A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khắc phục các "điểm nghẽn" để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2020

10:15 | 06/12/2019

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, đến cuối năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt 7,75%, trong khi kế hoạch đề ra là 8,09%. Kinh tế tăng trưởng thấp đã đặt ra nhiều thách thức cho mục tiêu tăng trưởng năm 2020

Khó khăn từ sản xuất

Đánh giá những điểm sáng trong "bức tranh kinh tế" năm 2019 của tỉnh tập trung ở một số lĩnh vực như: Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 2.600 tỷ đồng (kế hoạch 2.385 tỷ đồng); giảm nghèo trên 3% (kế hoạch 2,5%). Riêng các chỉ tiêu về hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, điện… đều đạt kế hoạch.

Năm 2019 là năm mà nhiều mặt hàng nông sản của Đắk Nông xuống thấp. Ảnh: Nhân viên siêu thị Co.opmart Đắk Nông kiểm tra quầy hàng bán nông sản. Ảnh: Công Tính

Bên cạnh những lĩnh vực đạt mức tăng trưởng cao thì một trong những lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng thấp (ước tăng 4,8%). Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Nguyên nhân chỉ số sản xuất công nghiệp đạt thấp là do Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã tiệm cận công suất, sản lượng thủy điện giảm, nhà máy nhôm chậm tiến độ.

Ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, mặc dù có mức tăng trưởng 5,78%, nhưng trong năm 2019, toàn ngành cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng và giá cả nông sản xuống thấp. Trong 10 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã phải tiêu hủy hơn 3.200 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi và có hàng trăm ha hồ tiêu chết do dịch bệnh…

Ngoài ra, giá cả hàng hóa nông sản xuống thấp đã tác động khá lớn đến thu nhập của người dân; đồng thời, kéo giảm sức mua trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Cụ thể, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh trong năm 2019 ước đạt 14.735 tỷ đồng, tăng 7,9% (đạt 91% kế hoạch).

Đối với hệ thống doanh nghiệp trong tỉnh, năm 2019 cũng là một năm mà hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn. Bên cạnh số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng thì số vốn đăng ký đầu tư lại giảm. Đó là chưa kể, số doanh nghiệp kinh doanh buôn bán, bán lẻ giảm 24%, dịch vụ ăn uống lưu trú giảm 30%, công nghiệp chế biến giảm 9,1%. Những khó khăn về nguồn vốn đầu tư, vướng mắc về đất đai… đã  tác động đến số doanh nghiệp trong lĩnh vực khai khoáng giảm 50%, xây dựng giảm 8,3%.   

 

Giải ngân vốn đầu tư năm 2019 hơn 2.053 tỷ đồng, đạt 87,5%

Ước đến cuối năm 2019, giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh chỉ đạt 87,5% (2.053/2.345,9 tỷ đồng). Đáng chú ý, nguồn vốn ODA, vốn chương trình mục tiêu và vốn chương trình mục tiêu quốc gia có tỷ lệ giải ngân thấp…

Về huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2019 chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đề ra là18.000 tỷ đồng.

 

Khắc phục những vấn đề nội tại

Cho ý kiến tại buổi thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2019, kế hoạch 2020 vừa được Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức, đa số đại biểu cho rằng, "dư địa" tăng trưởng của Đắk Nông vẫn còn nhiều. Vấn đề là phải khắc phục được những điểm nghẽn xuất phát từ nội tại (bên trong) của nền kinh tế.

Mặc dù được xem lĩnh vực giàu tiềm năng, nhưng đóng góp của ngành Du lịch vào nền kinh tế ở Đắk Nông còn đạt thấp. Ảnh: Công Tính

Chỉ rõ vấn đề này, ông Phan Quốc Lập, Phó trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh nêu thực trạng, tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh rất lớn, nhưng kết quả thu hút đầu tư rồi đóng góp của lĩnh vực này cho nền kinh tế đạt chưa cao. “Ngay như khu vực hồ Tà Đùng (Đắk Glong), mặc dù có cảnh quan đẹp, nhưng không hiểu sao chỉ có những nhà đầu tư làm theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ. Người dân làm du lịch rồi tự ý bán vé. Trong khi đó, địa phương và tỉnh không quản lý được... Về lâu dài, cách làm manh mún này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp lớn muốn đầu tư vào đây”, ông Lâp nêu dẫn chứng.

Liên quan đến môi trường và sức khỏe của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Tất Thắng (Cư Jút) cho rằng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh thì có nhiều. Tuy nhiên, thực tế áp dụng lại ít. Ngay đối với doanh nghiệp của ông, mặc dù triển khai một số dự án thuộc danh mục ưu đãi đầu tư của tỉnh, nhưng theo ông Thắng, để doanh nghiệp tiếp cận được thì rất khó khăn. Cũng theo ông Thắng, muốn doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư, phát triển sản xuất thì rất cần những hành động hỗ trợ cụ thể của tỉnh…

Để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, tỉnh Đắk Nông triển khai hỗ trợ Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đầu tư mở rộng Nhà máy Alumin Nhân Cơ (khi Trung ương cho phép nâng công suất lên 1,3 triệu tấn/năm).  Ảnh: Một góc Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Ảnh: Công Tính

Để phát huy tối đa nguồn lực trong tỉnh, ông Lê Quốc Đông, Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề xuất, cần hạn chế và tiến tới khắc phục lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên. Hiện nay, tình trạng khai thác tài nguyên đất rừng, khai thác khoáng sản chưa được kiểm soát hiệu quả. Tỉnh, các địa phương cấm doanh nghiệp khai thác khoáng sản, nhưng thực tế nạn khai thác cát, đá không phép vẫn cứ diễn ra. Đó là chưa kể, nhiều cụm công nghiệp được các địa phương quy hoạch với quỹ đất lớn, nhưng không có doanh nghiệp đầu tư đã gây lãng phí nhiều nguồn lực.

 

Năm 2020, dự kiến kinh tế Đắk Nông tăng 7,83%

Căn cứ vào tình hình kinh tế hiện tại và khả năng hoàn thành các dự án trọng điểm, trong năm 2020, tỉnh Đắk Nông dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP là 7,83%; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp 5,68%, công nghiệp-xây dựng tăng 10,51%, dịch vụ tăng 8,97% và khu vực thế tăng 8,85%.

Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Tỷ trọng nông nghiệp chiếm 41,67%, công nghiệp-xây dựng 17,16%, dịch vụ 34,93%, thuế chiếm 6,24%.

 

Tạo động lực tăng trưởng dài hạn

Trên cơ sở kết quả kinh tế năm 2019, trong năm 2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng gồm: Triển khai thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp bô xít, nhôm (Ngay khi có kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về phát triển công nghiệp bô xít, alumin và luyện nhôm trong thời kỳ mới, giai đoạn 2020-2030); thực hiện các thủ tục trình Trung ương bổ sung quy hoạch Khu công nghiệp Nhân Cơ 2.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ Nhà máy Alumin Nhân Cơ thực hiện đạt cao nhất kế hoạch sản xuất; hỗ trợ Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đầu tư mở rộng Nhà máy Alumin Nhân Cơ (khi Trung ương cho phép nâng công suất lên 1,3 triệu tấn/năm); hỗ trợ Dự án nhà máy luyện nhôm Trần Hồng Quân đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đi vào sản xuất trong năm 2021. Bên cạnh những giải pháp dài hạn, để bù đắp thiếu hụt trong sản xuất công nghiệp, tỉnh cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công nghiệp, chuyển đổi các cụm công nghiệp thiếu hiệu quả.

Trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục triển khai các đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; kiểm soát, ngăn chặn lây lan dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh, giảm tối đa chi phí khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào trong sản xuất, kinh doanh… góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Công Tính

http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/khac-phuc-cac-diem-nghen-de-thuc-day-tang-truong-kinh-te-nam-2020-75966.html

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ