A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Asanzo lừa khách hàng, trốn thuế?

16:10 | 07/11/2019

Cơ quan chức năng xác định Asanzo không có dây chuyền lắp ráp tivi hiện đại như quảng cáo, có dấu hiệu vi phạm về lừa dối khách hàng, giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và trốn thuế

Ngày 28-10, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), đã chủ trì cuộc họp với đại diện Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, VKSND Tối cao, Tổng cục Thuế, Tổng cục Quản lý thị trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… về kết quả xác minh, làm rõ nghi vấn Công ty CP Tập đoàn Asanzo (gọi tắt là Asanzo) giả mạo xuất xứ hàng hóa. Kết quả của buổi làm việc sẽ được tổng hợp để báo Thủ tướng trước ngày 30-10.

Có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa

Báo cáo của Tổng cục Hải quan tại cuộc họp cho thấy Asanzo có dấu hiệu vi phạm về lừa dối khách hàng, giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và trốn thuế. Asanzo có quan hệ mua hàng với 58 công ty, trong đó có 9 công ty gắn chữ "Asanzo", thực hiện mua bán linh kiện, sản phẩm nguyên chiếc mang nhãn hiệu Asanzo.

Theo báo cáo này, bước đầu xác định Asanzo có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (giả mạo nhãn hiệu) khi kiểm tra, khám xét đối với lô hàng nhập khẩu mang nhãn hiệu Asanzo. Cụ thể, nhãn hiệu "Asano và hình" đã được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Công ty TNHH TM và Sản xuất Đông Phương.

Cơ quan chức năng cũng đã lần đầu thông báo về kết quả xác minh cáo buộc "lừa dối khách hàng". Trong các video quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng, Asanzo thể hiện có dây chuyền, lắp ráp tivi bằng máy móc, thiết bị hiện đại nhưng kết quả kiểm tra thực tế tại nơi sản xuất không đúng như quảng cáo. Doanh nghiệp (DN) này có 12 dãy bàn với chiều dài khoảng 30 m, rộng 1,5 m (diện tích 45 m2), dùng để lắp ráp tivi và một số sản phẩm khác bằng phương pháp thủ công. Sau khi lắp ráp, tivi được đóng vào các bao bì mang nhãn hiệu Asanzo, in chữ Việt, xuất xứ Việt Nam rồi bán cho 19 công ty khác để đưa ra thị trường nội địa.

Về dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, theo Tổng cục Hải quan, ở các sản phẩm nêu trên, Asanzo không tự sản xuất mà chủ yếu nhập linh kiện từ các DN trong nước rồi lắp ráp thủ công để tạo thành hàng hóa hoàn chỉnh, xuất bán ra thị trường. Những linh kiện này được một số DN nhập khẩu từ Trung Quốc rồi bán lại cho Asanzo. Việc lắp ráp thực hiện trên các bàn trải dài, công nhân lắp ráp các sản phẩm bằng tuốc-nơ-vít, không có dây chuyền, máy móc, thiết bị phức tạp hay yêu cầu kỹ thuật cao.

Trong khi đó, theo số liệu kiểm tra, xác minh của Tổng cục Quản lý thị trường, tỉ lệ giá trị gia tăng tạo ra sau quá trình lắp ráp rất thấp, chỉ chiếm 1%-2% trong tổng chi phí giá thành sản phẩm. Như vậy, mặt hàng tivi xuất khẩu mang nhãn hiệu Asanzo chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Đại diện Bộ Công Thương cũng nhận định đối với hàng hóa xuất khẩu, Asanzo đã vi phạm về xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Nghị định 31. Do đó, có thể coi hàng mà Asanzo xuất đi nước ngoài không phải xuất xứ Việt Nam. Riêng hàng hóa lắp ráp, tiêu thụ, lưu thông trong nước, Bộ Công Thương cho biết hiện chưa có quy định cụ thể nên rất khó để kết luận.

Làm rõ thêm về xuất xứ hàng hóa của Asanzo, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại của VCCI, khẳng định phía Asanzo chưa từng đến VCCI để làm thủ tục C/O cho bất cứ loại hàng hóa nào.

Hoạt động lắp ráp máy lạnh tại nhà máy Asanzo. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Phù phép" 500 tỉ đồng

Liên quan đến dấu hiệu trốn thuế của Asanzo, theo báo cáo của đại diện Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP HCM đã xử lý kết quả sau thanh tra tổng số tiền hơn 47,6 tỉ đồng đối với DN này. Ngoài ra, Cục Thuế TP HCM đã có văn bản chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu hình sự sang Cơ quan CSĐT Công an TP HCM.

Đại diện Tổng cục Thuế lý giải rõ hơn về hành vi trốn thuế của Asanzo thể hiện ở việc để ngoài sổ sách; không xuất hóa đơn; trốn thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Cụ thể, Asanzo mua linh kiện nhưng lại kê khai mua thành phẩm điều hòa công suất 9.000 BTU để gian lận thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đáng chú ý, Asanzo có hành vi sử dụng hóa đơn đầu vào ghi cao hơn giá bán giao dịch thực tế để trốn thuế. Theo đó, Asanzo sử dụng hóa đơn đầu vào của các công ty không còn hoạt động, chủ yếu do người lao động của Asanzo đứng tên đại diện pháp luật để nhập linh kiện bán cho Asanzo. Qua kiểm tra tài khoản ngân hàng, tiền Asanzo chuyển thanh toán các công ty, cuối cùng lại được chuyển ngược về Asanzo và được người nhà của lãnh đạo Asanzo rút ra với tổng số ước tính hơn 500 tỉ đồng.

Đối với các vi phạm về thuế vừa nêu, ông Lại Anh Tuấn, đại diện VKSND Tối cao, cho rằng Asanzo có dấu hiệu trốn thuế nhưng chưa đủ căn cứ để xác định các công ty thuộc DN này có phạm tội hay không. Theo ông Tuấn, hiện tại Asanzo mới có dấu hiệu về không xuất hóa đơn bán hàng, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng hóa đơn có giá trị ghi cao hơn thực tế. "Asanzo khai báo mua bán rất nhiều hàng hóa nhưng có khi việc khai báo chỉ nhằm mục đích nâng cao giá trị hình ảnh, việc mua bán chưa chắc đã nhiều nên cần điều tra, làm rõ" - ông Tuấn đề nghị.

Sau khi các bên có ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, ông Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh việc làm rõ dấu hiệu trốn thuế, vi phạm nhãn mác là xác định ban đầu và có những nội dung đã được xử lý. "Những vấn đề có dấu hiệu vi phạm về hình sự, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh và tiếp tục điều tra theo quy định. Liên ngành đã trao đổi, đề nghị Bộ Công an, VKS sớm thực hiện điều tra theo pháp luật" - ông Nguyễn Văn Cẩn lưu ý.

Thực hư "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản"

Đối với cụm từ "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" trên sản phẩm và dùng trong quảng cáo, Asanzo cho rằng đã ký hợp đồng dịch vụ với Công ty Sharp-Roxy (Hồng Kông) tại Việt Nam để được cung cấp phần mềm và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định Asanzo chưa đủ cơ sở để được cấp chứng nhận chuyển giao công nghệ. Đại diện Tập đoàn Sharp tại Việt Nam cũng khẳng định tập đoàn này đã kết thúc liên doanh với Công ty Điện tử Roxy (Hồng Kông). Đến ngày 31-10-2016, việc đăng ký thay đổi tên công ty từ Sharp-Roxy thành Công ty TNHH Sharp Hong Kong đã hoàn tất.

Minh Chiến

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ