như người có công… qua tài khoản viễn thông", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

D.Trân

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ