A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Cảnh báo tình trạng hái xanh, bán tươi

09:53 | 18/11/2019

Giá cà phê tiếp tục "nằm" ở mức thấp, chi phí đầu tư lại ngày một tăng cao, trong khi lao động thu hái cà phê đang khan hiếm... là nguyên nhân khiến nhiều nông dân Đắk Mil thu hoạch cà phê theo cách "hái xanh, bán tươi".

Thiếu lao động được xem là nguyên nhân khiến nhiều hộ dân tranh thủ hái cà phê sớm

Thu hoạch cà phê sớm vì giá thấp

Gia đình anh Trần Văn Hoa, ở thôn Xuân Bình, xã Đắk Sắk (Đắk Mil) có hơn 1,2 ha cà phê. Gia đình chỉ có 2 vợ chồng, con còn nhỏ nên năm nào anh cũng phải thuê người để thu hái cà phê. Do khan hiếm nhân công, nên năm nay khi được giới thiệu 6 người đi hái cà phê thuê từ nơi khác đến anh Hoa đã thuê ngay. So với những năm trước, năm nay anh Hoa thu hái cà phê sớm hơn nên trái xanh chiếm tỉ lệ cao.

Anh Hoa chia sẻ: Tôi biết hái cà phê xanh sẽ giảm chất lượng cà phê nhân, nhưng nếu để chính vụ mới bắt đầu thu hái sẽ khan hiếm lao động, cà phê sẽ rụng, không thu hái kịp. Chưa kể dịp thu hoạch chính vụ thường xảy ra mưa bão, áp thấp nhiệt đới rất bất tiện, nên đành "tặc lưỡi" thuê người hái sớm. Để hạn chế hái cà phê non tôi chia thành hai đợt thu hái, giờ hái chọn những cây cà phê chín, già. Còn những cây cà phê trái còn non sẽ hái vào đợt sau.

Do việc thu hái cà phê xanh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cà phê nhân nếu phơi khô, nên anh Hoa đã chọn cách bán cà phê tươi ngay sau khi thu hái. Theo anh Hoa, với giá cả như hiện nay, bỏ công sức để phơi khô cà phê thì chỉ lấy công làm lời chứ không có hiệu quả kinh tế. Hơn nữa, việc phơi cà phê cần một mặt bằng sân phơi nhất định, nếu không cà phê sẽ đen hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cà phê nhân.

Ông Trần Văn Huệ, chủ lò sấy trên địa bàn xã Đắk Sắk cho hay, ông thường mua cà phê tươi của người dân trên địa bàn để sấy. Dù đã chọn lựa kỹ, nhưng qua các đợt sấy đầu năm nay, ông nhận thấy tỷ lệ cà phê xanh mà người dân hái và bán còn rất lớn. Theo ông, nếu như những năm trước, trung bình 4,5 tấn cà phê tươi sẽ được 1 tấn khô. Còn như năm nay, phải tới gần 5 tấn cà phê tươi mới được 1 tấn khô. Nguyên nhân chủ yếu do cà phê xanh làm tăng trọng lương khi còn tươi và khi sấy khô thì hao hụt rất nhiều.

"Khi mua cà phê tươi tôi luôn khuyến cáo người dân không nên hái cà phê xanh. Vì cà phê xanh sẽ gây thiệt hại cho người sản xuất, chế biến bởi chất lượng sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng. Hay nói cách khác, khi dùng nguyên liệu không đạt chất lượng thì chất lượng sản phẩm và thương hiệu cà phê cũng giảm đi. Trước mắt là như vậy và về lâu về dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cả nông dân, vì cà phê sẽ tiếp tục mất giá do kém chất lượng", ông Huệ khuyến cáo.

Tỷ lệ cà phê chín đạt thấp nhưng người dân vẫn thu hoạch

"Chạy theo"  nhân công

Do khan hiếm lao động thu hái cà phê, nên hiện nay người trồng cà phê ở Đắk Mil thuê công chủ yếu theo hình thức giao khoán. Giá nhân công mà người dân thuê thường dao động từ 1.000 - 1.300 đồng/kg quả tươi, tùy theo địa hình rẫy bằng hay dốc. Ngoài tiền công, nhiều gia đình còn phải chi thêm tiền gạo, thức ăn và lo chỗ ở cho người lao động đi thu hái cà phê. Nếu chỗ ở của người làm thuê ở xa rẫy thì sáng sớm chủ nhà phải bố trí xe đưa đón lao động đi hái và chiều đón về.

Anh Giàng A Sinh, người hái cà phê thuê cho gia đình anh Trần Văn Hoa cho biết nhóm anh có 6 người, được anh Hoa bố trí chỗ nghỉ ngơi. Ngoài ra anh Hoa còn cung cấp gạo trong thời gian thu hái. Do hái chọn nên giá giao khoán thỏa thuận với gia đình là 1.100 đồng/kg quả cà phê tươi. Giao khoán như thế này cũng có lợi cho người làm thuê, vì mỗi ngày 1 người có thể được khoảng 300 - 350 ngàn đồng tiền công trở lên. Sau 1 ngày thu hái, cà phê được cân ngay tại rẫy, người thu hái cộng số lượng lại để nhận tiền công.

Còn theo anh Trần Văn Hoa, năm nay rẫy cà phê của gia đình anh được khoảng 14 tấn cà phê tươi, nhưng tiền công nếu tính ra đã mất hơn 2,3 tấn. "Nếu tính toàn bộ chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, công làm cỏ, chăm sóc suốt 1 năm thì với giá cà phê như hiện nay chỉ lấy công làm lời. Hiện nay, người hái cà phê chỉ nhận hái khoán, không hái công như ngày xưa. Người trồng cà phê như tôi cũng biết người ta hái khoán thường rất ẩu, hay làm gãy cành, tuốt hết, làm ảnh hưởng đến cây cà phê, ảnh hưởng tới năng suất vụ sau, nhưng lại phải chấp nhận vì khan hiếm lao động", anh Hoa cho biết.

Theo ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil, toàn huyện Đắk Mil hiện có khoảng 22.000 ha cà phê, năng suất năm nay đạt khoảng 2,8 tấn/ha. Mùa vụ cà phê năm nay theo đánh giá sơ bộ là không mất mùa, mặt bằng chung sản lượng trên địa bàn đạt hơn so với năm ngoái. Hiện nay, người dân trên địa bàn đã tiến hành thu hái cà phê. Việc hái cà phê sớm như hiện nay có nguyên nhân chủ yếu là do khan hiếm lao động trong mùa vụ. Giá cà phê năm nay tiếp tục ở mức thấp và khiến người trồng cà phê gặp nhiều khó khăn.

Bài, ảnh: Đức Hùng

 

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ